Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Nữ sinh Vân Kiều mê… tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù đang học ở một trường tiểu học miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng em Hồ Thị Thanh Huyền (lớp 4A Trường Tiểu học Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã nỗ lực đạt thành tích học tập xuất sắc. Đáng chú ý, Thanh Huyền còn là một học sinh có năng khiếu tiếng Anh nổi trội…

Em Hồ Thị Thanh Huyền được tuyên dương trong Ngày hội giao lưu tiếng Anh tại trường

Thanh Huyền là con thứ hai trong gia đình có ba anh em. Bố mẹ em là người dân tộc Vân Kiều.

Ở trường, Thanh Huyền trở thành hiện tượng khá đặc biệt bởi thành tích học tập tốt và tinh thần chủ động trong học tập lẫn các hoạt động ở trường. Thanh Huyền cho biết: “Ở nhà, em luôn tìm hiểu trước bài học để đến lớp làm vai trò nhóm trưởng được tốt hơn. Đối với em, học môn nào, vào thời gian nào không quan trọng mà việc đầu tiên khi ngồi vào bàn học là em phải học và làm hết những bài tập trong ngày. Tiếp đến, em thường giải trí bằng những bài vẽ, những bài luyện viết văn. Đối với những bài tập khó, trước hết em kiên trì tìm mọi cách để làm. Sau cùng nếu làm không được em mới tham khảo ý kiến của anh chị, bạn bè và thầy cô”.

Do điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ môn ngoại ngữ còn thiếu thốn, chỉ với lượng tiết học tiếng Anh trên lớp nhưng Thanh Huyền có thể hoàn thành một cách nhanh gọn các bài tập tiếng Anh lớp 7, lớp 8.

Không chỉ là học sinh giỏi toàn diện các môn học, Thanh Huyền còn nổi trội ở khả năng tiếp cận tiếng Anh. Dù không có điều kiện như bạn bè cùng trang lứa ở miền xuôi, Thanh Huyền chỉ tham gia học tiếng Anh cùng với các bạn trên lớp khi bước vào lớp 3. Nhưng không vì thế mà việc học của em bị cản trở, do em rất chịu khó, kiên trì trong việc học, luyện từ mới. Ngoài giờ học, em còn tranh thủ thời gian tự học thêm từ mới trong sách mượn của thư viện trường. “Từ vựng nào khó nhớ thì em học nhiều lần. Giờ ra chơi em cũng học nhẩm để nhớ lâu. Từ các sự vật, hiện tượng gần gũi ở trường, ở nhà em đều tập nói… bằng tiếng Anh. Gần tháng nay trường có phòng máy tính nối mạng, vì vậy thời gian rảnh em xin phép thầy cô vào phòng truy cập trang viettelstudy để tập học tiếng Anh. Nhờ đó em nhanh nhớ từ vựng cũng như các kiểu mẫu câu”.

Tại buổi giao lưu tiếng Anh toàn trường mới đây, Thanh Huyền thực hiện lưu loát các phần giới thiệu về bản thân, nhà trường và gia đình. Em cũng không ngần ngại nói về ước mơ trở thành một giáo viên giỏi tiếng Anh để trở về truyền kiến thức cho các bạn ở vùng cao đặc biệt khó khăn. Thanh Huyền chia sẻ: “Đối với học sinh miền núi, việc học còn lắm thiệt thòi, quãng đường từ nhà đến trường có khi xa cả chục cây số, băng rừng, lội suối nên riêng việc hoàn thành yêu cầu các môn học như toán, tiếng Việt… đã là quá khó khăn. Việc tiếp cận máy tính có nối mạng để học được nhiều môn như các bạn miền xuôi lại càng khó thực hiện. Em ước mơ được làm cầu nối để các bạn ở vùng cao bớt thiệt thòi”.

Cô Mai Thị Phượng (giáo viên chủ nhiệm lớp 4A) cho biết: “Thanh Huyền là một học sinh chăm ngoan, lễ phép. Em luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ học tập. Không chỉ vậy, em tham gia tích cực các hoạt động của lớp, của trường. Hiện em là một thành viên không thể thiếu trong đội trống của trường. Với niềm đam mê học tập và sự tự tin, em là tấm gương sáng cho các bạn noi theo, là niềm tự hào của thầy cô, đặc biệt là các em học sinh người Vân Kiều, Pa Cô trên đỉnh Trường Sơn”.

Thầy Nguyễn Mai Trọng (Hiệu trưởng nhà trường – người gắn bó suốt 22 năm với học sinh vùng cao) cho hay: “Mặc dù mới học lớp 4 nhưng Thanh Huyền tỏ ra rất có năng khiếu tiếng Anh. Do điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ môn ngoại ngữ còn thiếu thốn, chỉ với lượng tiết học tiếng Anh trên lớp nhưng Thanh Huyền có thể hoàn thành một cách nhanh gọn các bài tập tiếng Anh lớp 7, lớp 8. Bên cạnh đó, em còn có thể đọc và viết được chữ Bru Vân Kiều mặc dù em chỉ học qua bố mẹ chứ ở trường chưa có lớp thí điểm tiếng Bru Vân Kiều. Ở một nơi mà để có trẻ tới trường, giáo viên luôn phải vận động, kêu gọi thì việc có một học trò xuất sắc như Thanh Huyền được xem là một hiện tượng đặc biệt”.

Thầy Trọng cho biết thêm, hy vọng với sự nỗ lực của nhà trường trang bị phòng máy tính kết nối internet, ngày càng sẽ có nhiều học sinh như Thanh Huyền để công cuộc đưa con chữ đến vùng cao được rút ngắn, đạt hiệu quả và hạn chế tối đa được tình trạng nghỉ, bỏ học giữa chừng.

Bài, ảnh:  Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)