Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Nữ sinh cần tự tin thể hiện bản lĩnh

Tạp Chí Giáo Dục

Trình độ học vấn của nữ sinh các nước có nền giáo dục phát triển ngày càng được nâng cao (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Các nhà giáo dục trên thế giới có nhận xét: Sau 50 năm phấn đấu cho nữ quyền, ngày nay, ở hầu khắp các nước có nền giáo dục phát triển, số lượng nữ sinh tăng lên nhanh chóng, và chất lượng học tập của nữ sinh ở các trường THPT và ĐH không những đuổi kịp mà còn tỏ ra vượt trội so với nam sinh.
Nhưng có một điều khiến nhiều người phải đắn đo suy nghĩ: số phụ nữ chiếm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy quản lý xã hội, kinh tế, khoa học, và số người thành công trong những kỳ thi vào các trường ĐH lớn lại ít hơn so với nam giới. Tại sao? Phải chăng đó là do cách nhìn cũ kỹ, thành kiến “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu vào trong tiềm thức của những vị chịu trách nhiệm “cầm cân nảy mực” trong các kỳ thi tuyển hoặc những đợt tuyển dụng?
Ba nhà kinh tế của Trường Kinh tế Cao cấp ở Pháp đã bỏ công sức trong 3 năm (2005-2007) để nghiên cứu vấn đề này bằng cách theo dõi 5.000 thí sinh nam, nữ dự thi. Trong tổng số 50,84% nam sinh và 49,16 nữ sinh dự thi, nữ sinh có hồ sơ dự thi tốt hơn (học sinh tú tài loại giỏi, tốt nghiệp lớp dự bị loại giỏi, bằng khen về học tập…), nghĩa là có “vốn” thuận lợi hơn, có ưu thế hơn so với các nam sinh. Thế nhưng kết quả lại trái ngược, chưa đến 46% nữ sinh trúng tuyển. Có một điều kỳ lạ nữa là, cho dù vượt qua được kỳ thi tuyển, sức học của các nữ sinh lại chỉ tà tà ở mức trung bình khá. Và trong những kỳ thi vấn đáp, nữ sinh thường tỏ ra lúng túng hơn so với nam sinh. Ba nhà nghiên cứu đã gạt sang một bên những lý do như “trọng nam khinh nữ” hay gây khó dễ cho phái yếu, vì từ tổ chức đến nội dung, các kỳ thi đều rất công bằng, sòng phẳng. Hơn nữa, khi hỏi vấn đáp, giám khảo thường có tâm lý “nương tay” hơn cho nữ giới. Thế mà…
Cuộc nghiên cứu về hiện tượng “học tốt, thi thường” của các nữ sinh dưới nhiều góc độ cho biết nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do đặc điểm cố hữu của phái nữ: ngại đấu tranh, muốn an phận thủ thường, dễ tự bằng lòng với những gì mình đang có, và có phần nào tự ti. Thật vậy, nhiều công trình nghiên cứu trong các cuộc thi đua thể thao, văn hóa, khoa học… đã chứng minh điều đó. Trong các cuộc thi tài, phái nam thường quyết “ăn thua đủ” do sĩ diện, tự ái, nên phát huy hết khả năng của mình, có khi còn vượt khả năng; trong khi phái nữ chỉ cần “đạt trung bình” là thỏa mãn, không có ý chí mạnh mẽ để vươn lên.
Muốn khắc phục tình trạng “nữ sinh học tốt hơn nhưng thi tuyển lại kém hơn”, xã hội, nhà trường và gia đình phải tạo mọi điều kiện để họ khẳng định mạnh mẽ tài năng, khả năng của mình. Thường xuyên nêu những điển hình phụ nữ xuất chúng, tài năng trong khoa học (bà Marie Curie trong vật lý hạt nhân, bà Kovalepxkaia trong toán học…), trong hoạt động xã hội, văn học, nghệ thuật, thể thao để nữ sinh thấy rằng phái nữ hoàn toàn có đủ khả năng, tài năng, ý chí để đạt thành tích cao trong mọi lĩnh vực. Mặt khác, các nữ sinh cần thấy rằng, về khả năng, trí thông minh, phái nữ hoàn toàn không thua kém gì nam giới; hơn nữa về tinh thần chịu khó, ý thức nhẫn nại, tính cần cù, chu đáo, phụ nữ còn tỏ ra nổi trội hơn.
Hiện nay trên thế giới, số lượng nữ giới làm lãnh đạo quốc gia (tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, tổng giám đốc…), hoặc đứng đầu trong các tập đoàn kinh tế, khoa học, kỹ thuật ngày một gia tăng. Và phái nữ đã chứng tỏ tài năng, ý chí của mình không thua kém gì nam giới.n
(Theo Sciences humaines
Phan Thanh Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)