Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Nữ sinh đạt điểm 10 môn sử: Mơ ước trở thành nhà báo giỏi

Tạp Chí Giáo Dục

Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhưng với tinh thần ham học, em Lê Thị Thanh Phương Thảo (học sinh Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, tỉnh Quảng Nam) đã hoàn thành xuất sắc bài thi sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 với điểm 10 tuyệt đối…

Phương Thảo chia vui kết quả thi với ba mẹ

Trong ngôi nhà nhỏ của vợ chồng bà Nguyễn Thị Lan, mẹ của Thảo ở cuối thôn Thanh Nhì (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam), những ngày này rộn rã hẳn lên. Bởi cái tin Thảo đạt điểm 10 môn sử, cánh cửa vào một ngôi trường ĐH uy tín đang rộng mở để đón cô nữ sinh nghèo đến giảng đường khiến cho các thành viên trong gia đình và bà con hàng xóm vui mừng sung sướng. Thảo sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh kinh tế rất eo hẹp. Bà Lan dù chân yếu tay mềm vẫn phải gánh vác gia đình với nghề… thợ đụng, chủ yếu là đi phụ hồ. Trò chuyện với chúng tôi, Thảo cho biết mọi lo toan trong gia đình gần như dồn hết lên vai mẹ, còn ba em vừa ở nhà chăm bà nội đã 90 tuổi, ốm đau thường xuyên, vừa làm công việc thủy nông với thu nhập ít ỏi.

Nhà nghèo nhưng vợ chồng bà Lan luôn tâm niệm phải lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Hiểu được lòng ba mẹ, Thảo luôn nỗ lực chăm ngoan học giỏi và phụ mẹ làm việc nhà những lúc có thể. Thảo bộc bạch: “Ngày thường ba mẹ em đi làm bằng xe đạp, có khi đạp xa cả mấy chục cây số nhưng khi em thi vào trường chuyên, ba mẹ liền vay mượn mua xe đạp điện cho em đi học. Em thương ba mẹ lắm, những lúc nhìn dáng mẹ đạp xe cọc cạch, em ước học thật giỏi, ra trường thật nhanh để đỡ đần ba mẹ”.

Học sử không cần mất nhiều thời gian, chỉ cần chia nhỏ kiến thức và tiếp thu dần dần từng kiến thức một để nhớ được lâu hơn.

Nói về việc học môn sử, Thảo cười hiền bật mí: “Thực ra ngay từ đầu khi lên THPT, em không mê môn sử lắm vì rất khó nhớ, các sự kiện, con số thì lại quá nhiều”. Người thổi niềm đam mê, thay đổi cách nhìn nhận môn sử ở cô nữ sinh này chính là thầy giáo dạy sử lớp em. “Khi em đang rất lúng túng với cách tiếp thu kiến thức môn sử thì thầy Tri dạy môn này đã bày cho em phương pháp học hiệu quả. Từ đó em mới hiểu ra học sử không cần mất nhiều thời gian, chỉ cần chia nhỏ kiến thức và tiếp thu dần dần từng kiến thức một để nhớ được lâu hơn”, Thảo cho biết. Nắm được phương pháp, Thảo bắt đầu yêu thích môn sử. Em cho biết học sử không nhất thiết phải dành nhiều thời gian để học thuộc lòng mà quan trọng là nắm vững kiến thức nền, căn bản một cách thật sâu. Bên cạnh đó cũng tìm hiểu thêm các thông tin về địa lý xã hội, để khi nói đến sự kiện lịch sử diễn ra ở địa phương nào đó thì có thể nắm ngay được địa điểm đó ở đâu. Như vậy tự khắc khi nhắc đến vùng đất đó thì các sự kiện lịch sử sẽ được gợi nhớ một cách rõ ràng nhất. Để nắm bắt được kiến thức rộng sâu hơn, theo lời khuyên của thầy Tri, Thảo đã tập theo dõi chương trình thời sự để cập nhật thông tin. Cùng với đó, thông qua các nguồn tư liệu trên mạng, em tìm hiểu sâu hơn về các sự kiện. “Phải mất một thời gian làm quen và thích ứng, sau đó việc học sử đã trở nên dễ dàng hơn với em rất nhiều”, Thảo chia sẻ.

Với tổng điểm 3 môn khối C là 26 (văn 8, sử 10, địa 8) chưa kể điểm ưu tiên vùng, Thảo cho biết em dự định nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành báo chí với ước mơ trở thành một nhà báo giỏi, để đỡ đần ba mẹ phần nào và góp thêm tiếng nói bảo vệ người nghèo khó, bảo vệ lẽ phải, xây dựng quê hương…

Nói về sự lựa chọn của con, bà Lan trải lòng: “Ngày xưa khó khăn, sự học của hai vợ chồng tôi đều dang dở. Nay đời sống ngày một phát triển, mình cực mấy cũng ráng cho con ăn học để đỡ vất vả. Con chọn học ngành nào ba mẹ cũng đồng ý, miễn đó là niềm đam mê và sở trường của con. Vợ chồng tui chỉ cân nhắc con nên suy nghĩ kỹ trước khi lựa chọn ngành mình theo đuổi trong tương lai vì nó sẽ gắn bó trong suốt chặng đường sống và làm việc của mình”.

Bài, ảnh: Vĩnh Yên

Bình luận (0)