Được cả 6 đại học ở Mỹ cấp học bổng toàn phần, cựu nữ sinh THPT chuyên Hà Nội Amsterdam đã phát khóc khi phải lựa chọn ĐH Harvard hay Stanford. Cuối cùng, cô từ bỏ Harvard để đến với ước mơ ở Stanford.
Trước khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Hoàng Quyên gửi hồ sơ đến 6 trường đại học danh giá của Mỹ, gồm: Harvard, Stanford, Yale, Brown, Columbia và Chicago. Trong đó Harvard, Stanford là 2 trường mà Quyên "không hy vọng". Thế nên hôm nhận điện thoại của trường Harvard gọi tới chúc mừng, Quyên lặng người vì… sốc.
Stanford, ngôi trường ước mơ từ năm lớp 10 của Quyên cũng khiến cô bất ngờ không kém vì không có bất kỳ tin tức gì từ sau khi nộp hồ sơ. Nhưng rồi cuối cùng niềm vui cũng đến khi bất ngờ cả 6 trường đều đồng ý cấp học bổng 100%.
Hoàng Quyên (giữa) chụp cùng bạn tại THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Trước khi quyết định cấp học bổng, các trường cử người đại diện ở Hà Nội tới phỏng vấn Quyên trực tiếp. Cô chia sẻ, buổi phỏng vấn diễn ra tại quán cà phê, trong không khí thoải mái đúng kiểu "chuyện trò".
"Trường Yale hơi căng, các trường còn lại em đều thấy thoải mái. Em ưng ý nhất buổi phỏng vấn với ĐH Harvard mặc dù lúc đầu hơi run. Họ hỏi những câu đơn giản và đời thường mục đích là để xác nhận xem con người thực của ứng viên có đúng như những gì đánh bóng trong hồ sơ không", Quyên kể.
Lần lượt nhận được giấy báo của các trường, Hoàng Quyên rơi vào trạng thái stress vì phải lựa chọn. Nhớ lại thời điểm đó, cô nàng có phong thái tự tin và cách nói chuyện nhẹ nhàng tâm sự: "Có lúc em phát khóc vì không biết chọn trường trường nào. Harvard là ước mơ của bao người và bố mẹ em cũng thích. Nhưng sau khi tham khảo, em quyết định đi theo mong ước của mình".
Hoàng Quyên chia sẻ, một trong số những người bạn từng học ở cả hai trường Harvard và Stanford đã giúp cô so sánh và đánh giá trước khi ra quyết định. Theo Quyên, Harvard và Stanford ngang nhau về chất lượng cũng như tiếng tăm. Nếu Harvard thiên về học thuật và nghiên cứu thì Stanford tạo môi trường thoải mái với nhiều hoạt động sôi nổi cho sinh viên. Nhận thấy đặc điểm ấy phù hợp với tính cách của bản thân, cộng với tình yêu Stanford, Quyên mạnh dạn từ chối Harvard.
Quyên chia sẻ, để sẵn sàng cho hồ sơ du học cần có quá trình tích lũy và chuẩn bị. Ước mơ du học được nữ sinh này ấp ủ từ năm lớp 10, khi tham gia Mạng lưới lãnh đạo trẻ Đông Nam Á SEALNET trụ sở ở Việt Nam (do ĐH Stanford sáng lập) với vai trò tình nguyện viên.
Là thành viên của SEALNET, Quyên có cơ hội làm quen với nhiều du học sinh Việt Nam đang học tại các trường nổi tiếng. Những câu chuyện về môi trường học tập, hoạt động ngoại khóa và sinh viên Stanford từ các anh, chị khiến Quyên mê mẩn rồi yêu ngôi trường ấy từ đó. Sau thời gian dài cùng thực hiện các dự án với SEALNET, hiện tại, cô đã là co-leader của Dự án Việt Nam 2012 ở TP HCM.
Năm ngoái, Quyên sang Singapore thực hiện dự án về người lao động nhập cư. Tại đây, cô tiếp xúc với những hoàn cảnh lao động bị bạo hành hoặc lạm dụng. Những chuyến đi cùng SEALNET giúp Quyên trải nghiệm và trưởng thành.
Năm lớp 11, khi đang là học sinh chuyên Anh của Hà Nội – Amsterdam, Quyên nhận được học bổng du học một năm tại trường Latin School of Chicago ở Mỹ. Quyên sống cùng gia đình người bản địa và thân với một cô bạn người Italy. Ngoài những môn văn hóa, Quyên còn được học nhiếp ảnh, lịch sử nghệ thuật. Cựu học sinh trường Ams cho hay, cô phải đọc rất nhiều và tự tìm hiểu các chủ đề lịch sử. Nhờ đó, điểm tổng kết của Quyên đạt 4.2 trong khi thang điểm cao nhất là 4.0.
Kết thúc một năm ở Latin School of Chicago, Quyên trở về học lớp 12 tại trường Amsterdam. Cô nàng tiết lộ, bạn bè, thầy cô ở Mỹ giúp đỡ rất nhiều để Quyên hoàn thành hồ sơ xin học bổng.
Có nền tảng tiếng Anh từ hồi còn học trường thực nghiệp, lên cấp 3 Quyên đỗ cả Hà Nội – Amsterdam và thủ khoa đầu vào chuyên Anh của trường Chuyên ngữ. Theo Quyên, ngoài tiếng Anh, các ứng viên cần chuẩn bị bài luận tốt và tích lũy các hoạt động xã hội. Với sinh viên Stanford tương lai, thế mạnh của cô cũng chính là những đặc điểm này.
"Hội đồng xét duyệt hồ sơ rất tinh nên chỉ cần nói quá những gì mình không làm hoặc chưa làm đều bị phát hiện. Họ đánh giá cao những ứng viên trưởng thành từ hoạt động xã hội. Có lẽ trong hồ sơ, hội đồng thấy mình phấn đấu từ thành viên lên leader ở SEALNET nên ấn tượng", Quyên chia sẻ.
Bố Quyên làm việc cho một tổ chức văn hóa của Nhật Bản nên từ nhỏ, cô đã được bố uốn nắn và khuyên đọc nhiều sách. Nhờ đó Quyên có phông kiến thức nền và không bị sốc khi sống ở một môi trường văn hóa khác. Quyên tự nhận không biết làm việc nhà bởi đã có mẹ làm giúp. Ở nhà, cô chỉ việc học và tham gia các hoạt động tình nguyện.
Cởi mở và dễ gần nhưng Quyên hiếm khi tâm sự cùng bố hoặc mẹ. Khi có chuyện buồn, cô thích viết blog, đọc sách hoặc đi chụp ảnh cùng bạn bè. Trước khi sang Mỹ nhập học vào tháng 9 này, Quyên đang tận dụng thời gian bên gia đình, bạn bè và hối hả chuẩn bị cho dự án trong TP HCM.
Hiện, Quyên vẫn chưa quyết định chuyên ngành của mình tại ĐH Stanford nhưng cô nàng muốn sau này làm công việc được đi đây đó và gặp gỡ nhiều người.
Bình Minh (VNE)
Bình luận (0)