Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Núi Rushmore – biểu tượng của lịch sử nước Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

 

Nếu lần đầu tiên đến tiểu bang Nam Dakota, hẳn bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi được tận mắt chiêm ngưỡng chân dung khổng lồ của bốn vị Tổng thống Mỹ được tạc thẳng lên núi đá hoa cương.
Kiệt tác trên núi đá
Đứng cách đỉnh Rushmore vài cây số, du khách đã nhìn thấy bức phù điêu bốn gương mặt sinh động của 4 vị tổng thống: Georges Washington (tượng trưng cho sự đấu tranh giành độc lập), Thomas Jefferson (tượng trưng cho nền dân chủ của nước Mỹ), Theodore Roosevelt (tượng trưng cho sự bảo vệ thiên nhiên) và Abraham Lincoln (tượng trưng cho sự tự do). Tuy không hẳn là những chính trị gia xuất sắc nhất, nhưng họ là biểu tượng cho những giai đoạn lịch sử đáng nhớ của nước Mỹ.
Hướng về phía Đông Nam, quần thể tượng luôn đón nhận những tia nắng ban mai đầu tiên. Mỗi khuôn mặt có chiều cao 18 mét, con mắt dài 3 mét, khoé miệng 5,5 mét, sống mũi 6 mét.  Nếu lấy đầu tượng làm “chuẩn”, nhân theo tỷ lệ thì tượng toàn thân một vị tổng thống sẽ cao 215 mét. Và nếu bạn đến tham quan đúng lúc người ta đang bảo trì, tu sửa 4 khuôn mặt, thì bạn sẽ thấy các chuyên viên leo lên trên mặt tượng, trông như là những con nhện nhỏ bò trên một trái đu đủ.
Khuôn mặt 4 vị tổng thống trên núi Rushmore
Hoành tráng đến vậy, song không vì thế mà bức phù điêu thô ráp, trái lại, từng đường nét được gọt đẽo hết sức tỉ mỉ, mịn màng, các chi tiết khắc hoạ được nét riêng của từng người và trông rất có hồn. Bên dưới bốn bức tượng tổng thống, vách đá và rừng thông phủ kín. Con đường lát gỗ len lỏi dưới vách núi cho phép du khách tản bộ và ngắm nhìn gương mặt các tổng thống từ nhiều phía, nhiều góc độ.
Tâm lực của cả một đời nghệ sĩ
Có tận mắt chứng kiến 4 mặt tượng chênh vênh trên sườn núi dốc ngược, trơ trụi không một chỗ bám víu, mới thấy khâm phục lòng đam mê, sức sáng tạo và sự lao động miệt mài của Gutzon Borglum – tác giả của công trình điêu khắc vĩ đại này.
Gutzon sinh năm 1867, là con trai một người Đan Mạch nhập cư. Năm 23 tuổi, Gutzon Borglum đến Pháp theo học ngành điêu khắc với một nghệ sĩ bậc thầy của nghệ thuật điêu khắc thế giới thời bấy giờ là Auguste Rodin. Với tài năng thiên phú, Gutzon Borglum đã nhanh chóng học được bí quyết lợi dụng ánh sáng để dựng nên những bức tượng độc đáo bằng các chất liệu cứng như đá hoa cương một cách sinh động nhất.
Khi trở về Mỹ, Gutzon Borglum tình cờ gặp nhà sử học kiêm nhà chính luận tài ba Dorn Robinson. Trong cuộc gặp gỡ này, nhà sử học gợi ý rằng ông có ý tưởng dựng một bức tượng chân dung bốn vị tổng thống nổi tiếng của Mỹ, để lưu lại cho hậu thế, ghi khắc vai trò của họ trong lịch sử hình thành và phát triển của một nước Mỹ phồn thịnh. Rất tâm đắc với ý tưởng này, nhà điêu khắc Gutzon Borglum đã bắt tay vào thực hiện tác phẩm điêu khắc vĩ đại ghi dấu tên tuổi và tài năng cả một đời nghệ sĩ của mình. Địa điểm mà ông chọn là vùng núi Blake với đỉnh Rushmore trong khuôn viên rộng 15,7 km2 và cao 152 mét. So với khung cảnh xung quanh, vùng núi nổi bật trên nền của những thung lũng, rừng cây và hồ nước phía bên dưới. Vào tháng 8 năm 1927, mặc dù đã 60 tuổi nhưng Gutzon Borglum vẫn rất còn sung sức, ông đã bắt tay vào thực hiện tác phẩm để đời này.
Toàn cảnh núi Rushmore
Trong điều kiện làm việc lúc bấy giờ còn thiếu thốn phương tiện kỹ thuật cộng với nguồn kinh phí hạn hẹp, nhưng niềm hưng phấn sáng tạo và quyết tâm của một nghệ sĩ đã giúp ông thực hiện được ý nguyện. Vận dụng những kiến thức học được từ người thầy của mình cùng với những kinh nghiệm của một thời gian dài gắn bó với nghệ thuật điêu khắc, Gutzon Borglum đã dần phác họa nên chân dung của bốn nhân vật quan trọng bậc nhất trong lịch sử nước Mỹ này lên vách núi cheo leo của đỉnh Rushmore.
Người nghệ sĩ của chúng ta đã dùng những mũi khoan, thuốc nổ định vị và các phương tiện thủ công hỗ trợ để bắt đầu tạc nên khuôn mặt Georges Washington. Trên độ cao cheo leo của đỉnh núi hoa cương Rushmore, Gutzon Borglum và 360 công nhân phụ việc đã phải treo mình trên những sợi dây thừng, đẽo từng miếng đá nhỏ để tạc nên một hình ảnh lớn của chân dung tổng thống Georges Washington bằng cả lòng say mê nghệ thật và sự tôn kính dành cho nhân vật lịch sử này.
Do nhiều lý do khách quan như thời tiết, kinh phí, và sự bất hợp tác của Sở quản lý công viên quốc gia mà công trình của Gutzon Borglum liên tục bị gián đoạn, nhưng cuối cùng bức chân dung đầu tiên tạc tổng thống Georges Washington cũng được hoàn thành. Đến năm 1936 ông hoàn thành chân dung tổng thống Thomas Jefferson, năm 1937 hoàn thành bức chân dung tổng thống Abraham Lincoln. Khi bức chân dung của tổng thống Theodore Roosevelt đã gần hoàn tất thì bất ngờ nhà điêu khắc Gutzon Borglum qua đời ở tuổi 74 vì kiệt sức. Sau đó Gutzon Lincoln – người con trai đồng thời cũng là một trợ lý đắc lực của ông từ những ngày đầu bắt tay vào thực hiện công trình này – đã thay cha mình chỉ huy thực hiện nốt phần việc còn dang dở. Hai tháng sau ngày Gutzon Borglum qua đời, bức chân dung cuối cùng tạc tổng thống Theodore Roosevelt hoàn tất. Đó cũng là lúc các nghệ sĩ vĩ đại này rời khỏi đỉnh Rushmore một cách thầm lặng sau 14 năm 2 tháng làm việc.
Phải chờ đến đúng 50 năm sau, tác phẩm vĩ đại tạc chân dung bốn vị tổng thống của nước Mỹ trên vách núi Rushmore mới được coi là biểu tượng quốc gia, sau khi Tổng thống Georges Bush (cha) đến làm lễ đặt tên cho tượng đài này. Điều đáng tiếc là nhà điêu khắc vĩ đại, tác giả của tượng đài này, đã không còn sống để tận hưởng niềm vui trọn vẹn, cũng như không được tận mắt chứng kiến ngày tác phẩm mà ông bỏ công sức của cả một đời mình được đón nhận và tôn vinh. Tuy vậy, có lẽ ở bên kia thế giới, Gutzon Borglum cũng mãn nguyện khi biết rằng tác phẩm của mình giờ đây đã được coi là một trong những biểu tượng của nước Mỹ và hàng năm công trình này thu hút tới trên 3 triệu khách du lịch đến tham quan.
Điểm đến Rushmore nằm trong chương trình tham quan nước Mỹ, do Cty Du lịch Hoàn Mỹ tổ chức. Liên hệ: 273B An Dương Vương, P3, Q5, TPHCM – ĐT: 38 336 336 hoặc truy cập www.dulichmy.com
Minh Đăng / Phụ nữ

Bình luận (0)