“Thuở nhỏ, từng trải qua những tháng ngày khó khăn. Lớn lên, tôi khát khao làm được gì đó để góp sức dựng xây quê hương, giúp bà con cải thiện đời sống kinh tế, để em thơ được đến trường. Đó là lý do, trong khi nhiều người trẻ rời quê lên thành phố kiếm việc làm sau ngày tốt nghiệp THPT thì tôi chọn ở lại với bản làng…”, chị Trương Thị Luôn, Bí thư Chi bộ thôn 1 – Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Trà Cang (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) bộc bạch.
Chị Luôn cùng với chồng và các con
Đổi thay diện mạo bản làng
Tiết trời cuối năm mưa bụi kèm theo gió lạnh. Đường vào thôn 1, xã Trà Cang không còn lầy lội như hơn 5 năm về trước, thay vào đó là con đường trải bê tông phẳng phiu. Chị Trương Thị Luôn đón chúng tôi ngay bậc thang nhà sàn với nụ cười tươi: “Đời sống bà con Trà Cang bây giờ đỡ hơn trước, một phần nhờ giao thông đi lại được đầu tư và tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong phát triển kinh tế. Quý nhất là trong các phong trào, từ hiến đất đến góp ngày công làm đường, bà con đều nhiệt tình hưởng ứng và tham gia”.
Câu chuyện của chị Luôn giữa ngày mưa vẫn nghe thật ấm. Chị Luôn bảo, tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm rõ rệt theo từng năm. Đơn cử, năm 2022 toàn thôn có 160 hộ nghèo thì đến năm 2023 giảm còn 160 hộ. 54 hộ giảm nghèo trong một năm là điều không dễ nhưng bà con đã làm được. Nhiều thanh niên trong thôn tham gia xuất khẩu lao động tại các thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út với mức thu nhập từ 10 đến 30 triệu đồng/tháng. Các chị em phụ nữ ở thôn tham gia mô hình trồng sâm Ngọc Linh. “Thôn 1 có 7 nhóm hộ/75 hộ tham gia trồng sâm, với khoảng 3.750 cây sâm ở tất cả nhóm tuổi”, chị Luôn cho biết.
Chị Trương Thị Luôn viếng lăng Bác khi tham gia hội nghị “Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2023”
Năm 2022, chị Luôn được tôn vinh là người có uy tín cấp tỉnh. Mới đây, chị vinh dự là một trong những đại biểu người đồng bào thiểu số tham dự hội nghị “Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2023”. |
Để có những thành quả đó, nhiều năm qua chị Luôn không quản ngại khó khăn, đến từng gia đình chia sẻ tâm tư, nắm bắt nguyện vọng; vận động bà con hiến đất, đóng góp công sức để làm đường giao thông, sửa chữa nhà văn hóa. Không dừng lại ở đó, trong các cuộc họp thôn, chị còn vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, đồi rừng của địa phương để đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống. “Muốn bà con nghe theo thì cần phải hiểu được người dân của mình muốn gì, cần gì, rồi sau đó mới tuyên truyền, vận động, chỉ dẫn cách làm hay, vạch hướng đi cho bà con bắt tay phát triển kinh tế. Từ đó từng bước xóa đói giảm nghèo, hạn chế các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp, hòa giải, giải quyết các vướng mắc, mâu thuẫn phát sinh trong gia đình, cộng đồng, tạo sự đồng thuận, xây dựng gia đình ấm no và thôn văn hóa đoàn kết, bình yên, cùng nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trên địa bàn”, chị Luôn bộc bạch.
Muốn bà con tin thì phải làm gương
Không dễ dàng để một người trẻ như chị Luôn được bà con tín nhiệm. Chị Luôn bảo, muốn bà con tin thì mình phải đi trước, làm đầu. Để phát triển kinh tế, chị tập trung phát triển các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như sâm Ngọc Linh, sâm Nam. Bên cạnh đó còn có 1,5ha sắn mì và mô hình chăn nuôi lợn nái cho thu nhập thường xuyên. Chị còn mở một tạp hóa nhỏ buôn bán phục vụ cho các hộ gia đình trong khu dân cư. Đây cũng là nơi chị giúp bà con mua bán, trao đổi nông sản của người dân làm ra, tạo điều kiện cho các bà con trong thôn có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo. Khi các mô hình mang lại hiệu quả, bà con ở thôn nhìn thấy thì sẽ làm theo. Chị cũng thường xuyên giúp đỡ các hộ khó khăn từ dầu ăn, mắm muối, mì tôm, gạo. Hỗ trợ giống cây quế và hướng dẫn cách chăm sóc, cách làm ăn, chăn nuôi heo, bò cũng như việc ăn ở hợp vệ sinh, xây dựng làng xanh, sạch đẹp, chung tay hiến đất, hiến cây để góp phần xây dựng nông thôn mới.
Chị Trương Thị Luôn (bìa phải) trong hội thi văn hóa ẩm thực tại xã Trà Cang
Ngược thời gian hơn chục năm về trước, thời điểm ấy cư dân thôn 1 còn sống rải rác dọc các triền núi hiểm trở. Trong vai trò Bí thư Chi bộ thôn, chị Luôn quyết tâm thay đổi cuộc sống của bà con bằng cách vận động người dân sống tập trung. Sau nhiều lần tuyên truyền, vận động, bà con lần lượt nhận đất dọc đường lớn trong thôn để dựng nhà. Đó là năm 2017. Cùng với đó, chị miệt mài và kiên trì vận động bà con từ bỏ các hủ tục lạc hậu, xóa nạn tảo hôn, hạn chế uống rượu và tập trung phát triển kinh tế… “Cuộc vận động nào cũng đầy thử thách, cam go. Nhưng phải có niềm tin và tình yêu, trách nhiệm vì cộng đồng thì sẽ đem lại hiệu quả tốt”, chị Luôn trải lòng.
32 tuổi, đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong thôn, xã, chị Luôn vẫn không ngừng học tập nâng cao trình độ. Hiện chị đang theo học lớp đại học luật để bổ sung thêm kiến thức. Chị bảo: “Học để biết, để hướng dẫn bà con đồng thời nêu gương cho thế hệ trẻ”.
Toàn thôn 1 có hơn 200 hộ dân, đều là đồng bào Xơ Đăng. Cuộc sống hôm nay đã có nhiều đổi thay đáng mừng, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ. Hỏi chị Luôn điều gì giúp chị vượt qua các rào cản để bà con tin, tín nhiệm như bây giờ. Chị nói: “Đó là tình yêu làng bản, trách nhiệm với cộng đồng và hơn hết là sự yêu thương bà con dành cho bản thân chị. Một điều không thể thiếu đó là sự đoàn kết của bà con. Sự đoàn kết như những áng mây mỗi sớm tỏa trên bản làng, mềm mại nhưng không tách rời”.
Hàn Giang
Bình luận (0)