Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nữ sinh “thả phanh tới bến” dịp hè

Tạp Chí Giáo Dục

Nghỉ hè khoảng thời gian duy nhất trong năm chơi “thả phanh tới bến” mà không vướng chuyện đến lớp… điểm danh. Thế nên không ít nữ sinh tranh thủ ngày hè để chơi cho đã. 

“Về quê ư? Vớ vẩn mất thời gian. Tham gia hoạt động hè? Nhiễu!”. Ngọc Oanh, cô sinh viên trường ĐH L (Hà Nội) nói về việc nghỉ hè nhưng vẫn “bám trụ” lại Hà Nội của mình. Quê một huyện miền núi tỉnh Hoà Bình, chỉ sau hai năm vào đại học, Oanh nổi đình nổi đám là dân chơi của lớp. Thời gian chơi với Oanh không bao giờ là đủ, nhưng trong năm học cô vẫn bị gò bò với việc phải đến lớp để điểm danh thế nên chẳng có gì lạ khi Oanh “đốt” quãng thời gian nghỉ hè cho thú vui đàn đúm của mình.

Không ít nữ sinh tranh thủ thời gian hè để chơi “thả phanh tới bến”.

“Đêm nào cũng tụ tập ăn uống, hát hò, rồi đi nhảy, tối về thì “táp” nhà nghỉ. Còn ngày thì ngủ dưỡng sức”, Oanh khoe về lịch sinh hoạt “ngủ ngày cày đêm” của mình. Hỏi Oanh tiền đâu để tham gia các cuộc chơi triền miên như thế thì cô cười: “Con gái đi chơi mà phải bỏ tiền thì vứt. Hôm anh bạn này, ngày mai anh khác, nói chung chỉ sợ mình không đủ sức để chơi thôi”.

Thế nhưng, Oanh còn bĩu môi “lo lắng” cho người khác: “Về quê lúc nào chả về được, học hành cũng thế, quanh năm học rồi. Chỉ lo thiếu thời gian để chơi thôi chứ tuổi trẻ được mấy hơi”.

Từ giữa tháng 6 đã nhiều sinh viên dãy trọ 3 tầng ở khu Láng Trung (Đống Đa) rậm rịch thông báo với chủ nhà việc “gửi” phòng 2 tháng hè để được giảm 200.000 đồng tiền phòng. Thế nhưng nhiều gần nửa số sinh viên ở đây vẫn giữ lại phòng. Người ở lại đi làm thêm, người học thêm, người đi tình nguyện nhưng cũng có những người chỉ ở lại để chơi.

Trang, sinh viên năm cuối trường ĐH KHXH&NV Hà Nội cho hay: “Có hai em phòng cuối học trường ĐH Đ, vài hôm lại kéo bạn về phòng đập phá, tối nào cũng mất tăm mất tích, có hôm về nhà trong bộ dạng say khướt. Thế mà gia đình gọi điện lên vẫn nói đi học thêm Ngoại ngữ ngọt xớt. Nhìn hai em như thế, chẳng ai nghĩ là con nhà “bình dân”, bố mẹ làm ruộng”.  

Hãy tận quãng thời gian nghỉ hè vào những việc có ích. (Ảnh: Sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi: H.N).

Trang nói thêm về Kh, cô nữ sinh trường ĐH T.M vừa về quê 3 ngày đã lập tức quay trở lại Thủ đô trong khi được nghỉ hè gần hai tháng vì ở nhà “buồn phát ớn”: “Bạn này chẳng phải đàn đúm bạn bè gì đâu nhưng cặp kè với ông giám đốc nào đó, suốt này ông ấy đón đưa. Tuần vừa rồi hình như đi nghỉ ở Hạ Long với ông ta, trên ấy bão, hôm qua mới về đấy thôi. Giờ ông ấy đi công tác, đang nằm bẹp ở phòng”.

Nghỉ hè nhưng căn phòng trọ của Thương ở sau chợ Phùng Khoang (Từ Liêm) không vắng đi mà lại xuất hiện thêm người. Thương học ở Hà Nội nhưng bạn trai lại học tận Phú Thọ, quanh năm rất ít dịp gặp nhau nên hè là cơ hội để được ở bên nhau. Thương gọi điện thông báo với gia đình “con phải ở lại đi tình nguyện” còn chàng người yêu lấy lý do “con đi học thêm”.

Như một đôi vợ chồng trẻ, hai người quấn lấy nhau: “Yêu nhau ở xa chúng em thiệt thòi đủ bề nên phải biết tranh thủ mà ở bên nhau”, Thương hồn nhiên bộc bạch.

“Em này vừa có người yêu, về quê chưa được tuần đã lò dò lên rồi. Đêm nào cũng tầm 11 giờ là em ấy mở cửa đi khỏi khu trọ, hình như anh người yêu làm bên điện lực phải trực đêm, đến tận trưa hôm sau mới thấy em ấy về phòng”, Ngân, cô nữ sinh vừa tốt nghiệp trường ĐH Thương mại nói về cô sinh viên trường Sư phạm ở cạnh phòng mình.

“Có lẽ khi ra trường, không còn khái niệm nghỉ hè nữa nhìn lại họ mới thấy tiếc mình đã không biết sử dụng quãng nghỉ hè có ích hơn. Như em đây, giờ phải đi kiếm việc, muốn về nhà với bố mẹ cũng chịu”. Ngân chia sẻ.

 H.N (dantri)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)