Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nửa cuộc đời “thủy chung” với ngôi trường nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

 

Hơn 34 năm miệt mài cống hiến, nay dù đang đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong trường nhưng khi có thời gian thầy vẫn tranh thủ dự giờ, thăm lớp. Thầy đã dành tâm huyết cả đời xây dựng ngôi trường nghèo vươn lên như một câu chuyện cổ tích. Để làm gì ư? Thầy bảo: “trái tim người thầy cần thế”.

1. Khi biết tôi có ý định viết bài, thầy Nguyễn Hào Hiệp (Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Trường THPT Trần Phú, Q.Tân Phú) cười, bảo: “Tôi có gì đâu để viết, nhiều thầy cô khác còn xứng đáng hơn tôi”. Nhưng rồi cuối buổi nói chuyện thầy cũng cho tôi một cái hẹn. Gặp lại thầy vào một ngày chủ nhật, vẫn giọng nói nhẹ nhàng, với tính cách cởi mở, bình dị, thầy kể cho nghe nhiều về giáo dục, về ngôi trường mà thầy gắn bó suốt hơn 30 năm qua. Nơi mà nửa đời người thầy đã gắn bó với nhiều vất vả nhưng cũng lắm niềm vui.
Thầy sinh ra ở làng quê nghèo (Long Mỹ, Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu)trong một gia đình có tới 10 người con. Là con cả, nên từ việc lớn đến việc nhỏ trong gia đình đều phải đến tay thầy. Tuổi thơ của thầy lớn lên với những cơ cực, cùng với chiến tranh loạn lạc, gia đình chia ly, đoàn tụ nhiều lần, phải sống nhờ ở nhiều nơi khác nhau. Trẻ em trong làng chạy nạn tránh bom đạn cùng gia đình nên việc thất học là điều khó tránh khỏi. Chính vì hình ảnh đó, từ nhỏ trong tâm trí người thanh niên trẻ Hào Hiệp luôn phấn đấu bằng mọi giá, học thật giỏi để được làm thầy. Ước mơ ấy đã thành hiện thực và chắp cánh bay cao khi cậu tú Hào Hiệp nhận được giấy gọi nhập học của Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn (nay là Trường ĐH Sư phạm TP.HCM). Ra trường thầy giáo trẻ Hào Hiệp được điều về Trường THPT Trần Phú (trước năm 1975 là Trường Thanh niên phụng sự xã hội, sau 1975 trở thành phân hiệu của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền) dạy môn vật lý, rồi đảm nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng cho đến tận bây giờ.
Nhớ lại những ngày mới về trường (cách đây hơn 30 năm), thầy Hiệp kể: “Ngày đó trường thuộc vùng heo hút, cây cối bao quanh, nhà cửa thưa thớt. Đêm về ếch nhái, dế kêu inh ỏi, nhiều giáo viên nữ mới về trường tối đến không dám ra khỏi phòng. Trường lớp thì xiêu vẹo, phần lớn các thầy cô giáo phải ở nhà tập thể. Lương giáo viên lúc đó chỉ đủ mua lương thực để sống mà theo nghiệp làm thầy. Còn học sinh phần lớn là con em nông dân, không ít em phải vừa học, vừa làm ruộng khi tuổi mới lên 9 lên 10. Cuộc sống khó khăn khiến nhiều thầy cô lúc đó xem trường như một trạm dừng chân. Tôi cũng không còn nhớ nổi đã có bao nhiêu lượt thầy cô đến rồi đi…”. Nhưng với thầy, vẫn kiên quyết thủy chung với ngôi trường này, ở lại để được gắn bó với ngôi trường và những thế hệ học trò nghèo của mình.

Thầy Nguyễn Hào Hiệp (thứ 3 từ phải sang) nhận hoa chúc mừng của các em học sinh

2. Khi là thầy giáo, thì trách nhiệm với học sinh được đặt lên hàng đầu, đến khi gánh vác vai trò của một hiệu trưởng, trách nhiệm của thầy như nặng thêm, vì giờ đây không phải chỉ một lớp học khoảng vài ba chục học sinh mà là hơn 3.000 học sinh và tập thể giáo viên của trường. Thầy tâm niệm “dù ở vị trí nào cũng phải làm tốt”. Đúng như vậy, khi là thầy giáo, thầy được học sinh kính trọng, đến khi là hiệu trưởng, thầy cùng với cán bộ, giáo viên, công nhân viên của trường xây dựng nên một tập thể vững mạnh. Có người nói vui, thầy Hiệp như một thầy “phù thủy” biến ngôi trường từ không thành có. Vì từ chỗ học sinh vỏn vẹn chỉ có 7-8 lớp đến nay trường có gần 3.000 học sinh với 175 thầy cô giáo, cán bộ, công nhân viên; từ một ngôi trường thuộc diện vùng sâu khó khăn nay lọt vào “top 10” trường có điểm thi vào lớp 10 cao nhất thành phố và vào “top 200” trường đứng đầu cả nước. Nhiều năm liền tỷ lệ học sinh tốt nghiệp 100%, tỷ lệ đậu đại học gần 65%, số học sinh còn lại đậu các trường cao đẳng. Thầy bảo: “Để đạt được kết quả trên là công sức của một tập thể nhà trường, sự cố gắng của học sinh. Nếu không có sự đồng tâm hợp lực ấy, sẽ không có được ngôi trường Trần Phú hôm nay”.
Tôi hỏi: “Động lực nào để thầy gắn bó và xây dựng ngôi trường cho đến ngày hôm nay”. Thầy cười, khẳng định không một chút do dự: “Chính học sinh đã cho tôi động lực. Hơn 30 lứa học trò ra trường với hàng chục ngàn học sinh, có cuộc sống ổn định, nhiều học trò tôi dạy trước đây nay trở thành giáo viên trong trường như thầy Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Khắc Thành, cô Hồ Thị Bích Nga, Trần Thị Kim Chi, Lê Thị Tuyết Lan… điều đó làm tôi hạnh phúc, là động lực theo suốt cuộc đời làm thầy giáo của tôi”.
3. “Nếu phải đi trở lại – tôi sẽ đi đường này”, thầy đã mượn câu nói của nhà thơ Louis Aragon để khẳng định cho con đường mà mình đã chọn. Hôm nay dù tuổi đã cao, giữ nhiều trọng trách quan trọng của trường nhưng mỗi khi có thời gian rảnh thầy vẫn đứng lớp rồi dự giờ. Theo thầy “niềm hạnh phúc nhất của người thầy là khi đứng trên bục giảng truyền đạt những kiến thức cho các em học sinh. Điều đó chỉ có người thầy mới có được”.
Cứ như vậy bao nhiêu năm, nhiều thế hệ học trò được thầy dìu dắt đều đã trưởng thành, nhiều người thành đạt. Trong đó không ít học sinh ra trường thành đạt về lại trường cũ thăm thầy vào dịp lễ, tết. Khánh Toàn là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phải vất vả làm việc để có tiền mua sách, vở đi học. Cảm động trước hoàn cảnh của cậu học trò nghèo ham học, thầy đến tận nhà Toàn để thăm hỏi, rồi xin với nhà trường miễn các khoản tiền học phí cho em. Giờ đây, cậu học trò nghèo ngày nào đã thành đạt, hàng năm cứ đến ngày 20-11 Toàn lại về thăm thầy. Còn đối với những học sinh cá biệt, thầy lại có cách giúp đỡ, cảm hóa các em bằng cả trái tim người thầy, khích lệ các em phấn đấu học tốt, vươn lên để sau này là người có ích cho xã hội.
Những gì thầy Hiệp đã miệt mài cống hiến đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng ba, huy hiệu, bằng khen, giấy khen… Thầy xem đó như là một động lực để tiếp tục cống hiến. “Tâm huyết của tôi là xây dựng một trường THPT Trần Phú trở thành trường tiên tiến, chất lượng cao, môi trường giáo dục thân thiện, năng động, tích cực với những giá trị đạo đức chuẩn mực. Học sinh có kiến thức về văn hóa, sức khỏe, đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống, có đầy đủ điều kiện để chọn được nghề nghiệp tốt cho tương lai của mình”, thầy Hiệp bộc bạch.
Văn Mạnh

Các đồng nghiệp trong trường xem thầy như cây đại thụ, thế hệ học trò ra trường thường nhắc đến thầy như một người “ươm mầm” tận tụy để hôm nay sản sinh cho đời những hoa thơm, trái ngọt.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)