Đảo Lý Sơn được hình thành từ quá trình phun trào của núi lửa hàng triệu năm trước. Cấu tạo độc đáo đó tạo nên cho Lý Sơn vẻ đẹp đến nao lòng.
Huyện đảo Lý Sơn nằm về phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý. Huyện có diện tích khoảng 10,3 km2 với trên 22.000 dân. Đảo Lý Sơn hội tụ nhiều thế mạnh về di sản địa chất, văn hóa, sản phẩm nông nghiệp. Do đó, huyện đảo là điểm đến ưa thích của du khách.
Toàn cảnh Lý Sơn nhìn từ trên cao
Huyện Lý Sơn bao gồm đảo Lớn và đảo Bé. Khu vực này hiện có vết tích của 10 miệng núi lửa, trong đó có 3 miệng núi lửa nằm dưới đáy biển. Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho thấy, cụm núi lửa ở Lý Sơn và vùng phụ cận phát lộ nhiều loại đất đá, nham thạch tiêu biểu cho các chế độ phun trào khác nhau trong giai đoạn Kỷ đệ tứ, khoảng 11 triệu đến 4.500 năm trước.
Cụm núi lửa ở phía Tây đảo Lớn, miệng núi lửa lớn nhất trong số này là núi Giếng Tiền cao 86 m
Thới Lới là ngọn núi lửa lớn nhất trên đảo Lý Sơn. Đỉnh núi cao hơn 149 m, đây cũng là điểm cao nhất trên đảo. Ngọn núi lửa này có đường kính đáy 1,4 km, đường kính miệng 0,35 km. Tường phía trong miệng núi lửa Thới Lới có dạng dốc đứng, ở giữa khá sâu tạo thành hồ nước.
Miệng núi lửa Thới Lới được xây dựng thành hồ chứa nước ngọt cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của huyện đảo.
Đường lên đỉnh Thới Lới được xem là cung đường đẹp nhất ở huyện đảo Lý Sơn.
Quá trình phun trào của núi lửa Thới Lới đã tạo nên những cảnh quan ngoạn mục, đặc biệt là vách đá Hang Câu. Vách đá Hang Câu có khung cảnh kỳ vĩ. Thời điểm đại dịch Covid-19 chưa bùng phát, núi Thới Lới và thắng cảnh Hang Câu là điểm thu hút hàng nghìn du khách mỗi ngày.
Vách đá Hang Câu sừng sững bên bờ biển.
Cách đảo Lớn về phía Tây khoảng 3 hải lý là đảo Bé. Đảo Bé chỉ có trên 100 hộ dân chủ yếu sinh sống bằng dịch vụ du lịch, trồng hành tỏi.
Toàn cảnh đảo Bé nhìn từ trên cao
Nham thạch núi lửa gặp nước biển đông cứng lại tạo ra những vòm đá kỳ thú được gọi là cổng Tò Vò. Ngoài cổng Tò Vò trên cạn ở đảo Lớn, các chuyên gia khảo cổ còn phát hiện một vòm đá khác nằm sâu dưới đáy biển. Vòm đá này nằm ở vùng biển cách đảo Bé khoảng 1 hải lý. Tổng thể khối nham thạch tạo nên vòm đá kéo dài gần 100 m, trong đó phần mái vòm dài khoảng 20 m. Tính từ đáy biển lên, nơi cao nhất của vòm đá khoảng 5 m.
Vòm đá nham thạch được phát hiện vào năm 2014 ngoài khơi đảo Bé
Quá trình phun trào của núi lửa tạo nên nhiều vách đá nham thạch. Qua thời gian, nham thạch bị sóng biển mài mòn tạo nên nhiều hang đá độc đáo. Hang đá lớn nhất trên đảo Lý Sơn chính là chùa Hang. Hang đá này nằm dưới chân núi Thới Lới với chiều sâu 24 m, rộng 20 m, cao 3,2 m.
Ngoài việc tạo nên những di sản địa chất độc đáo, dung nham núi lửa bị phong hóa đã hình thành nên nền đất đỏ bazan chứa nhiều khoáng chất. Loại đất này phù hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây tỏi. Tỏi Lý Sơn có hương vị thơm ngon và nhiều dược tính quý nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Nham thạch núi lửa phong hóa tạo nên loại đất đặc biệt giúp hành, tỏi Lý Sơn có chất lượng thơm ngon.
Toàn huyện đảo có trên 300 ha đất nông nghiệp.
Ngoài hoạt động du lịch và nông nghiệp, đảo Lý Sơn có hàng nghìn người tham gia khai thác hải sản xa bờ.
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Ninh – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, mỗi năm huyện đảo đón từ 260 – 280 nghìn lượt khách du lịch. Riêng các ngày lễ, cuối tuần có khoảng 2 – 4 nghìn lượt khách đến với Lý Sơn.
Một góc đảo Bé thanh bình giữa đại dịch Covid-19.
"Năm nay dịch bệnh phức tạp nên lượng khách du lịch sụt giảm mạnh. Từ đầu năm đến nay, huyện đảo đón được khoảng 40 nghìn lượt du khách, giảm khoảng 30 nghìn lượt so với cùng thời điểm năm ngoái. Lượng khách này chưa bằng 1/4 so với thời điểm chưa có dịch Covid-19", ông Ninh thông tin.
Quốc Triều (theo dantri)
Bình luận (0)