Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nữ bốc xếp trong đêm

Tạp Chí Giáo Dục

Một nữ bốc xếp chuẩn bị kéo hàng vào sạp

Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, hàng đêm có đội bốc xếp khá hùng hậu để vận chuyển một lượng lớn hàng nông sản từ các tỉnh khác đưa về. Điều đặc biệt ở đội bốc xếp này là sự tham gia của cánh “chân yếu tay mềm”, họ cũng làm những công việc không thua gì “cánh mày râu” nên chủ vựa rất tin tưởng.
Kéo cả màn đêm
Từ 6 giờ chiều, “đội quân” này bắt đầu làm việc cho đến 3-4 giờ sáng hôm sau, công việc chủ yếu là bốc xếp, vận chuyển hàng hóa từ xe chở nông sản các tỉnh vào các sạp trong chợ. Đa số nữ làm bốc xếp ở đây đều là dân nhập cư và có trình độ học vấn thấp, không có chuyên môn nên phải chọn nghề này. Chị Ngụy Thị Lý – đội bốc xếp 142 cho biết: “Công việc này không yêu cầu phải có trình độ cao hay chuyên môn giỏi, chỉ cần có sức khỏe là có thể vào làm, tôi cũng biết công việc này dành cho nam giới nhưng đâu phải giới nữ chúng tôi không làm được đâu…”.
Thực tế, một người nam làm bốc xếp đã rất vất vả, mệt nhọc còn với một nữ bốc xếp thì sự vất vả tăng lên gấp bội. Đối với nam bốc xếp, chỉ cần sức khỏe là đủ, còn với nữ bốc xếp, họ còn phải sắp xếp thời gian chăm sóc cho gia đình, con cái, làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ nữa. Chị Lý chia sẻ thêm: “Có nhiều hôm đang làm thì nhận được điện thoại của con trai gọi báo rằng đứa nhỏ ở nhà đang bị sốt cao, thế là tôi phải bỏ dở công việc, tất tả chạy về lo cho con”.
Còn anh Trịnh Nam Thăng – chủ vựa trái cây ở Tiền Giang cho biết: “Các chị bốc xếp ở đây làm việc rất chăm chỉ và thận trọng, tuy năng suất làm việc không bằng các nam bốc xếp, nhưng luôn chính xác trong việc giao hàng tại các sạp, ít khi giao lộn hàng cho khách”. Phận nữ làm nghề này đôi khi cũng bị nhiều chủ vựa hay vài anh lơ xe chọc ghẹo, nhưng riết rồi cũng quen, đó là lời tâm sự của một chị bốc xếp còn khá trẻ.
Đồng lương còm cõi
Những đồng lương có được từ sự khó khăn, vất vả này cũng không cao so với mức sống ở thành phố. Thu nhập hằng tháng của họ chỉ từ 1,5 triệu đến 1,9 triệu đồng/ tháng, chưa kể những ngày nghỉ do đau ốm. Với mức lương đó, chỉ đủ trang trải cho một người nên nhiều chị có gia đình phải làm thêm nghề phụ khác như: bán bánh mì, bán nước, người thì phụ bán cơm… Chị Trương Thị Phượng – quê Hà Tĩnh bộc bạch: “Nhiều hôm, sau khi vận chuyển hàng xong thì tay mỏi rời, mắt muốn ngủ nhưng vì miếng cơm, manh áo nên phải cố gắng thức và tiếp tục công việc làm thêm, nếu lúc ấy mà đi ngủ thì chẳng biết ngày mai gia đình sẽ sống như thế nào nữa?!?”.
Chị Nguyễn Thị Hoa – đội bốc xếp 142 khẳng định: “Không chỉ cần sức khỏe, công việc này đòi hỏi phải có niềm “đam mê”, sự “thông minh”, nhanh nhẹn và tinh thần làm việc hết mình. Vì đây là chợ đầu mối nông sản nên có hàng trăm, hàng ngàn mặt hàng nông sản đổ về đây và cũng có hàng trăm, hàng ngàn sạp thu mua, phân phối nông sản. Vì thế, công việc của người bốc xếp là phải vận chuyển sao cho chính xác từ xe vào các sạp thu mua, phân phối. Làm việc phải chạy đua với thời gian, chạy đua với “đồng nghiệp”, vì nếu vận chuyển được nhiều chuyến thì được chấm công nhiều hơn và được trả lương cao hơn…”.
Bài, ảnh: Công Luận
Nhìn các nữ bốc xếp kéo những chiếc xe chất đầy nông sản, nặng gấp 2-3 lần trọng lượng của cơ thể, mới cảm nhận được sự khó khăn trong công việc mà họ đang làm. Càng về khuya, bước chân của họ càng chậm lại, sự đuối sức thể hiện ra trên khuôn mặt mệt mỏi nhưng họ vẫn bước, vẫn cố gắng vận chuyển hàng với hi vọng cuối tháng tiền lương sẽ khá hơn, đủ để trang trải cho cuộc sống.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)