Chị Gái bên phần mộ của cô T. do chị vận động xây cất |
“Cuộc đời, ai mưu cầu phú quý, giàu sang thì kệ, chứ bản thân tôi chỉ mong sao giúp được nhiều người, nhất là những người bị xã hội coi khinh, ruồng bỏ để thấy lòng nhẹ nhàng hơn…” – chị Võ Thị Gái, hội viên Hội Phụ nữ ấp An Bình, xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM tâm sự. Ở cái tuổi 56, chị Gái được biết đến như một chỗ dựa không chỉ của người nghèo mà còn của những ai từng lầm đường, lạc lối…
Tôi tìm về ấp An Bình vào một ngày cuối tháng 5. Dưới cái nắng như đổ lửa của tiết trời mùa hạ, chị Gái đã tạo ấn tượng trong tôi là một phụ nữ… không mang dép, mặc cho con đường nhựa đang bỏng rát dưới đôi bàn chân. Thấy tôi ái ngại, chị cười giải thích: “Ngày xưa tôi cũng mang dép đấy chứ, nhưng vài lần gặp chuyện gấp quá, cứ luýnh quýnh lên quên cả dép. Giờ thành thói quen rồi!”.
Nơi người nghèo tìm đến
Những chuyện khiến cho chị Gái “luýnh quýnh”, như chị nói, là mỗi lần người ta bệnh tật, gọi cửa lúc đêm khuya nhờ chị chở đi bệnh viện. Chị Gái nghĩ, trong khi mình mất đi mấy giây… xỏ dép thì người ta đã phải chịu thêm mấy giây đớn đau khổ nhọc, nên thôi.
Người dân ấp An Bình gọi chị Gái với cái tên “nữ xế” bởi nghề chạy xe ôm gắn với chị đã hơn nửa cuộc đời. Những ngày đầu, thu nhập từ công việc này giúp chị trang trải cuộc sống. Dần về sau, chị không còn xem nó là nghề để mưu sinh vì khách của chị đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ như các cụ diện chính sách hay bệnh nhân cần đi khám bệnh. Có khi chở họ từ Củ Chi về đến nội thành, chị Gái chỉ lấy chừng năm, sáu chục ngàn tiền xăng cho hai bận đi về. Làm tài xế nhưng chị Gái không đặt nặng chuyện tiền nong, ai có thì đưa nhiều, không có thì… khất nợ chứ chị không đòi hỏi người ta phải trả công cho mình. Chị cho biết: “Nhiều lúc thấy người ta khó khăn quá mình cũng không nỡ lấy tiền”. Có lẽ vì vậy mà sau hai mươi mấy năm “bám nghề”, tài sản của chị chỉ là chiếc xe gắn máy Trung Quốc cũ kỹ. Căn nhà nhỏ chị đang ở không có vật gì đáng giá ngoài chiếc ti vi được một nhà hảo tâm tặng. Nửa cuộc đời lao động cần cù với cái nghề không cho chị Gái “đủ ăn, đủ mặc”. Thế nhưng, niềm vui có được thông qua việc giúp đỡ người khác khiến chị cảm thấy thanh thản, nhẹ lòng. Chị tâm sự: “Thà không biết, chứ người ta đã tìm đến mình thì sao có thể quay mặt”.
Chỗ dựa cho bệnh nhân AIDS
Cách đây chừng 4 năm, trong một lần làm “xế”, sau khi nghe cô T. – người chung ấp tâm sự đang mang trong người căn bệnh thế kỷ, chị Gái đã không ngần ngại chăm sóc, chở T. đi chữa trị. Chính chị là người lo lắng cho T. những bữa ăn cuối đời. Khi T. nằm xuống, biết gia cảnh cô gái xấu số cũng chẳng khá hơn mình, chị Gái đích thân vận động người trong ấp đóng góp lo ma chay, xây cho T. một ngôi mộ đàng hoàng. T. vốn xinh xắn nên được nhiều người yêu mến. Trong những lần sẻ chia với chị Gái, T. có kể về những người đàn ông từng bước qua đời mình. Từ đây, chị Gái lại thấy mình nặng gánh thêm một trách nhiệm: vận động các đối tượng “nghi vấn” đi xét nghiệm HIV.
Chị kể: “Chưa có công việc nào khó và nặng nề hơn việc tự dưng… kêu người ta đi xét nghiệm HIV”. Nhưng rồi, bằng sự chân thành, gần gũi của mình, chị Gái cũng động viên được nhiều người đi làm xét nghiệm. Kết quả có một người mắc bệnh. Chị lại trở thành chỗ dựa, tài xế riêng… không công cho người này. Từ đó, không ít người lầm đường lạc lối, tìm đến chị với mong muốn nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ riêng tư. Chị Gái cho biết: “Với những người mắc bệnh AIDS, tôi phải tạo được cho họ sự tin tưởng. Có như vậy họ mới mở lòng và mình mới có thể giúp đỡ được”.
Bài, ảnh: Tuyết Dân
Là chỗ dựa của người nghèo, của bệnh nhân AIDS được nhiều người nể phục, nhưng không ít lần chị Gái thấy tủi thân bởi có một số người xa lánh, ghê tởm việc chị coi bệnh nhân AIDS như người thân của mình. Những lúc như vậy, chị lại an ủi “tự mình phải vượt lên chính mình, bởi làm sao có thể quay lưng khi ai đó đang cần một điểm tựa để níu kéo tháng ngày còn lại”. |
Bình luận (0)