Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Nữ nhân viên gác chắn đường ray

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chị Hồ Thị Phi đang làm nhiệm vụ tại đường ray giao với đường Hoàng Văn Thụ
Tiếng còi thét vang inh ỏi, tiếng máy nổ xập xình báo hiệu đoàn tàu sắp đi qua là sự xuất hiện của các nhân viên gác chắn, gác ghi ngày đêm túc trực bên những trạm giao cắt đường bộ. Với nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho người tham gia giao thông đường bộ, cũng như giúp thông thoáng cho không gian của những toa tàu. Công việc tưởng chừng như dễ dàng, nhưng nếu tìm hiểu sẽ thấy sự chịu đựng, hy sinh của họ rất lớn, nhất là các nữ nhân viên…
Làm việc dưới “mưa” bụi
Gác chắn (tại các điểm giao với đường bộ), gác ghi (bẻ ghi để chọn rãnh theo định hướng của đoàn tàu, tại các điểm có nhiều rãnh), đó là công việc đòi hỏi phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, bởi vì nếu lơ là, họ sẽ để lại hậu quả rất khủng khiếp. Phía sau mỗi đoàn tàu đi qua là bụi bặm mịt mù, còn phải liên tục thức suốt đêm, nhưng chúng tôi rất ngạc nhiên và cảm động vì trong các căn gác nhỏ 12m2 (tiêu chuẩn mỗi căn gác là 12m2, nhưng tùy theo địa thế có thể nhỏ hơn) và luôn phủ đầy bụi bặm ấy, hơn 2/3 trong số họ là nữ.
Tại căn gác chắn nhỏ, nơi đường ray giao với đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận – TP.HCM ) lúc 9 giờ 50 sáng, chị Hồ Thị Phi (nhân viên gác chắn, 23 tuổi, người Quỳnh Lưu – Nghệ An) nhận được điện báo còn 10 phút nữa đoàn tàu tới. Lập tức, chị chuẩn bị ra trạm hạ chắn xuống để đón tàu, rồi chị nghiêm chỉnh đứng ở vị trí qui định vẫy cờ trước đoàn tàu đang thét vang, ùn ùn lao tới. Khoảng hơn 1 phút sau, đoàn tàu 13 toa đã mất hút, nhưng chị Phi vẫn phải đứng tại chỗ để giải phóng lớp bụi đã bám đầy trên mặt trước khi chạy ra nâng chắn lên để mở đường giao thông đang bị kẹt cứng gần 1km trên đường Hoàng Văn Thụ. Vào đến căn gác tồi tàn, đồ đạc chật chội (dụng cụ của những người bảo trì đường ray) thì bộ trang phục xanh nhạt đặc thù của ngành trên người chị đã nhuốm màu vàng cũ kỹ của bụi bặm. Chị tâm sự: “Hồi mới ra trường em cũng trắng trẻo lắm chứ, nhưng rồi anh thấy đó môi trường thế này thì sao mà đẹp cho được!”.
Cùng với cảnh sinh hoạt bụi bặm bẩn thỉu là những đêm canh gác chờ tàu thức trắng. Chị Đinh Thị Hoa (gác chắn gần trạm Ga Sài Gòn, 27 tuổi, người Hương Khê – Hà Tĩnh) nói vui: “Thấy người nào đôi mắt thâm quầng là biết chúng tôi đó”, rồi chị than thở “Mụn nổi đầy mặt, da đen sạm đi là chuyện phải chấp nhận, những ngày đầu vào nghề còn lo lắng nhưng riết rồi cũng quen. Chứ phải thay đổi nhịp sinh học thế này thì làm sao bình thường được, ngày ra trường tôi 49kg nhưng hơn một năm sau khi vào nghề chỉ còn 43kg thôi…”.
Hơn thế nữa, họ còn phải đối mặt với những lời quá khích từ những người nôn nóng qua đường, sự cô đơn thường trực trong những căn gác lạnh lùng, đặc biệt là đồng lương thì không vượt qua được lương công nhân ở các xí nghiệp tư nhân nên đời sống về vật chất lẫn tinh thần luôn ở mức thiếu thốn. Sự chịu đựng ấy càng trở nên cao độ khi đến các ngày lễ lớn hay ngày Tết, số lượng các chuyến tàu tăng lên, và họ phải tăng ca thay vì được về sum họp với gia đình.
Bám trụ với nghề
Chị Nguyễn Thị Duyên (người Nghệ An, nhân viên gác ghi gần Ga Sóng Thần) phân tích: “Những nhân viên đường sắt như chị em chúng tôi vẫn hiểu mình luôn chịu thiệt thòi. Nhưng với công việc này, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều tai nạn thương tâm của những người vội vàng, thiếu quan sát hoặc liều lĩnh tranh thủ vượt qua đường ray trong khi tàu đang lao tới… Nếu có sự ngăn cản kịp thời của chúng tôi thì sẽ hạn chế rất nhiều những tai nạn thảm khốc này. Đó cũng chính là động lực tinh thần để chị em chúng tôi động viên nhau “chiến đấu” với những đêm thức trắng, sự sa sút ngoại hình và nhiều bất cập khác… Nghĩ lại, sự chịu đựng của chúng tôi rất có ý nghĩa”.
Ngoài ra, theo nhận định của một số chị em khác thì nghề này tuy cực nhưng ổn định và bền bỉ theo thời gian, không sợ thất nghiệp.
Một chi tiết rất trùng hợp, theo quan sát của chúng tôi là trong hầu hết các căn gác của các nữ nhân viên này đều có sự xuất hiện của cuốn tiểu thuyết Nga mang tựa đề Thép đã tôi thế đấy. Về vấn đề này, chị Phi vui vẻ cho biết: “Paven caroocsaghin là nhân vật chúng tôi yêu thích nhất, và cũng là người bạn tinh thần quan trọng nhất của tôi”.
Bài, ảnh: Mã Phương
Theo yêu cầu công việc nên nữ nhân viên gác chắn phải thường xuyên di chuyển đến các chốt khác và hệ quả của sự chịu đựng này là “Nhiều chị em phải đối diện với sự chia lìa, tan vỡ trong tình yêu do bị chê bai rồi ruồng bỏ!” – chị Hoa cho biết thêm.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)