Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Nữ công nhân đi học

Tạp Chí Giáo Dục

Không chấp nhận là lao động phổ thông, nhiều nữ công nhân đã quay lại trường học, tiếp tục rèn luyện kiến thức tay nghề. Tự lùi một bước, tự lựa chọn con đường dài nhưng họ xác định, đó cũng chính là “đại lộ” để mỗi người có cơ hội cải thiện chính mình, cải thiện công việc và thu nhập.

Không lẽ đời mình như vậy mãi?

Phu đã cật vấn mình như thế. 3 năm ròng chạy bàn, tổng thu nhập chỉ nhích dần từ 1 – 1,5 triệu đồng/tháng; trừ ăn, tiêu, thuê nhà… thì chẳng còn gì. Những gì Phu quen biết cũng chỉ là con đường từ nhà trọ đến một số tiệm ăn, nhà hàng tiệc cưới, những nơi Phu vất vả làm lụng, đứng chôn chân đến 22 – 23 giờ hàng đêm. Muốn tiết kiệm tiền, Phu chỉ có cách… nhịn ăn, chắt bóp chi tiêu. Nhưng khoản tiền ít ỏi ấy liệu có đủ để thực hiện những mơ ước của mình? Nghĩ đến người mẹ bị câm điếc bẩm sinh, giờ đã sang dốc cuộc đời, đang một mình mò mẫm ở quê nhà Bình Định, Phu càng thấy mình bế tắc, rối bời. Năm 2011, Đỗ Thị Phu quyết định đi học trung cấp. Ngày đến trường, tối tối, Phu chạy bàn, gọi là lấy ngắn nuôi dài.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, trao danh hiệu “Học sinh 3 rèn luyện” cho chị Hà Thị Ngọc.

Cũng như Phu, khao khát trở lại trường học của Nguyễn Thị Mỹ luôn âm ỉ, dù Mỹ đã xa trường, xa bạn 7 năm. Năm 2004, sau nhiều vụ tôm thất bát ở Trà Vinh, thấy ba mẹ bộn bề công nợ, Mỹ chẳng còn lòng dạ nào đến trường. 3 năm gần đây, gia đình đã bớt khó khăn, Mỹ gọi điện về báo với ba mẹ là mình sẽ đi học lại.

Động viên con nếu có điều kiện học được thì cứ theo học, song trong thâm tâm ba mẹ cũng không kỳ vọng gì. “Ba mẹ nghĩ rằng thôi thì học tàng tàng lấy cái bằng cho dễ kiếm việc, nếu không quá tốn kém tiền bạc”, Mỹ kể lại. Nhưng Mỹ quả quyết, mình sẽ học cho mình, không học vì bằng cấp. 3 năm lao động chân tay ở một công ty của Đài Loan và 4 năm ở Tập đoàn Hoàng Long (TPHCM), Mỹ đã thấm thía khoảng cách lương bổng giữa mình và người có kỹ năng nghề nghiệp. “Người lao động không chỉ làm việc bằng sức lực mà phải bằng kỹ năng. Kỹ năng có được nghĩa là phải trải qua đào tạo để rút ngắn thời gian tích lũy kinh nghiệm, từ đó làm việc ngày càng có hiệu quả, năng suất cao. Tuổi càng lớn, sức càng giảm, nếu chỉ làm việc theo sức sẽ ngày càng thụt lùi, không bền lâu nhưng ngược lại, kỹ năng thì ngày càng vững vàng, tinh thông” – Mỹ dẫn lại lời của các anh chị trong công ty đã định hướng cho sự thay đổi của mình.

Chưa muộn

22 tuổi, Mỹ ghé Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 7, học lại lớp 9. Tưởng mình 22 tuổi đã già, học với các bạn không cùng trang lứa sẽ ngượng nghịu lắm, ai dè trong lớp còn một anh 42 tuổi và hai chị 23 tuổi, họ vẫn đi học bình thường. Có thêm người cùng cảnh, Mỹ yên tâm nhiều và thấy mình đi học vẫn chưa quá muộn, tương lai còn dài. Đứt quãng 7 năm, giờ đụng đến sách vở, điều gì cũng mới lạ. Khả năng tiếp thu của Mỹ vì thế cũng chậm hơn các bạn. “Ai nói gì, cũng kệ. Mình cứ im lặng mà học. Mình học vì tương lai của mình, vì cuộc sống của mình”, Mỹ tâm niệm. Với đà đó, sau khi học xong lớp 9, Mỹ nộp hồ sơ vào Trường Trung cấp kinh tế – kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh. Biết mình mất lợi thế, không được thư thả như các bạn khác có điều kiện, Mỹ học ngày học đêm, bù lại kiến thức khoa học cơ bản. Buổi tối, nữ công nhân này còn học ngoại ngữ. Từ người chỉ biết đếm tiếng Anh từ 1 đến 10, giờ đây, Mỹ có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Điểm trung bình học tập thường trên 8.0, dẫn đầu lớp.

Không đồng ý với lời khuyên của cha mẹ và không giống với đa số bạn bè, Hà Thị Ngọc (quê Trà Vinh) lại tự chọn lựa con đường khác cho mình: nghỉ học lớp 11 phổ thông giữa chừng để chuyển sang trường vừa học nghề, vừa học văn hóa. Tối nào, Ngọc cũng làm việc ở quán ăn đến 23 giờ đêm, nhưng Ngọc luôn là học sinh xuất sắc trong trường. Vất vả từ nhỏ, giờ đây được ngồi ở ghế nhà trường, đó là niềm hạnh phúc. Càng trân quý hơn, đó là hạnh phúc do mỗi công nhân tự lựa chọn, tự tạo dựng cho mình.

Với Đỗ Thị Phu, nhận kết quả học tập đạt 9.0 của con, mẹ Phu chỉ khóc, giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ tật nguyền dõi bước theo con. Chính bà không ngờ, từ nhân viên chạy bàn, Phu đã là “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”, đoạt giải ba trong hội thi học sinh giỏi nghề cấp trường, đạt danh hiệu “Học sinh 3 rèn luyện” của TP.

Cắt nghĩa về nguồn năng lượng dồi dào, giúp mình vừa làm, vừa học xuất sắc, các nữ công nhân đều có một điểm chung: Muốn trở thành thợ giỏi, vững bước vào môi trường làm việc tốt hơn, có công việc ổn định, có mức lương khá hơn để phụ giúp gia đình. Sự nỗ lực của các bạn, đúng như anh Phạm Hồng Sơn, Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM, nhận định: Các bạn, với sự nỗ lực, dám ước mơ, dám lựa chọn và đang thực hiện xuất sắc, là những đại sứ, cổ vũ sự lựa chọn học nghề để vào đời vững chắc của các bạn trẻ, công nhân trẻ. Và các bạn cũng sẽ là nguồn nhân lực có tay nghề vững vàng, góp phần hiệu quả xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

MẠNH HÒA (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)