Bức ảnh kỉ niệm Phan Thị Lệ (thứ 2 từ trái qua) chụp cùng đồng đội
|
Đến Thành cổ Quảng Trị, ai cũng biết nơi đây từng một thời được mệnh danh là “chảo lửa”, một mảnh đất chưa đầy 4km2 phải hứng chịu sức công phá bằng 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản). Giữa khung cảnh hoang tàn đổ nát đó, ít ai để ý đến bức ảnh của o du kích dẫn bộ đội băng qua bom đạn chết chóc với nụ cười rạng rỡ thách thức hiểm nguy…
Xem cái chết nhẹ tựa lông hồng
Lần thứ 5 trở lại Thành cổ, tôi mới lần mò ra được địa chỉ của chủ nhân bức ảnh về cô du kích với nụ cười rạng rỡ đang dẫn các chiến sĩ băng qua khoảng đất nham nhở gạch đá sau một loạt bom cày xới được phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính ghi lại. Chủ nhân của nụ cưới ấy là o du kích Phan Thị Lệ, hiện trú đường Đặng Tất, phường 1 (TP.Đông Hà, Quảng Trị). Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 khá tuềnh toàng, o du kích ngày đó bây giờ ở vào cái tuổi ngoại lục tuần, gương mặt in hằn nếp nhăn của thời gian, tuổi tác, của nhọc nhằn theo kế sinh nhai. Nhưng nụ cười đầy tinh thần khích lệ ấy vẫn không hề phai nhạt.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, mới 11 tuổi, o Lệ đã theo chân anh chị làm giao liên đưa công văn, giấy tờ, nhu yếu phẩm cho bộ đội từ hậu cứ về. Đến năm 1972, khi cuộc chiến đi vào giai đoạn ác liệt nhất, người già và trẻ em sống xung quanh Thành cổ được lệnh tập kết ra Bắc. Không theo gia đình, o Lệ nhất quyết xin ở lại. Xin không được thì trốn rồi tham gia du kích xã, ở lại phục vụ chiến đấu, bảo vệ vùng đất phía Bắc sông Thạch Hãn. Ngày 16-8-1972, o Lệ lúc này vừa tròn 17 tuổi đã cùng người bạn chiến đấu của mình là Lê Thị Hảo (20 tuổi) xung phong tình nguyện đưa phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính và bộ đội vượt sông Thạch Hãn vào Thành cổ. Nghe o Lệ xung phong ai cũng cản. Thân gái dặm trường, đến chỗ đi không mong trở về, chẳng ai nỡ để một cô gái đang độ trăng tròn tiên phong trước cái chết ác liệt. O vẫn quả quyết: “Dù răng đi nữa tui cũng là người sinh ra và lớn lên ở cái đất ni, tui rõ hơn ai hết đường ngang lối dọc chớ mấy chú mấy anh từ ngoài Bắc, trong Nam mần răng biết được. Dẫn các chú các anh đi giải phóng cho quê tui mà tui không đi thì ai đi?”. O không sợ chết à? – tôi hỏi. O Lệ cười tươi, bảo: “Lúc nớ chỉ cần đặt chân xuống mép sông là coi như cận kề cái chết rồi, coi như đi mà không mong ngày trở về rồi. Thế nhưng lúc nớ có sợ chi mô. Cứ nghĩ mần răng đánh đuổi giặc để anh em, bà con được về sum họp là hạnh phúc rồi”, o Lệ nhớ lại. “Nửa đêm hôm đó, tui với chị Hảo cùng nhà báo Đoàn Công Tính và một đại đội Bộ đội phiên hiệu 312 từ miền Bắc mới vào bổ sung cho chiến trường vượt sông. Vừa mới đặt chân xuống sông, địch đã nã pháo tới tấp, bay ràn rạt lướt trên mặt sông. Chúng tôi cứ ngụp lặn thật sâu dưới lòng sông để cố bơi tới bờ. Chạm chân đến bến bên kia, kịp điểm mặt đồng đội xong là lao vào hầm chỉ huy trung tâm. Sáng hôm sau, vừa mới lên khỏi hầm, chú nhà báo đang chụp mấy kiểu ảnh thì bom địch dội xuống, lại tiếp tục chạy, chạy đến mất cả dép. Tui và chị Hảo chạy trước dẫn đường, mấy anh bộ đội chạy sau, đến chỗ nào có thể chọn làm công sự được thì dừng lại. Ngớt loạt bom thì lao ra tìm thương binh. Lúc nớ nghĩ mình không trở về được, nên khi chú Tính đưa máy lên chụp, tui nói là nếu sau này còn sống về được thủ đô thì nhờ chú phóng bức hình của tui để làm kỉ niệm. Rứa mà tui sống thật”, O Lệ cười hiền.
40 năm sau trận chiến Thành cổ mùa hè 1972 đỏ lửa, bức ảnh ở chân tường Thành cổ nham nhở vết đạn chụp o du kích cười rạng rỡ giữa tàn khốc của chiến tranh được treo trang trọng trong Bảo tàng Thành cổ. Và hạnh phúc hơn, khi sự sống giữa thời buổi được xem như hạt gạo trên sàng thì chủ nhân bức ảnh cũng như người phóng viên chiến trường ngày ấy vẫn còn có dịp hội ngộ trong thời bình.
Bình dị giữa đời thường
Thời gian in hằn trên khuôn mặt vẫn không làm phai nụ cười rạng rỡ của o du kích ngày nào trước làn tên mũi đạn |
Trở về sau những năm xông pha nơi làn tên mũi đạn, o Lệ đi làm công nhân xí nghiệp bánh kẹo, rồi chuyển sang công nhân Nhà máy Bia tại thị xã Đông Hà (nay là thành phố Đông Hà) để kiếm sống. Cống hiến nhiều trong chiến tranh, sức khỏe không đảm bảo cho công việc nặng nhọc của một công nhân xốc vác, o về nghỉ hưu theo chế độ mất sức (176). Hàng ngày ngoài công việc nội trợ, để có đồng ra đồng vào, nuôi con ăn học, o xoay sang nuôi lợn thịt. Cuộc sống còn khá khó khăn nhưng ở người phụ nữ ấy luôn toát lên vẻ tự tin. “Đối mặt với cái chết hủy diệt mình còn chẳng màng. To như thằng Mỹ mình còn đánh đuổi được, bây chừ kinh tế khó chút đã nản lòng thì làm sao nuôi được con ăn học chứ chưa nói đến việc xây dựng quê hương giàu mạnh”, o Lệ khẳng khái nói. Không phụ lòng tin của mẹ, hai đứa con của o đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng có việc làm ổn định, còn đứa em út đang theo học tại Trường Cao đẳng Kinh tế kế hoạch Đà Nẵng. Với o đó là niềm tin là nghị lực để giúp o vượt qua gian nan, vất vả của cuộc sống thường nhật.
O Lệ bảo, mình được sống để thấy ngày hôm nay, so với biết bao đồng chí, đồng đội của mình đã ngã xuống là thấy hạnh phúc lắm rồi. Đến bây giờ vẫn còn nhiều đồng chí, đồng đội của o đang đi làm kinh tế mới tận miền Nam, o được sống trên quê mình đã là hạnh phúc. Nhắc đến chuyện chế độ, o lại lảng tránh, dù có giấy chứng nhận của Hội đồng thi đua khen thưởng thị xã Đông Hà ký xác nhận o tham gia kháng chiến từ tháng 4-1966, là cơ sở liên lạc giữa Điệp báo thị Quảng Hà với Xã đội Triệu Thượng. O Lệ được nhận Huân chương Kháng chiến hạng ba do Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký ngày 27-4-1996. Thời gian tham gia kháng chiến là 9 năm 4 tháng, nhưng khi đi làm chế độ thì cán bộ làm hồ sơ thủ tục lại bắt bẻ: “Làm chi có chuyện tham gia kháng chiến từ khi 11 tuổi?”. Không muốn phân bua công trạng một khi tham gia chiến đấu chỉ với mục đích giải phóng quê hương, cho bà con được ấm no, o lặng lẽ bỏ tập hồ sơ lại. Thời gian sau, o cũng có tên trong danh sách giải quyết chế độ thế nhưng thời gian tham gia kháng chiến bị cắt xén còn lại vỏn vẹn 3 năm, tương đương với số tiền khoảng một triệu đồng.
Thế bây giờ o có hay gặp lại đồng đội không? – tôi chuyển hướng câu chuyện. Gương mặt o Lệ chợt rạng rỡ trở lại: “Có chứ, năm nào các cô các chú về thăm chiến trường xưa cũng tìm gặp tui. Anh em gặp nhau vui lắm, mấy ngày đó mình như được sống lại cái thời thanh niên sôi nổi, quên cả nhọc nhằn hiện tại”. Nói rồi, o chỉ lên bốn bức tường nhà. Nơi đó, những bức hình thời chiến tranh, thời tuổi trẻ sôi nổi và những tấm ảnh đồng đội gặp nhau sau ngày giải phóng, đặc biệt là tấm ảnh của o cùng đồng đội được nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính chụp tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972 được treo trang trọng!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)