Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Nữ bí thư chi bộ trẻ nhất Trà Vinh

Tạp Chí Giáo Dục

Tốt nghiệp loại giỏi Trường cao đẳng Cộng đồng Trà Vinh, được giữ lại làm cán bộ trung tâm trồng trọt của trường nhưng cô gái ấp Ôkàđa (xã Phước Hảo, Châu Thành, Trà Vinh) quyết định về với quê bám ruộng, phục vụ bà con.

 

Bí thư chi bộ Thạch Thị Nhanh xuống ruộng cùng bà con chăm sóc lúa những khi xuống địa bàn -Ảnh: Thanh Xuân

Đó là nữ đảng viên 24 tuổi Thạch Thị Nhanh, trưởng ấp kiêm bí thư chi bộ, nơi 100% hộ dân đều là dân tộc Khơme. Nhanh là nữ bí thư chi bộ trẻ nhất tại Trà Vinh.

Chúng tôi gặp Thạch Thị Nhanh đang “khám bệnh” cho lúa. Nhanh nói: “Nhiều đồng lúa trong ấp đang  bị sâu cuốn lá tấn công, mình phải giúp bà con khắc phục”.

Nhanh vui vẻ: “Trước đây quê mình nghèo lắm, đất đai thường xuyên nhiễm phèn và mặn. Cây lúa một thời là loại cây chủ lực nhưng mỗi năm chỉ trồng được 1-2 vụ. Và cũng do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu kỹ thuật canh tác nên năng suất không cao. Mình quyết tâm học ngành trồng trọt – bảo vệ thực vật để giúp bà con thoát nghèo. Vả lại, sống và làm việc nơi quê nhà vẫn vui hơn”.

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp, Nhanh hăm hở trở về với quê nhà. Làm phó bí thư chi đoàn ấp một thời gian, Nhanh được bà con tín nhiệm bầu làm phó ban rồi trưởng ban nhân dân ấp khi mới 22 tuổi. Tháng 8-2008, Nhanh được bầu làm bí thư chi bộ ấp. Nhanh chia sẻ: “Lúc mới nhận nhiệm vụ, bà con vẫn còn e dè, ngại trao đổi khi thấy mình nhỏ tuổi lại ít kinh nghiệm. Điều quan trọng là phải nói làm sao để bà con tin và hiểu. Muốn vậy mình phải gần gũi, giải thích cặn kẽ những lợi ích thiết thực cho bà con hiểu”.

Mỗi tuần Nhanh đều dành thời gian xuống địa bàn với 148 hộ dân đang sinh sống để nắm tình hình an ninh trật tự. Hơn nữa Nhanh bảo: “Đi như vậy mình có thể theo dõi mùa vụ, nắm tình hình sinh trưởng, kiểm soát dịch bệnh trên cây lúa, việc chăn nuôi của bà con để có hướng xử lý, báo cáo kịp thời”. Thoạt đầu nhiều bà con trong ấp rất ngạc nhiên khi thấy cô bí thư chi bộ ăn mặc bình thường, đi chân không xuống địa bàn. Hóa ra việc đi chân không là để có thể dễ dàng lội ruộng với bà con.

Xây dựng nông thôn mới tại quê nhà

Nhanh còn hăm hở đi vận động từ xã đến tỉnh tìm kinh phí xây nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Cô huy động bà con xây dựng mô hình điểm về bảo vệ môi trường, thực hiện lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và dự án thí điểm mô hình “Nông thôn mới” của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Ngoài việc giúp bà con ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng nhà tắm, hố xí tự hoại, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, Nhanh chủ động cùng bà con làm hàng rào cây xanh, phát quang bụi rậm, diệt lăng quăng…

Hiện Nhanh đang học thêm ngành dân tộc – tôn giáo tại Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh, đồng thời cũng ráo riết cùng bà con khép kín hệ thống đê bao thủy lợi nội đồng, mở rộng đường lộ giao thông trong ấp, mở lớp học ngữ văn Khơme cho thanh niên và học sinh cấp II tại địa phương dịp hè…

THANH XUÂN (TTO)

Bình luận (0)