Giáo viên đến với ngôi trường THCS Hải Hòa như một trạm dừng chân đợi đò, để rồi sau “ba năm nghĩa vụ” lại sang sông tìm về nơi khác. Bao lần tiễn người đi, đón người về trong xót xa, hờn tủi, các bậc cao niên trong làng đã đợi được đến ngày mừng mừng tủi tủi ghi vào cuốn “gia phả làng” một “suất đinh” hơn nửa đời người gắn bó với mảnh đất này, lặng lẽ “đưa đò” chở bao thế hệ học trò làng cập bến sông tri thức.
“Suất đinh” ấy là cô giáo Nguyễn Thị Hồng (52 tuổi), hơn 30 năm nay gắn cuộc đời mình với bao thế hệ học trò nơi ngã ba sông Ô Giang – Vĩnh Định, thuộc xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng (Quảng Trị).
Thanh xuân trong nỗi nhớ
Cô giáo Hồng đã hơn nửa đời “đưa đò” chở bao thế hệ học trò vùng trũng Hải Hòa cập bến sông tri thức
|
18 tuổi cô Nguyễn Thị Hồng học xong THPT Đồng Hới (Quảng Bình), yêu nghề giáo, năm 1976 cô thi vào Trường Sư phạm Quảng Bình. Hè năm 1979 tốt nghiệp sư phạm, như bao đồng nghiệp trẻ khác, với tinh thần “đâu cần mình có mặt”, cô hăm hở vượt quãng đường ngót trăm cây số, cầm quyết định về nhận công tác tại Trường THCS xã Hải Hòa.
Cái ngày cô Hồng về nhận nhiệm vụ dạy học ở xã Hải Hòa, hẳn đó là ngày khó quên trong tâm khảm. Đầu năm học mới ấy, xã Hải Hòa vừa đón một trận lụt ngập đồng. Cô Hồng xuống xe đò ở ngã ba QL1A, đoạn ngang qua đường liên xã về vùng trũng huyện Hải Lăng, tay xách, nách mang hành lý lội bộ về trường ngót 15 cây số.
Làng xóm nhìn đâu cũng thấy một màu xam xám của phù sa; ruộng đồng mênh mông nước. Cô Hồng đảo mắt nhìn hết một lượt vẫn chẳng thấy trường, chẳng thấy lớp, chỉ thấy trong một túp lều tranh vách đất có rất nhiều người già lẫn trẻ con đang hì hụi xúc bùn non, gánh đi đổ ở nơi khác, mùi tanh nồng xộc vào mũi. Thấy cô lóng ngóng ngoài ngõ, một thanh niên tầm 25 tuổi, nhanh nhảu cất lời: “Hồng, có phải Hồng về nhận công tác ở trường mình không?”.
“Nghe anh chàng kia bảo đây là trường, thêm vào đó tay lại cầm chú đỉa đang ngọ nguậy, thật lòng tôi hơi bị… “choáng”. Nhưng rồi tôi cũng nhanh chóng gửi hành lý, xắn quần, quét dọn bùn đất với bà con. Đó là đêm đầu tiên trong suốt 20 năm tuổi đời, tôi đặt lưng xuống giường ngủ mê mệt cho đến sáng…”, cô Hồng cười hiền kể lại.
32 năm rồi, kỷ niệm ấy thi thoảng cô vẫn kể mỗi khi có khách về thăm như một ấn tượng về cuộc sống thiếu thốn, nhọc nhằn nhưng trĩu nặng nghĩa tình của tấm lòng người dân vùng sâu với cô giáo “cắm bản”.
Có một điều thật đặc biệt, gần như là trường hợp duy nhất ở mái trường này. Đó là anh chàng thanh niên đã làm cô Hồng một phen hết hồn hôm cô chân ướt chân ráo về đây đã đem lòng yêu thương cô và họ nên duyên chồng vợ vài năm sau đó. Anh chính là bảo vệ trường, quê ở mãi tận Thừa Thiên Huế.
Như đã thành “quy luật”, mỗi giáo viên “cắm bản” sau ba năm sẽ được luân chuyển đi nơi khác, tránh sự thiệt thòi. Cứ ngỡ xong “ba năm nghĩa vụ” cũng như bao nhiêu người khác, cô giáo Hồng khăn gói theo chồng về quê. Nào ngờ, tình đất, tình người, tình thầy trò quyện thành máu thịt đời người để rồi cô gắn bó đến tận bây giờ…
Ngọn “đèn cù” trên vùng nước bạc
Về trường hôm trước, hôm sau cô Hồng nhận lớp. Ấn tượng đầu tiên khiến cô rơi nước mắt là hình ảnh các em học trò phong phanh trong manh áo mỏng tang, đến lớp giữa ngày đông giá buốt. Nhiều em ở xa, phải chèo ghe vượt gần chục cây số đến trường. Hình ảnh ấy khó phai trong ký ức của cô. Bởi chính cô, thời đi học có bận muốn đến trường đã phải đi nhờ những chuyến đò ngang. Đi nhờ một khúc sông đã thấy cực, huống chi…
Học trò tới trường đã khổ. Cô giáo ở trường cũng khổ không kém. 5 cô chia nhau một túp lều tranh vách đất, rộng chưa tới chục mét vuông.
Hải Hòa là vùng thấp trũng, lúc bấy giờ giao thông đi lại cực kỳ khó khăn. Người dân làm ra được bó rau, mớ cá… muốn bán phải chèo ghe đi hàng chục cây số ngược lên QL1A. Con trai, con gái trong vùng muốn tìm hiểu nhau phải chờ đến mùa nước cạn. Khó khăn chồng chất nên hầu như năm nào Trường THCS Hải Hòa cũng đôi lần tiễn người đi, đón người về.
Đó cũng là nỗi buồn lưu cữu trong lòng các bậc cao niên trong làng, suốt bao đời nay, cứ ba năm một lần họ lại ghi vào cuốn “gia phả làng” ước mơ có một người thầy giáo gắn bó với làng, kể từ thuở cha ông đến khai canh lập nghiệp từ thế kỷ XIII.
Cô giáo Hồng cảm nhận hết nỗi cực nhọc cũng như nỗi khát khao tìm con chữ của người dân và con em nơi đây. Nên “hoàn thành nghĩa vụ”, cô có một quyết định “ngược đời”, đó là cuốc bộ gần 30km, tìm đến Phòng Giáo dục huyện xin được… ở lại trường.
32 năm đứng lớp, thì đến hai phần ba số thời gian ấy cô nhận trách nhiệm dạy lớp 9, bồi dưỡng đội học sinh giỏi. Trên lớp, cô luôn chú ý phân loại học lực từng học sinh rồi từ đó tìm ra phương pháp truyền đạt phù hợp với các em. Tỷ lệ học sinh lớp 9 của trường tốt nghiệp hàng năm đều đạt trên 90%. Đặc biệt, năm nào trường cũng có học sinh đạt giải huyện và tỉnh môn văn tiếng Việt.
Anh Nguyễn Hữu Chuyên, một học trò cũ của cô giáo Hồng vừa tốt nghiệp thạc sĩ văn học xúc động nói: “Nói thật, ngày trước nhà mình nghèo lắm. Nghèo đến nỗi một cuốn sách cũng không có tiền mua. Những năm đó cô giáo Hồng không những cho mình mượn sách mà cả bút, vở cô cũng mua giúp mình. Nhờ sự quan tâm của cô, mình mới có ngày hôm nay”.
Còn thầy Chương, một đồng nghiệp của cô nói: “Ở trường, cô Hồng ví như ngọn “đèn cù” soi ánh sáng tri thức cho bao thế hệ học trò khôn lớn, cũng là điểm tựa cho đồng nghiệp”.
Món nợ ân tình
Ngôi nhà cấp 4 của cô giáo Hồng nằm ngay trước cổng trường. Dẫn tôi về nhà, cô Hồng vui vẻ cho biết: “Mảnh đất này là phần thưởng của làng dành cho “suất đinh” ưu tú”.
Bấm đốt ngón tay, ngôi nhà đã tồn tại hơn 20 năm. Nghĩa là cô giáo Hồng gắn bó với mảnh đất này đã ngót nửa đời người. Gồng mình qua bao mùa mưa lũ, cực khổ không thể nói hết, có nhiều kỉ niệm để đời. Còn nhớ trận lũ lịch sử năm 1983, mải mê cùng đồng nghiệp kê thư viện sách, trang thiết bị học tập lên cao để tránh ngập nước. 5 giờ sáng, nhìn lại ngôi nhà đã bị nước ngập tự bao giờ.
Chưa hết, trận đại hồng thủy năm 1999, lúc đó Trường THCS Hải Hòa đã được đầu tư xây dựng hai tầng, trong khi cô đang chèo thuyền đón học trò đến trường trú ẩn thì đứa con gái út không may ngã xuống dòng nước xoáy. Người dân trong làng bất chấp hiểm nguy, lao vào dòng nước cứu giúp. Rồi có nhiều bận hai đứa con cô ốm đau ngay giữa mùa nước nổi, bà con lại kết bè đưa lên bệnh viện huyện… Ân tình ấy thành món nợ đời người, khiến cô chọn xã Hải Hòa làm quê hương thứ hai của mình.
Trước lúc chia tay tôi, cô Hồng phấn khởi: “Cô bây giờ là công dân chính hiệu của xã Hải Hòa rồi đấy nhé. Vừa rồi, xã đã tạo điều kiện cho cô làm sổ đỏ đất nhà ở”. Niềm vinh dự ấy âu cũng là phần thưởng xứng đáng với những gì hơn 30 năm qua cô giáo Nguyễn Thị Hồng đã dâng hiến cho sự nghiệp trồng người của vùng sâu Quảng Trị.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)