Thị trường chứng khoán thiên về phe ủng hộ Anh ở lại EU.
7 giờ sáng 23-6 (giờ địa phương), các cử tri Anh bắt đầu đến các phòng phiếu để bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu ý dân về quyết định nước Anh nên ở lại (Bremain) hay rời khỏi EU (Brexit). Các phòng phiếu đóng cửa lúc 22 giờ cùng ngày.
Thủ tướng Anh David Cameron nhận định đây là lần trưng cầu ý dân “quan trọng hơn hết trong thế hệ chúng ta”. Ông cùng phu nhân Samantha đi bỏ phiếu ở London. Sau đó, ông không tuyên bố gì cả.
Đến giờ chót, tỉ lệ những người ủng hộ Anh ở lại EU và những người ủng hộ Anh rời EU vẫn không chênh lệch nhau bao nhiêu. Báo Financial Times ghi nhận bảy lần thăm dò gần nhất cho thấy phe “Bremain” chiếm 48% và phe “Brexit” chiếm 46% trong khi 6% còn do dự.
Các cử tri đi đến các phòng phiếu với tâm trạng khác nhau. Kẻ lo lắng cho viễn ảnh Anh rời khỏi EU, người lại hồ hởi phấn khởi muốn “Brexit”.
Ông Peter Davies, 55 tuổi, nhân viên tin học, nói: “Thảm họa cho nền kinh tế nếu chúng tôi rời khỏi EU”.
Bà Joan, 50 tuổi lại muốn ủng hộ giải pháp “Brexit”: “Chúng tôi sẽ là nước đầu tiên rời bỏ (EU) và tôi cho rằng nhiều nước châu Âu khác sẽ ra đi sau đó”.
Cô Gemma Rosaria, 24 tuổi nhận xét: “Thật là ngốc khi rời EU. Ở lại EU có lợi cho Scotland hơn”.
Cử tri mặc áo thể hiện quan điểm ủng hộ Anh ở lại EU. Ảnh: AFP
Các nhà phân tích nhận định số cử tri tham gia là yếu tố quyết định đến kết quả trưng cầu ý dân. Cử tri tham gia càng cao thì phe muốn ở lại EU sẽ may mắn hơn.
Ngày 23-6, thị trường chứng khoán có vẻ thiên về phe ủng hộ Anh ở lại EU.
Cuối buổi sáng, đồng bảng Anh tăng giá hơn 1% so với USD, đạt mức tăng cao nhất trong năm. Các chuyên gia kinh tế dự đoán xác suất chỉ 15% phiếu bầu chọn giải pháp “Brexit” so với hơn 40% hồi giữa tháng 6.
Tuy nhiên, nhiều người dân Anh không suy nghĩ như vậy. Họ lo ngại phe “Brexit” thắng thế, đồng bảng Anh sẽ giảm giá nên lật đật đi đổi bảng Anh lấy đồng euro hay USD cất giữ cho khỏe.
Làn sóng đổi tiền đã diễn ra rầm rộ từ cuối tuần trước. Doanh số của bưu điện Anh tăng vọt 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ trong ngày 21-6, doanh số tăng 49% tại hội sở và 381% qua giao dịch trên mạng.
Trong làng báo Anh, nói chung ý kiến phân hóa tùy theo quan điểm của báo.
Báo The Sun ủng hộ giải pháp rời khỏi EU đã đăng trên trang bìa tựa phimNgày độc lập với dòng chữ: “Nước Anh phục sinh”.
Báo Daily Express ủng hộ “Brexit” đã chạy chữ to trên trang nhất: “Hôm nay bạn hãy bỏ phiếu rời đi”.
Báo Daily Mail chẳng khác gì mấy và đã từng mở chiến dịch kêu gọi đưa Anh ra khỏi EU.
Trong số báo chí ủng hộ Anh ở lại EU có báo Daily Mirror. Báo giật tít: “Đừng lao vào nơi xa lạ… Bạn hãy bỏ phiếu ở lại”. Giám đốc xuất bản Lloyd Embley viết trong thư ngỏ tố cáo chiến dịch đưa Anh rời EU đã gây chia rẽ.
Báo The Guardian đăng trên trang nhất: “Cơ hội cuối cùng để ở lại châu Âu”.
Báo Daily Telegraph trung dung hơn chỉ nêu tựa đề: “Thời khắc đã đến”. BáoTimes đánh giá “ngày đã điểm” và dẫn lời văn hào Shakespeare than vãn nước Anh đang bước vào thời kỳ bấp bênh.
Cách đây 41 năm, vào ngày 5-6-1975, Anh đã tổ chức trưng cầu ý dân để trả lời câu hỏi: “Bạn có muốn ở lại Cộng đồng Kinh tế châu Âu hay không?”. Kết quả: 67,2% muốn ở lại. Lúc đó hầu hết báo chí Anh đều kêu gọi ở lại. Lúc đó nước Anh cũng mới gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu hai năm rưỡi (ngày 1-1-1973), tức 16 năm sau khi Hiệp ước Rome về thành lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu ra đời. Anh đã hai lần xin gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu vào năm 1963 và năm 1967 nhưng đều bị Pháp bác. ___________________________________________ 52% số người được hỏi (1.592 người) ủng hộ Anh ở lại EU và 48% muốn Anh rời khỏi EU, theo thăm dò của báo Evening Standard công bố ngày 23-6. Đồng bảng Anh đã tăng giá 1,2% ngay sau khi kết quả thăm dò được công bố, đạt mức cao nhất trong sáu tháng qua. |
PH.QUỲNH/ PLO
Bình luận (0)