Bản thân tuy gặp rất nhiều khó khăn trong việc nghe và nói, thế nhưng Lê Minh Tú (sinh viên năm thứ nhất Trường ĐH Văn Hiến) vẫn năng nổ nhiệt thành với những hoạt động xã hội vì người câm điếc. Với Tú, khi những người đồng cảnh ngộ được tự tin hòa nhập với cuộc sống thì đó cũng là nguồn động lực để em tiếp tục cuộc hành trình này…
Ở nhà, Minh Tú dành rất nhiều thời gian để thực hiện những video dạy ngôn ngữ ký hiệu cho người câm điếc. Ảnh: T.Thương |
Trò chuyện bằng… chữ
Cuối tháng 10, tuy đã kín lịch học ở trường nhưng câu lạc bộ (CLB) người điếc TP.HCM do Tú làm chủ nhiệm điều hành vẫn tổ chức sinh hoạt đều đặn. Tôi hỏi Tú “đã sắp xếp thời gian như thế nào để kham được mọi việc?”, Tú liên tục lắc đầu, giọng ú ớ. Ông Lê Phước Tuyền (50 tuổi, cha của Tú) nhanh như cắt vừa hí hoáy viết câu hỏi vào tờ giấy trắng, vừa cẩn thận phát âm lại từng từ để con đọc khẩu hình miệng của mình. Chỉ mất chừng vài giây, người cha đã kết thúc công việc phiên dịch, rồi nở nụ cười hiền, bên cạnh là những tập giấy cũ đã chi chít chữ, y như rằng đó là công việc rất đỗi quen thuộc của ông mỗi dịp nhà có khách.
Để tránh làm mất thời gian của cha, Tú cầm bút và giấy, chủ động đề nghị giao tiếp bằng chữ viết. Bằng những nét chữ tròn trịa, Tú “bật mí” CLB người điếc TP.HCM do em và nhóm bạn cùng cảnh ngộ thành lập vào ngày 15-1-2008, khi đó em vẫn còn là học sinh ở Trường chuyên biệt khiếm thính Hy Vọng Bình Thạnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). “Người điếc vốn đã mất đi khả năng giao tiếp, đối với những bạn được can thiệp bằng phẫu thuật hoặc sử dụng máy trợ thính thì việc nghe và nói vẫn bị hạn chế rất nhiều. Không chỉ bị hạn chế nghe và nói, thực tế nhiều người câm điếc cũng mù chữ vì không được đi học. Đó là một sự thiệt thòi vô cùng lớn. Với sự động viên và giúp đỡ của cô giáo, chúng em thành lập CLB với mục đích tạo ra môi trường giúp các bạn câm điếc có cơ hội được học và thực hành ngôn ngữ ký hiệu; đồng thời là sân chơi có ý nghĩa gắn kết, giúp các bạn tự tin được là chính mình khi hòa nhập cuộc sống”, Tú cho biết.
Tú cho biết thêm, những ngày đầu thành lập, CLB chỉ có số ít thành viên tham gia, sau một thời gian số thành viên tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, số lượng đó chỉ dừng lại ở phạm vi trong trường, bởi thực tế vẫn còn nhiều người câm điếc không được đi học, không có cơ hội tiếp cận. Đau đáu suy nghĩ làm thế nào để những người câm điếc khác cũng có cơ hội được giao lưu, em và các bạn nghĩ ra phương án tự mình thực hiện những video dạy ngôn ngữ ký hiệu rồi đăng tải lên mạng xã hội, kết quả đạt được sự tương tác rất khả quan.
Thích “làm việc bao đồng”
Tú kể, trước đó CLB người điếc TP.HCM do thành viên khác làm chủ nhiệm điều hành. Từ đầu năm 2017, Tú được bầu chọn giữ trọng trách này. Kể về thời gian hoạt động duy trì CLB, Tú cười tươi hí hoáy cây bút: “Từ ngày nhập học ngành tâm lý học thuộc chuyên ngành quản trị nhân sự, lịch học của em hầu như kín cả tuần, nên số lần sinh hoạt CLB cũng linh động hơn trước. Rảnh lúc nào thì họp lúc đó, có khi họp lúc nửa đêm; còn địa điểm cũng không cụ thể, lúc nhà thành viên này, mai lại nhà thành viên khác…, phụ thuộc vào lịch học và công việc của mỗi bạn trong CLB”. Cho đến nay, CLB người điếc TP.HCM của Tú và các bạn đã có đến hơn 200 thành viên. Tú kể tiếp: “Nhiều khi từ trường về nhà đã thấm mệt, thế nhưng cũng gắng thức khuya thêm chút nữa để quay video dạy ngôn ngữ cho các bạn, hoặc vào ngày lễ chỉ để bạn bè được thấy mặt nhau thì đã là niềm vui”.
Minh Tú nhận bằng khen trong buổi lễ tuyên dương học sinh đạt thành tích giỏi. Ảnh: NVCC |
Ngồi cạnh bên con, ông Tuyền hồi ức, hai vợ chồng quê ở Quảng Ngãi, bén duyên năm 1992. Đến năm 1993 thì Tú chào đời. Khi con gái được hơn 1 tuổi thì gia đình phát hiện chậm phản ứng nghe nói. Đưa đến bệnh viện địa phương thăm khám cũng cho kết quả tương tự. “Hồi đó, ở quê cơ sở y tế chưa đầy đủ, thương con nên hai vợ chồng liền bàn bạc chuyển con vào Trung tâm Tai – Mũi – Họng ở TP.HCM chữa bệnh. Đi ra đi vào riết nên hai vợ chồng quyết định “thả neo” định cư tại Q.Bình Thạnh. Tôi làm thợ sửa chữa kỹ thuật cơ khí, còn vợ làm thợ may, thu nhập ba cọc ba đồng may mắn đủ co kéo nuôi được 2 con”, ông Tuyền nói.
Ông Tuyền cho biết thêm, nhiều năm ròng, bệnh tình của Tú không có chuyển biến, không có tiền đưa con ra nước ngoài phẫu thuật, càng không nỡ để con thất học, vợ chồng ông đành gửi con vào học ở trường chuyên biệt. Cấp 1, cấp 2, Tú đều là học sinh giỏi, lên cấp 3 học ở Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và Tạo việc làm cho người khuyết tật TP.HCM, thành tích cũng vững. Vừa rồi thi THPT quốc gia, điểm khá cao, nhưng Tú bị nhiều trường từ chối nhập học vì khuyết tật, may mắn được nhà trường tạo điều kiện cho tiếp tục thực hiện ước mơ… “Thời gian này nó “chạy” liên tục. Thi THPT chưa xong hết môn thì theo cả nhóm bay ra Hà Nội dự hội thảo vì người khuyết tật, vội vàng bay vào thi tiếp rồi lại “mất tích” vì tiếp tục theo đoàn bay lên tận Gia Lai; đi học về thì nó “dính” vào máy vi tính hoặc sinh hoạt nhóm cùng bạn bè… CLB do chúng tự thành lập nên đâu có ai trả lương, thậm chí tự bỏ tiền túi ra làm”, ông Tuyền cho hay.
Ánh mắt người cha bỗng rưng rưng xúc động: “Nó lo việc bao đồng nhiều khi tui thấy cực, thương, nhưng thấy con vui thì lòng dạ cha mẹ cũng được an ủi”.
Thương Thương
Bình luận (0)