Bài 2: Oan ức này biết tỏ cùng ai
Vì nhiều lý do, không ít nữ giáo viên mầm non, tiểu học đã phải sống độc thân (ảnh chỉ mang tính minh họa) |
Bởi có 1.001 lý do khách quan và cả chủ quan nên không ít nữ giáo viên đã chọn cuộc sống độc thân. Cứ tưởng “thân ai, người ấy lo”, nào ngờ dư luận xã hội lại không buông tha cho các cô. Những “lời ong, tiếng ve” đã ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của các cô…
Hình như cô ấy bị…ô môi?
Chị Mỹ Linh có con đang học tại một trường mầm non ở trung tâm thành phố nhỏ to: “Em biết chuyện gì không, cô Tr. – trường con chị đang học bị… ô môi đấy”. Thấy tôi tròn mắt nhìn, như được dịp, chị tuôn ra một kho chuyện đã cóp nhặt bấy lâu nay. “Em thử nghĩ coi, ngoại hình của cô Tr. cũng tạm được, ăn nói thì dịu dàng dễ nghe. Còn nói về năng lực thì chắc chắn là không tệ rồi. Vậy tại sao đã hơn 50 tuổi mà vẫn không lấy chồng. Cách đây ít lâu chị nghe mấy phụ huynh ở trường xì xào cô ấy có bồ nhưng khổ nỗi đó không phải là đàn ông mà là… đàn bà. Hai người lúc nào cũng cặp với nhau như hình với bóng vậy đó. Giáo viên trong trường còn nói, mỗi khi cô Tr. lên Phòng GD-ĐT quận hay lên Sở GD-ĐT họp thì “bồ” của cô đều chở đi. Không chỉ có vậy, chị còn nghe được thông tin là hai cô ở chung nhà với nhau…”. Với những “chứng cứ” vỉa hè trên, chị Mỹ Linh đã khăng khăng rằng cô giáo Tr. bị… ô môi.
Mặc dù không phải là chỗ thân thiết với cô Tr. nhưng tôi đã nhiều lần tiếp xúc với cô và nhận thấy cô rất dễ thương. Đôi lần tôi tự thắc mắc rằng tại sao một người phụ nữ như cô lại sống độc thân. Song tôi không dám hỏi vì sợ chạm vào nỗi đau thầm kín của cô. Tuy nhiên khi nghe những lời to nhỏ của chị Mỹ Linh về cô Tr., tôi cũng có chút tò mò. Nhưng với chuyện “động trời” như vậy, tôi làm sao xác minh đây?
Bằng những mối quan hệ chị em chỉ nói chuyện phiếm với nhau, tôi đã dần dần “moi” được thông tin về cô Tr. từ những đồng nghiệp của cô. Thì ra những câu chuyện mà chị Mỹ Linh “lượm lặt” ở cổng trường khi đón bé Hà Linh là có thật. Vài năm trước, mối quan hệ giữa cô Tr. và cô M. tỏ ra rất thân mật. Cũng không có gì lạ, bởi cả hai cô đều là giáo viên mầm non, đều sống độc thân và cỡ tuổi nhau. Thế nên dư luận trong hai trường mầm non mà hai cô công tác cũng không có gì phải ầm ĩ. Rồi một ngày đẹp trời nọ, cô M. dọn đồ tới nhà cô Tr. ở. Sáng sáng cô M. chở cô Tr. đi làm, chiều đón về… Và những câu chuyện mà chị Mỹ Linh “nhặt” được cũng ra đời từ đó.
Sở dĩ cô Tr. không lấy chồng là bởi gánh nặng gia đình. Từ bé cô sống với dì, nuôi cô lớn khôn nên người rồi dì mới lập gia đình. Những đứa con của dì chưa kịp lớn thì dượng qua đời, dì bệnh nặng thế là cô Tr. phải cáng đáng mọi chuyện trong nhà. Mấy năm trước cô Tr. đi bác sĩ và phát hiện mình bị bệnh. Sợ một thân một mình khó có thể chu tất việc gia đình, việc trường lớp nên cô Tr. mời người bạn thân là cô M. (đang phải sống cô độc trong một căn phòng trọ bé tẹo) về nhà cô ở để cùng nhau chăm sóc dì và các em.
Có thể cả cô Tr. và cô M. đã ít nhiều nghe được những “lời ong, tiếng ve” về mối quan hệ của hai người. Nhưng làm sao để thanh minh, thế nên hai cô đành chọn giải pháp “im lặng là vàng”…
Đứa con nuôi
Thấy Hoàng Mai càng lớn càng giống mẹ nuôi, dư luận trong trường tiểu học A. ở một quận ven xì xào: “Chắc con đẻ đấy chứ, con nuôi sao giống mẹ như hai giọt nước vậy”. Những lời xì xào này bắt nguồn từ nguyên nhân chính là cô Q. – giáo viên trường tiểu học A. sống độc thân.
Gần 10 năm trước, cô Q. chuyển từ Long An về dạy ở trường. Lúc đó trong lý lịch của cô ghi là độc thân. Và trong những lúc nhàn rỗi “ngồi tám” với các đồng nghiệp, cô Q. chưa bao giờ nhắc đến hai chữ chồng con. Năm học 2005 -2006, cô dẫn theo một bé gái 6 tuổi tới trường xin nhập học. Trong hồ sơ của đứa trẻ không có tên cha, chỉ có tên mẹ Ng.T.H.Q nhưng là mẹ nuôi. Lúc đó một vài giáo viên trong trường cũng bán tín bán nghi nhưng không ai dám hỏi…
Đến nay, sau 4 năm bé Hoàng Mai học ở trường, tận mắt chứng kiến cảnh cô Q. chăm sóc bé, cái suy nghĩ bé Mai là con cô giáo Q. trong đầu các cô giáo trường tiểu học A. như càng thêm chắc chắn. Điều đó cũng tỷ lệ thuận với thái độ dè dặt, thờ ơ của các đồng nghiệp với cô giáo Q. Thậm chí ngay cả phụ huynh học sinh cũng có thái độ thiếu thiện cảm với cô… “Ai khảo mà tra”, cô giáo Q. đành lặng lẽ làm tốt công việc của mình.
Cô giáo L. (đang dạy tại một trường tiểu học Q.Bình Thạnh), trước đây cùng học Trường CĐ Sư phạm TP.HCM (nay là Trường ĐH Sài Gòn) với cô Q. kể lại: “Q. tội lắm. Thời sinh viên, Q. là hoa khôi của khoa nên được nhiều anh khóa trước theo đuổi. Nhưng ngày ấy Q. đã có bạn trai, anh ấy đang chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Tốt nghiệp với tấm bằng đỏ, Q. được giữ lại trường nhưng Q. đã từ chối. Sau đó, Q. được phân công dạy học ở một trường tiểu học thuộc huyện Bình Chánh. Hai năm sau, Q. nhận được tin người yêu đã hy sinh. Quá đau buồn, Q. xin nghỉ dạy rồi lặng lẽ về quê ngoại ở Long An. Không biết ở Long An có gì hấp dẫn mà Q. quyết định ở lại đó và xin đi dạy học. Gần 20 năm dạy học ở Long An, cũng có nhiều người ngỏ lời nhưng Q. cứ lắc đầu. Đến năm 2000, đứa em gái út của Q. “hư hỏng” và có thai. Vì thai lớn nên các bác sĩ không cho phá, Q. nói: “Thôi em cứ sinh cháu ra, chị sẽ nuôi”. Ngày bé Hoàng Mai chào đời cũng là ngày Q. chuyển công tác về Sài Gòn. Bây giờ em gái Q. đã lấy chồng và đang định cư ở nước ngoài…”.
Thì ra là vậy, hèn gì bé Hoàng Mai lại giống “mẹ nuôi” Q. như hai giọt nước. Thế nhưng vì giữ thể diện và cả hạnh phúc cho em gái mà cô giáo Q. đã im lặng, mặc cho dư luận “tiếng chì, tiếng bấc”…
Bài & ảnh: Kim Anh
Bình luận (0)