Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Nữ giảng viên đoạt giải thưởng quốc tế Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

20 ngàn đô la là giá trị giải thưởng mà TS. Nguyễn Thị Hiệp (giảng viên Bộ môn Kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa nhận được sau khi đoạt giải nhất cuộc thi giải thưởng Khoa học ASEAN – Mỹ 2017 với mô hình chữa bệnh từ xa.

TS. Nguyễn Thị Hiệp chia sẻ về quá trình nghiên cứu và dự giải thưởng Khoa học ASEAN – Mỹ 2017

Cuộc thi do ASEAN, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ và Công ty UL tổ chức quy tụ hơn 60 nhà khoa học nữ ở khu vực ASEAN. Dự án của TS. Hiệp hướng đến việc tạo điều kiện cho người dân sử dụng các giải pháp chăm sóc tại nhà, giúp giảm áp lực lên hệ thống y tế đô thị.

Khám bệnh từ xa giảm áp lực y tế đô thị

TS. Hiệp cho biết, dự án được viết gấp rút, chỉ trong khoảng 1 tuần do chị khá bận rộn làm các dự án khác, không để ý thời hạn cuộc thi. “Giải này có ưu điểm diễn ra vào mùa hè, mùa mà các nhà khoa học hay tập trung viết các dự án chạy cho năm tới. Ban đầu tôi cũng không đặt nhiều hy vọng vào cuộc thi này vì đang mải mê, tất bật với các dự án khác và nhận thấy những người đoạt giải các năm trước đều là giáo sư, giám đốc viện. Cho đến khi còn khoảng 1 tuần chốt hạn, tôi mới sực nhớ và gấp rút tập trung viết. Nhờ có sẵn tư liệu về các thành tích nghiên cứu trước đó, dự án đã hoàn thành đúng hạn, khá hoàn chỉnh” – TS. Hiệp chia sẻ.

26 công bố khoa học thuộc hệ thống ISI

TS. Nguyễn Thị Hiệp có hơn 10 năm nghiên cứu về các vật liệu ứng dụng trong y học và tương tác của chúng lên tế bào mô. Hiện chị có 26 công bố khoa học trong tạp chí khoa học thuộc hệ thống ISI, 6 công bố khoa học thuộc các tạp chí quốc tế khác, 6 bài báo trong nước, hơn 40 bài báo khoa học trong các hội nghị quốc tế và 4 bằng phát minh. 

Cuộc thi đặt yêu cầu giải quyết vấn đề cộng đồng, vì vậy dự án của TS. Hiệp xoáy vào lĩnh vực y tế từ xa (viễn y), một trong những lĩnh vực nổi cộm hiện nay. Theo chị Hiệp, TP.HCM tập trung nhiều bệnh viện khám, chữa bệnh hiệu quả. Nhiều người dân ở các địa phương khác đổ về đây để khám chữa bệnh gây nên áp lực lớn, trong khi thực tế, có những trường hợp không nhất thiết phải đi xa như vậy mà có thể chữa khỏi ở bệnh viện địa phương.

Để giảm thiểu lượng người từ các tỉnh đổ về TP.HCM chữa bệnh cũng như giảm áp lực cho hệ thống y tế đô thị, nữ tiến sĩ đề xuất áp dụng giải pháp viễn y. Mô hình này tạo ra những thiết bị và phương cách để người bệnh ở nhà vẫn có thể được kiểm tra, “khám” các triệu chứng. Những dữ liệu sau khi kiểm tra được chuyển trực tuyến đến các bác sĩ, bệnh viện. Như vậy, một bác sĩ có thể nắm bắt dữ liệu nhiều nơi, từ đó chẩn đoán, đưa ra phương pháp điều trị và chăm sóc tức thời cho người bệnh như đang ở bên cạnh bệnh nhân. Và khi đó, trừ những trường hợp quá nguy hiểm, bệnh nhân có thể ở nhà điều trị từ xa thông qua sự theo dõi và hướng dẫn của bác sĩ mà không nhất thiết đến bệnh viện.

“Ngoài những nội dung đề cập vào dự án, có những câu hỏi trong cuộc thi liên quan đến cuộc đời của thí sinh, chẳng hạn, ngày xưa con đường đi đến khoa học như thế nào, đã vượt qua những khó khăn gì… Tôi có lợi thế đã xuất thân từ gia đình nghèo ở vùng quê, đã vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại trong cuộc sống nên ở khía cạnh này, những trải nghiệm của bản thân tôi đã thuyết phục nhanh chóng các yêu cầu của Ban tổ chức” – TS. Hiệp bộc bạch.

Được biết, trước đây một năm, nữ tiến sĩ trẻ này cũng được vinh danh trong khuôn khổ của giải thưởng khoa học L’Oreal – UNESCO vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học.

Từ chối việc làm nước ngoài lương cao về nước cống hiến

Với đam mê khoa học, TS. Hiệp đã bỏ ngang ngành sư phạm sau 2 năm theo học để bắt đầu lại bằng việc trở thành sinh viên ngành Hóa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Đến năm 2006 chị tốt nghiệp ĐH, đi học thạc sĩ và tiến sĩ ở Trường ĐH Soonchunhyang (Hàn Quốc). Từng được đề nghị ở lại Hàn Quốc làm việc với mức lương hàng nghìn đô la nhưng năm 2012, chị Hiệp trở về nước làm giảng viên Bộ môn Kỹ thuật y sinh, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Những ngày đầu chân ướt chân ráo trở về trường làm việc đối với TS. Hiệp là thời kỳ đầy khó khăn. Khi đó, chuyên ngành y học tái tạo (chuyên ngành chính của chị) ở trường chưa có phòng thí nghiệm. Các thiết bị trong bộ môn lúc đó không hoàn toàn phù hợp với hướng y học tái tạo mà chị đang theo đuổi.

TS. Nguyễn Thị Hiệp từng từ chối việc làm nước ngoài lương cao để về nước cống hiến

Phụ nữ Việt Nam đầu tiên đoạt giải thưởng Khoa học ASEAN – Mỹ

Giải thưởng Khoa học ASEAN – Mỹ năm 2017 hỗ trợ các nhà khoa học nữ trẻ nhiều tiềm năng trong khu vực ASEAN; khuyến khích hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN với Mỹ về những giải pháp bền vững cho các trung tâm đô thị trong toàn khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là một trong nhiều sáng kiến của Mỹ nhằm hỗ trợ các nước ASEAN hội nhập kinh tế, ươm mầm lãnh đạo tương lai, tăng cơ hội cho phụ nữ và giải quyết các thách thức xuyên quốc gia. TS. Nguyễn Thị Hiệp là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên nhận được giải này.

“Hiện trạng bộ môn lúc đó không thể sử dụng cho hướng nghiên cứu của tôi. Cũng may, nhờ có sự giúp đỡ của ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Quốc tế, thầy Trưởng Bộ môn đã đứng ra vay được tiền để mua những thiết bị cần thiết nhất để làm thí nghiệm, đồng thời xin được những dự án tài trợ nghiên cứu, sau đó vừa làm nghiên cứu vừa… trả nợ. Đó thực sự là khoảng thời gian đầy thử thách” – nữ tiến sĩ hồi tưởng lại.

Chưa kể thời điểm đó, chị còn sinh 2 con nhỏ, các bé cách nhau 2 tuổi. “Lúc vừa vay tiền vừa làm đề tài để trả nợ, lại đang mang bầu đứa con thứ 2, thật sự tôi có thấy… nản. Đến nỗi, tôi tự nghĩ hay nghỉ hẳn ở nhà chăm lo con. Nhưng rồi tôi lại đấu tranh tư tưởng vì từng hứa với thầy Trưởng Bộ môn sẽ cùng xây dựng y học tái tạo tại Việt Nam” – TS. Hiệp chia sẻ. Phải mất 4 năm, TS. Hiệp cùng đồng nghiệp mới bước hết qua giai đoạn khó khăn, hoàn tất trọn vẹn những điều mình đã tâm nguyện.

Ngoài ra, chị cũng thấy may mắn vì được gia đình hiểu, cảm thông và tạo điều kiện để theo đuổi công việc, nghiên cứu khoa học. Bởi theo chị, nếu thiếu sự ủng hộ từ phía gia đình, người phụ nữ rất khó hoàn thành việc nghiên cứu khoa học, một việc đòi hỏi rất nhiều tâm huyết và thời gian.

Hiện TS. Hiệp đang cùng nhóm bác sĩ ở Trường ĐH Y Dược TP.HCM thực hiện dự án về răng miệng và thay thế xương. Chị cho rằng, nhu cầu về các vật liệu thay thế xương là rất cao kể cả thế giới và trong nước. Ở Việt Nam, hầu như tất cả xương dùng trong y học đều phải nhập. Vì vậy, nhóm của chị đang cố gắng đang tập trung nghiên cứu, tìm hướng giải quyết vấn đề này. Bên cạnh đó, chị cũng tham gia chạy song song nhiều dự án khác với các nhóm ở nhiều quốc gia.

Thục Trân

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)