Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nữ sinh Việt xinh đẹp thạo 6 thứ tiếng

Tạp Chí Giáo Dục

Lê Phương Linh, sinh năm 1993 tại Việt Nam, rồi đến năm 6 tuổi theo gia đình sang Nga sinh sống và học tập. Cô sinh viên nhỏ nhắn này khiến nhiều người bất ngờ với bảng thành tích học tập đáng ngưỡng mộ.

Hiện tại, Linh đang là sinh viên năm 3, ngành Quan hệ quốc tế của trường Đại học tổng hợp ngôn ngữ Nizhny Novgorod. Linh có thể sử dụng thành thạo 6 thứ tiếng khác nhau như tiếng Nga, Anh, Việt, Tây Ban Nha, Đức và Trung Quốc.

Không có gì là không thể
Từ nhỏ, bố mẹ luôn tôn trọng ý kiến và để Linh tự lập, chủ động quyết định mọi việc. Khi vào tiểu học, cô đã học song song 3 thứ tiếng: Việt, Nga và Anh.
Linh chia sẻ rằng đầu lớp một, do là người nước ngoài, vả lại từ trước đó không có khái niệm gì về tiếng Nga nên có thể nói cô là người học đuối nhất lớp.
Nhưng đến hè, cô dành nhiều thời gian đọc sách, truyện của Nga. Vào năm học mới, thầy cô và bạn bè đã rất ngạc nhiên vì sự bứt phá này. Từ đó, tiếng Nga của Linh ngày một khá lên và đến năm lớp 5, Linh chọn tiếng Đức làm ngôn ngữ thứ tư của mình. Cũng vào thời điểm này, Linh tập trung đầu tư thời gian để nâng cao khả năng tiếng Anh của mình.
Năm 2009, khi còn đang học ở trường phổ thông, Linh giành được giải 3 cấp thành phố môn tiếng Anh. Đồng thời, cũng là người đầu tiên trong lịch sử của trường kết thúc chương trình tiếng Anh 12 năm trong vòng 11 năm.
Sau đó, năm 2011, Linh tiếp tục đoạt giải nhất môn tiếng Anh ở trường Đại học hiện đang theo học và được mời đi phiên dịch cho một tổ chức từ thiện của Mỹ tại Nga.
Khi bắt đầu vào đại học, Linh học thêm tiếng Tây Ban Nha và tiếng Trung. Với cô, mỗi ngôn ngữ đều có vẻ đẹp và độ khó riêng, nhưng tiếng Trung là ngôn ngữ khó nhất, mất nhiều thời gian và đòi hỏi sự kiên trì, bởi lẽ bộ chữ cái tượng hình khác hẳn so với chữ Latin.
Bí quyết học ngoại ngữ của Linh rất đơn giản: hàng ngày, Linh thường đọc sách, truyện hay xem phim bằng ngôn ngữ mình đang học. Nếu bắt gặp từ nào mới thì lập tức ghi vào sổ tay.
Nữ sinh Lê Phương Linh.

 

“Học ngoại ngữ quan trọng nhất là niềm đam mê và nghị lực của mình. Hơn nữa, cũng cần phân bổ thời gian hợp lý để đạt được kết quả tốt nhất có thể”, – Linh chia sẻ.

Linh thường để ý cách nói, cách chọn lựa từ của người bản địa để mình vận dụng, tự nói theo và tự sửa nếu chưa thấy đúng. Theo Linh, học ngoại ngữ cần phải nắm chắc các cấu trúc ngữ pháp, rồi sau đó là từ vựng.
Linh cũng chia sẻ thêm rằng: “Do trên mạng có rất nhiều nguồn tài liệu tham khảo dẫn tới việc mất nhiều thời gian để tìm kiếm mà hiệu quả đạt không cao. Vì vậy, em thường download một bộ giáo trình rồi sau đó học theo chương trình đó từ đầu đến cuối”. Ngoài thời gian học trên trường và đi làm thêm, mỗi ngày, Linh giành tiếng rưỡi để ôn lại những ngôn ngữ mình đã học.
Dù nắm vững 6 thứ tiếng khác nhau, nhưng Linh không bao giờ bị loạn ngôn, bởi theo Linh nếu đã thông thạo những tiếng đó rồi thì không bao giờ bị nhầm. Chẳng hạn, khi nói tiếng Anh thì trong đầu lúc đó chỉ nghĩ đến tiếng Anh, còn lại 5 tiếng kia “cất chúng sang ngăn khác và khóa lại”.
Đi một ngày đàng, học một sàng khôn
Đặc biệt, năm 2012, trong hơn 4 tháng, Linh đã có chuyến đi thực tập “để đời” ở Mỹ, một đất nước đa văn hóa, đa sắc tộc, đồng thời cũng là nơi có rất nhiều cơ hội. Tại đây, không những tiếng Anh của Linh được phát triển mà cô còn làm quen được với nhiều người bạn thú vị đến từ các nước khác nhau trên thế giới.
“Sau chuyến đi thực tập, em thực sự học hỏi được rất nhiều điều bổ ích, quý báu từ kiến thức văn hóa đến kinh nghiệm cuộc sống. Chuyến đi tuy ngắn ngủi nhưng đã giúp em trưởng thành hơn rất nhiều”.
“Ở đất nước nào dù phát triển đến đâu cũng luôn tồn tại những cái xấu và cái tốt. Chúng ta nên chắt lọc và tiếp thu điểm tốt, ví dụ em thấy như người Việt Nam rất hay cười, người Nga luôn cởi mở, thẳng thắn khi nói chuyện, còn người Mỹ luôn nói nhanh và có cách nói chuyện dí dỏm, thông minh mà không kém phần cuốn hút và ý nghĩa”- Linh tươi cười nói.
Linh cũng cho biết thêm, cô rất tâm đắc với câu châm ngôn của Albert Einstein: “Imagination is more important than knowledge. For knowledge is limited to all we now know and understand, while imagination embraces the entire world, and all there ever will be to know and understand.” (Tạm dịch: Trí tưởng tượng quan trọng hơn tri thức. Vì tri thức chỉ có giới hạn, trong khi trí tưởng tượng bao trùm cả thế giới.)
Theo VTC News

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)