Tuần qua đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (2021 – 2026) của Hội Nữ trí thức Việt Nam. Tham dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Ban Chấp hành Hội Nữ trí thức Việt Nam nhiệm kỳ III (2021-2026). Ảnh: VGP
Theo báo cáo của Hội Nữ trí thức Việt Nam, tính đến hết tháng 1-2021, hội đã có hơn 4.000 hội viên (tăng hơn 2.000 hội viên so với đầu nhiệm kỳ), có một số hội viên mạng lưới đang định cư, làm việc ở nước ngoài. Với lực lượng hội viên mạnh, có nhiều nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cả khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và các nền kinh tế nên công tác tư vấn, phản biện xã hội của hội đóng góp hiệu quả trong quá trình xây dựng các chính sách về giáo dục, khoa học – công nghệ và bình đẳng giới.
Hội cũng đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao vai trò của nữ trí thức trong nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Trong nhiệm kỳ 2021-2026, Hội Nữ trí thức Việt Nam sẽ tiếp tục tập hợp đoàn kết nữ trí thức, phát huy sức mạnh trí tuệ của phụ nữ Việt Nam trong và ngoài nước, khơi dậy khát vọng cống hiến của nữ trí thức cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; mở rộng hợp tác quốc tế, tham gia tích cực các hoạt động của mạng lưới các nhà khoa học nữ trên thế giới để hội nhập, nâng cao vị thế nữ trí thức Việt Nam.
Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, những năm qua các nữ trí thức Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực vào công tác nghiên cứu khoa học, làm chủ kiến thức, tri thức; có nhiều hoạt động tư vấn, phản biện chính sách và là những tấm gương sáng, thực sự đi đầu lan tỏa những điều tốt đẹp nhất trong xã hội, góp phần làm cho xã hội công bằng hơn, đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn.
Sứ mệnh này của Hội Nữ trí thức Việt Nam cần tiếp tục được phát huy khi nữ giới đang giữ vai trò quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực như: Khoa học sức khỏe (55%); giáo dục (64%); khoa học xã hội nhân văn (58%)…
Phó Thủ tướng cho biết, khi bàn về chiến lược phát triển của Việt Nam 2035, các tổ chức quốc tế cho rằng để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam phải tăng trưởng khoảng 8%/năm trở lên liên tục trong vòng 20 năm. Điều này không thể đạt được nếu chỉ bằng những biện pháp, cách làm như từ trước tới nay.
“Phải làm thế nào để khơi dậy được khát vọng của mỗi người Việt Nam có thể hy sinh tất cả quyền lợi của cá nhân để đất nước, dù không giàu có như các nước có thu nhập cao nhất nhưng cũng không được nghèo nữa. Nhưng khi Việt Nam cố gắng, các quốc gia khác cũng đang cố gắng”, Phó Thủ tướng trăn trở và chia sẻ khi đã có tấm lòng, khát vọng như vậy thì cũng phải rất trí tuệ, sáng tạo. Dân tộc Việt Nam đã vượt qua những thời khắc khó khăn nhất trong lịch sử không chỉ bằng lòng dũng cảm, sự hy sinh mà cả tài năng, trí tuệ, sáng tạo.
“Một khi có tấm lòng, khát vọng làm cho nhân dân hạnh phúc hơn, giúp được nhiều người hơn thì mỗi nhà khoa học, trí thức sẽ bằng mọi cách tìm tòi, trau dồi, học hỏi để tìm ra cách làm. Ngược lại nhận thức cao nhất, trí tuệ cao nhất là làm sao giúp cho tất cả mọi người hạnh phúc”, Phó Thủ tướng trao đổi và cho rằng phải tạo được môi trường cổ vũ cho những cái mới, sự sáng tạo, tôn vinh trí thức. Xây dựng luật pháp, cơ chế thiết thực để khơi dậy khát vọng, phát huy tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo của tất cả mọi người dân Việt Nam.
T.S
Bình luận (0)