Hội nhậpThế giới 24h

Núi Phú Sĩ lâm nguy

Tạp Chí Giáo Dục

Để bảo vệ môi trường của núi Phú Sĩ và sự an toàn của du khách, một số người đề nghị tăng gấp 10 lần lệ phí leo núi hiện tại

Sau khi Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) chính thức ghi tên núi Phú Sĩ, nằm ở địa phận 2 tỉnh Yamanashi và Shizuoka, vào danh sách di sản văn hóa thế giới, người dân Nhật Bản nửa mừng nửa lo.
Danh hiệu trên chắc chắn sẽ thu hút thêm nhiều du khách đến Phú Sĩ, khiến không ít người dân lo rằng môi trường tại đây sẽ càng bị ảnh hưởng. Hiện tại, hơn 300.000 người leo lên Phú Sĩ mỗi năm trong khi có từ 40.000-50.000 tình nguyện viên dọn dẹp rác trên đỉnh núi. Trong thời gian chờ UNESCO chính thức phê duyệt hồi tháng 6, các nhóm tình nguyện thu gom gần 900 tấn rác trên núi Phú Sĩ.
“Danh hiệu đó là điều đáng tự hào nhưng môi trường đang bị ô nhiễm. Thế mà rất nhiều người mải bận bịu chuyện khác. Cháu cảm thấy thật thất vọng” – Hisataka Kurosawa, một học sinh trung học 16 tuổi, phiền lòng. Cậu bé từng tham gia một nhóm tình nguyện thu gom rác như tàn thuốc lá, phụ tùng xe hơi, can dầu và giấy gói kẹo tại đường mòn lên đỉnh núi và bãi đậu ô tô.
Trong khi đó, ông Toyohiro Watanabe, một cựu quan chức chính quyền địa phương, thành lập một tổ chức tình nguyện chăm lo cho ngọn núi danh tiếng. Theo nhận định của ông, “núi Phú Sĩ đang yếu dần” do sự nóng lên toàn cầu và một số tác nhân khác. Ông tỏ ra khó chịu trước những trận mưa axít hòa với khí thải từ các nhà máy trên bờ biển. Ông cũng ném sự giận dữ vào các loài thực vật xâm lấn môi trường quanh núi, như cỏ và tre mọc dày đặc 2 bên đường lên núi.
 
Các tình nguyện viên dọn dẹp rác ở đường lên đỉnh núi Phú Sĩ. Ảnh: AP
Hãng tin Kyodo dẫn nghiên cứu mới nhất cho thấy du khách đã vô tình đem thực vật ngoại lai đến Phú Sĩ, đe dọa hệ sinh thái và cảnh quan nơi đây. Các nhà nghiên cứu tìm thấy 56 loài thuộc những địa phương khác ở Nhật Bản, thậm chí ở nước ngoài. Ông Takashi Nakano, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Môi trường Yamanashi, giải thích hạt giống “hạ cánh” xuống Phú Sĩ nhờ bám vào quần áo, giày dép hoặc lốp xe của du khách.
Song song đó, nhiều người cũng lo ngại vấn đề an toàn khi chinh phục ngọn núi cao 3.776 m. Theo Thống đốc tỉnh Yamanashi, ông Shomei Yokouchi, ít nhất 7 người chết và 70 người bị thương khi leo núi Phú Sĩ trong năm 2012. Để hạn chế tai nạn, một số người đề nghị tăng gấp 10 lần lệ phí leo núi – hiện vào khoảng 10 USD.
Dù lần phun trào gần đây nhất là từ cuối năm 1707 nhưng Phú Sĩ vẫn là một ngọn núi lửa đang hoạt động và được theo dõi sát sao. UNESCO từng cảnh báo di sản văn hóa thế giới này đang đối mặt không ít nguy cơ, từ thiên tai cho đến từ mức độ không bền vững của du lịch. Ngay cả đối với một quốc gia giàu có như Nhật Bản, ngân sách eo hẹp khiến việc hỗ trợ bảo tồn gặp không ít trở ngại, hãng tin AP nhận định.Danh hiệu di sản văn hóa thế giới của núi Phú Sĩ được mong đợi sẽ cải thiện tình hình kinh doanh tại địa phương cũng như kìm hãm đà suy giảm kinh tế ở hầu hết các vùng nông thôn Nhật Bản. Điều này đặc biệt quan trọng khi số người leo núi Phú Sĩ giảm đáng kể vào cuối mùa hè năm 2013, giảm 7.844 lượt so với 310.721 lượt của cùng kỳ năm trước. Bộ Môi trường Nhật Bản tin rằng nguyên nhân là do ô tô vào khu vực núi đã bị hạn chế để tránh ùn tắc ở chân núi
Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)