Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nửa thế kỷ trọn nghĩa tình

Tạp Chí Giáo Dục

Nửa thế kỷ trôi qua, dù không có một đám cưới vàng trong ngày kỷ niệm nhưng hạnh phúc của đôi vợ chồng nhà giáo này vẫn “tương kính như tân”.

Vợ chồng nhà giáo Trần Xuân Cường – Châu Thị Hường 

1.Nhớ lại năm 1966 khi biết tin thầy Trần Xuân Cường se duyên cùng với cô Châu Thị Hường không ít người bán tín bán nghi. Năm đó, thầy Cường tuổi đã gần 30 lại hẹn hò với cô học trò cũ kém thầy đúng 10 tuổi. Thế nhưng, đồng nghiệp và gia đình lại tán thành ủng hộ vì tình yêu chân thật của họ. Sau khi tốt nghiệp Trường SP TW thuộc ĐHSP Hà Nội, từ quê nhà Đức Tân (nay là xã Trường Sơn, Đức Thọ, Hà Tĩnh) tình nguyện lên huyện miền núi Hương Khê, thầy Cường mang theo tinh thần xung phong của một nhà giáo trẻ. Hai năm sau, thầy được điều về Trường cấp 2 Hương Thủy nhận chức Tổ trưởng Tổ khoa học xã hội và 3 năm sau được đề bạt Hiệu trưởng Trường cấp 2 Hương Khê. Đây cũng là thời gian mà thầy Hiệu trưởng bén duyên với cô học trò cũ gốc Huế vốn nhà ở sát Trường cấp 2 Hương Thủy đẹp người đẹp nết. Lập gia đình xong, thầy lại được phân về dạy Trường SP bồi dưỡng tỉnh Hà Tĩnh, sơ tán ở huyện Hương Sơn. Tưởng vợ chồng xa cách mấy chục cây số ai ngờ may mắn là cô có giấy báo đi học Trường Trung cấp SP tỉnh gần đó. Khó khăn ập đến khi cô sinh đứa con gái đầu lòng mà không có chỗ ở cho cả gia đình. Nhờ tấm lòng cưu mang của một đồng nghiệp cũ mà vợ chồng thầy mới có một chái nhà ngang trong thời gian ở cữ. Bận việc trường, ông không thể hàng ngày chăm sóc vợ thường xuyên nên đành phải rước thêm người mẹ đang nuôi cháu nhỏ dưới quê lên ở chung. Có thể đây là thời kỳ gian nan nhất của cặp vợ chồng trẻ vừa nuôi con vừa đi học nhưng đó cũng là thước đo thử thách nghĩa phu thê của họ. Cho đến hôm nay, hình ảnh người vợ trẻ thiếu sữa do thức khuya dậy sớm học bài, sau 15 ngày sinh nở phải nấu cơm, gánh nước tự phục vụ càng khiến thầy thương cảm hơn.

2. Đất nước hòa bình, mang trên vai 3 đứa con thơ, cả nhà thầy “tập kết” ra TP.Vinh (Nghệ An) dạy chữ. Dù đã có một ngôi nhà tranh do gia đình, học trò, đồng nghiệp góp tay dựng nên nhưng lại đi dạy xa nên hàng ngày ông vẫn làm bạn với chiếc xe đạp cũ. Mãi đến năm sau do nguyện vọng của Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng cần giáo viên giỏi, thầy mới được chuyển về gần nhà cùng vợ con “an cư lạc nghiệp”.

Mặc dù hai con gái đã đi lấy chồng, em út đã ra riêng nhưng hàng tuần hàng tháng nhà ông luôn tổ chức những buổi đoàn tụ gia đình trong không gian ấm cúng rộn rã tiếng cười vui của các thế hệ. Đó cũng là nếp sinh hoạt mà họ đã định hình được từ nhiều năm nay để thụ hưởng những giây phút hạnh phúc do mỗi thành viên trong gia đình gầy dựng nên. Trong ngôi nhà đó có một tài sản vô cùng quý giá mà ông bà có được là tình nghĩa thầy trò sau nửa thế kỷ đưa đò. Bây giờ những học sinh của ông thế hệ những năm 60 của thế kỷ trước đã già nhưng dù gặp ông ở bến xe hay ga tàu đều lễ phép kính cẩn chào thầy cô như muốn có chút gì trả lại hiếu đạo cho người dạy chữ để mình được nên người.

Bài, ảnh: Ngọc Quang

Bình luận (0)