Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Nữ thủ khoa “hai trong một”

Tạp Chí Giáo Dục

Học siêu, vẽ đẹp, giỏi bơi lội và nấu ăn cực “đỉnh”… đó là những nét nổi trội về cô thủ khoa khối D trường ĐH Ngoại thương Trần Đỗ Minh Thu.
Thủ khoa lo trượt
Thủ khoa khối D trường ĐH Ngoại thương với tổng điểm 28, trong đó môn văn đạt 9,5 điểm. Thế nhưng sau ngày thi, cô học trò trường  Amsterdam (Hà Nội) đã có những ngày mất ăn mất ngủ vì lo thi trượt đại học.
Toán với Ngoại ngữ thì Thu tính được điểm của mình, nhưng môn Văn làm cô thấp thỏm nhất. Tin là mình đỗ nhưng có lúc Thu lại nghĩ “Biết đâu được…”, và mong muốn lớn nhất lúc đó là của Thu chỉ là “đỗ đại học”. Thời gian nhiều trường công bố điểm Thu đã trực hai ngày liền tù tì ở trên mạng chờ xem điểm. 
Thủ khoa Trần Đỗ Minh Thu.
“Khó diễn đạt lại cảm giác lúc biết mình đỗ thủ khoa lắm. Em quá bất ngờ, chỉ sau khi bạn bè trong lớp gọi điện đến chúc mừng em mới tin. Ngoại ngữ em chưa làm hết khả năng còn môn Văn thì em không chấm điểm nổi”, Thu chia sẻ.
Trong niềm vui của mình, Thu chia vui với bạn bè trong lớp chuyên Pháp của mình: “Bạn bè cùng lớp rất nhiều người đạt điểm Toán và Ngoại ngữ cao hơn em, chỉ nhờ điểm Văn em mới đạt thủ khoa. 29 bạn trong lớp đều đã đỗ, chỉ có một bạn đang “chập chờn” chờ điểm chuẩn. Em mong là bạn sẽ đỗ…”.
Với môn Văn, theo Thu quan trọng nhất là phải có hứng thú học. Và cô bạn tạo cảm hứng cho mình bằng cách trình rất lạ: trình bày vở ghi thật đẹp: “Em luôn cố trình bày vở ghi sao cho thật đẹp. Lúc cẩn thận ghi bài mình sẽ tiếp thu được kiến thức, nhìn cuốn vở đẹp trong tay tự nhiên muốn học. Ngoài ra em rất thích đọc sách”.
Thu thích đọc sách nhất là sách văn học và thích tất cả các thể thoại từ văn học kinh điển đến truyện tranh, trinh thám, kiếm hiệp… Mới đây, thưởng cho danh hiệu thủ khoa của con gái, mẹ Thu tặng cô một khoản tiền để mua sách. Chỉ trong một ngày, Thu đã tha về nhà gần 100 cuốn sách, vượt gần gấp đôi số tiền được phép.
Mơ ước trở thành “nghệ sĩ” trong kinh doanh
Thu có rất nhiều tài lẻ, không chỉ vẽ đẹp, bơi giỏi mà còn nấu ăn rất ngon. Việc nấu ăn trong nhà do Thu đảm nhiệm và lâu lâu cô còn làm bữa “đãi” bạn bè. Thu không ngần ngại cho rằng mình là người “ăn tạp” trong mọi việc. Thu nói: “Bây giờ ai hỏi em thích nấu ăn món gì, hay đọc sách gì, thích vẽ gì hay thích cái nào hơn cái nào… em không trả lời được. Vì thật sự là em thích tất cả”.
Và điều cực kỳ ấn tượng ở Thu là khi trò chuyện với cô, người đối diện sẽ cảm nhận ở cô gái này một điều gì đó đậm chất nghệ sĩ. Thu có thể nói say mê về tranh, hiểu từng tiểu tiết, góc cạnh của các loại tranh. Với người khác, vỏ trứng, vỏ ốc hến chỉ đáng vứt đi nhưng Thu biết nó có thể làm nên tranh sơn mài. Sở thích vẽ vời của Thu được thừa hưởng từ bố và với cô vẽ tranh giúp mình thanh thản. Mỗi lúc căng thẳng, Thu lôi giấy bút ra vẽ thì bao nhiêu ức chế, mệt mỏi biến đi đâu mất.
Cái chất “nghệ sĩ” trong con người cô gái này rất khó diễn đạt. Lời xác nhận của Thu về bản thân cũng ít nhiều cho thấy điều này: “Hình như em hơi hơi “điên điên” trong người. Nhiều người tiếp xúc với em cũng nói em giống nghệ sĩ hơn là doanh nhân tương lai”.
Thu học ngành Kinh tế Đối ngoại, mong ước lớn nhất của cô là trở thành một doanh nhân. Và không để “lãng phí” tố chất nghệ sĩ trong người của mình, Thu xác định làm kinh tế nhưng sẽ dây dưa đến nghệ thuật: “Có thể tương lai em sẽ kinh doanh về nội thất, thời trang hoặc về tranh ảnh… Xem như là “hai trong một” vậy”.
Rồi không nói về thì tương lai nữa, Thu quay lại với danh hiệu thủ khoa của mình: “Đỗ thủ khoa "thiệt thòi" lắm. Cô chú, anh chị đều hứa em đỗ đại học sẽ có quà nhưng giờ em đi đòi quà, mọi người đều cười đòi lai: “Thủ khoa rồi còn đòi gì nữa, phải khao mọi người đi chứ”. Cô bạn vừa cười dí dỏm vừa nói như vậy.
Nhưng Thu cũng thấy mình “được” nhiều thứ: “Từ hôm thi đỗ tới giờ em đi chơi thả phanh. Đi nhà anh em rồi lại đi chơi với bạn bè. Nhưng hay nhất là ngày nào ông nội em cũng gọi điện 5, 6 lần để nhắc đi nhắc lại là cháu phải làm sao cho thật xứng đáng với ngôi vị thủ khoa của mình”. Rồi Thu khoe ngày mai mình lên đường đi chơi Tam Đảo với bạn bè hồi cấp 2.
Hoài Nam (dan tri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)