TS. Nguyễn Toàn, Hiệu trưởng Trường TDC, trao học bổng của Công ty Intel cho các nữ SV ngành công nghệ |
Những ngành nghề thuộc về cơ khí, công nghệ, hóa chất… thường là nghề nặng nhọc nên phần lớn mọi người nghĩ chỉ có con trai mới làm được. Ấy vậy mà rất nhiều nữ sinh hiện nay vẫn quyết tâm đeo đuổi các ngành nghề này đơn giản chỉ vì sự đam mê.
Cố gắng sẽ thành công
Đến Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (TDC), mọi người bắt gặp không ít nữ sinh viên (SV) đang chăm chú thực hành trên các máy móc. Để thực hiện được sở thích này, các em đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc thuyết phục bố mẹ.
Phan Thị Thanh Lệ (quê ở thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), SV ngành điện – điện tử (lớp CD12DT1), cho biết lúc nhập học rồi vẫn không nghĩ là bố mẹ lại lắng nghe sự thuyết phục của mình. Số là ban đầu Lệ tính thi vào ngành quản trị kinh doanh hay du lịch giống nhiều bạn cùng trang lứa nhưng em cảm thấy bất an vì tính cách của mình không hợp với những ngành này. Rồi cuối năm lớp 12, khi Lệ đang chuẩn bị làm hồ sơ thi ĐH thì nhà trường tổ chức một buổi tư vấn tuyển sinh có các giảng viên và chuyên viên tư vấn ở các trường ĐH và CĐ về giải đáp. Lệ nghe nói đến ngành điện, đến nhu cầu nhân lực của ngành này trong tương lai. Vốn thích mày mò sửa chữa mấy đồ điện trong nhà nên em hỏi thêm về việc liệu con gái học ngành này có thể đảm nhận công việc giống như con trai được không?… Lệ vui mừng khi được các thầy cô trong ban tư vấn giải thích cặn kẽ về ngành này và bản thân con gái sẽ được ưu tiên trong ngành điện – điện tử nên em không còn chần chừ mà đăng ký ngay vào ngành điện – điện tử của Trường TDC. Lệ chia sẻ: “Ban đầu em bị bố mẹ, bạn bè và cả thầy cô phản đối dữ dội lắm vì thay đổi ngành thi đột ngột, lại thi cái ngành chỉ dành riêng cho con trai. Tuy nhiên, may mắn là nhờ các thành viên trong ban tư vấn chỉ cách thuyết phục gia đình nên dần dần mọi người cũng tin tưởng vào quyết định của em”.
Giống như Lệ, Lê Thị Bốn (quê ở Bình Định), SV ngành kỹ thuật điện tử – truyền thông (lớp CD12DT2), cho biết em thích ngành điện – điện tử ngay từ khi là nữ sinh cấp 2. Em thường giúp bố mẹ sửa chữa những ổ cắm điện đơn giản trong gia đình, từ đó thấy thích thú nên muốn thi vào trường có đào tạo ngành này nhưng vẫn nơm nớp lo sợ sự phản đối của gia đình. Quả thật, khi làm hồ sơ xét tuyển vào ngành điện, mọi người trong gia đình đã lo em không thể đảm nhận nghề nghiệp này trong tương lai. Bốn tâm sự: “Khi đó, em chưa có bằng chứng nào cho bố mẹ hiểu về nhu cầu việc làm của ngành này. Em chỉ nói rằng, ngành gì cũng có cái khổ riêng, nếu bây giờ con chịu khổ một thời gian thì sau này con nghĩ rằng mình sẽ thành công với nghề yêu thích. Hơn nữa, ngày xưa bà Trưng, bà Triệu cũng cầm quân đánh giặc được, điều này chứng tỏ con gái không chỉ làm tốt việc con gái mà còn có thể làm được những việc dành cho con trai”.
Trường TDC không chỉ có Lệ và Bốn là nữ mà còn hàng chục nữ SV khác cùng học ngành được xem là chỉ dành riêng cho con trai. Những nữ SV này chọn ngành học không dựa theo xu hướng việc làm mà cái chính là các em đã xác định được sở thích, năng lực của mình ở mức độ nào để chọn đúng ngành, không còn chỗ cho sự hối tiếc về sau.
Tiếp sức cùng nữ SV
Nếu ở Việt Nam, nữ sinh còn e ngại với trường nghề thì ở các công ty nước ngoài, họ rất chuộng nhân viên nữ có tay nghề bởi nữ làm việc thường tỉ mỉ, cẩn thận hơn nam. Chính vì thế, nhiều năm nay Công ty Intel đã ký kết hợp tác với Trường TDC để nhận SV nữ vào thực tập và nhận 100% các bạn nữ này vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Không những thế, mỗi năm họ đều trao học bổng với giá trị từ 6 triệu – 7 triệu đồng/suất cho các em.
TS. Nguyễn Toàn, Hiệu trưởng Trường TDC, cho biết: “Nhà trường thường gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các em được thực hành thực tế, nâng cao tay nghề. Đồng thời, nhiều năm qua SV của trường, đặc biệt là nữ SV còn nhận được các suất học bổng của doanh nghiệp. Chẳng hạn như năm học trước Công ty Intel đã trao 20 suất học bổng tiếng Anh cho SV trường, năm nay công ty lại tiếp tục trao 7 suất học bổng cho nữ SV ngành công nghệ. Chúng tôi thấy rằng, họ đánh giá rất cao năng lực trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ điện tử, đồng thời đánh giá cao năng lực tiềm ẩn của nữ SV. Thông thường, ngoài năng lực không kém nam giới thì các em nữ còn có tố chất cẩn thận, tỉ mỉ trong từng chi tiết rất cần cho lĩnh vực công nghệ nên họ coi trọng các lao động nữ”.
Mới đây, 7 nữ SV ngành điện – điện tử của trường đã nhận được học bổng với trị giá 6,5 triệu đồng/suất. Em Cao Huỳnh Thị Diễm (lớp CD12DT2) phấn khởi nói: “Em thật sự bất ngờ khi nhận được suất học bổng này. Em biết rằng còn rất nhiều SV khác có trình độ cao hơn chúng em hay hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn nhưng những nhà lãnh đạo doanh nghiệp vẫn chọn chúng em bởi chúng em là nguồn nhân lực chủ lực sau này của họ”.
Những suất học bổng này là nguồn động viên tinh thần to lớn cho các nữ SV cố gắng hơn, đồng thời góp phần giúp đỡ các em giảm bớt gánh nặng trong chi phí học tập. “Bố mẹ ly dị, em ở với mẹ nhưng mẹ em ở nhà nội trợ, mọi chi phí trong gia đình đều đặt lên đôi vai của anh trai. Anh trai em đang làm phụ hồ nên cuộc sống gia đình cũng khó khăn. Nhận được suất học bổng này em rất vui vì sẽ đóng được học phí của học kỳ 2 và trang trải cho cuộc sống của mình ở thành phố thêm vài tháng”, em Phan Thị Thanh Lệ chia sẻ.
Bài, ảnh: Minh Châu
Bình luận (0)