Nước biển ngày càng dâng cao, khai thác nước ngầm khiến đất lún mạnh, cùng với thời tiết cực đoan, kể cả bão tố và dông lốc, gây sạt lở… Nguy cơ 100 năm sau ĐBSCL biến mất không phải là chuyện đùa!
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể: Một số nhà khoa học đã dự báo 100 năm nữa có thể không còn ĐBSCL – Ảnh: XUÂN LONG
Đấy là một nỗi lo được ông Nguyễn Văn Thể, bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, nêu ra tại hội nghị chuyên đề Tổng quan về thách thức và cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL.
Ông Nguyễn Văn Thể đã nêu ra 5 vấn đề đáng lo của ĐBSCL, và cần các giải pháp nếu không trong khoảng 100 năm nữa vùng đồng bằng này có thể biến mất. Mời bạn đọc theo dõi trích tham luận này.
Nguy cơ về thiên tai
Tôi hình dung trong giai đoạn sắp tới ĐBSCL đứng trước nguy cơ lớn về thiên tai. Đó là nước biển dâng, là những cơn bão lớn, lốc xoáy sẽ đến và làm đảo lộn hết các sinh hoạt, kể cả sản xuất. Do đó người dân rất cần nhưng thông tin cảnh báo.
Giải pháp cho người dân và chính quyền là cần cung cấp cho họ dự báo kịp thời, cập nhật theo thời gian rồi cung cấp các kịch bản cho chính quyền và người dân biết một vài năm tới điều gì sẽ diễn ra ở ĐBSCL.
Cho họ biết 5-10 năm nữa hay 30 năm nữa điều gì diễn ra ở ĐBSCL để người dân cũng như chính quyền có những chính sách phát triển kinh tế – xã hội phù hợp, tạo an sinh và thích ứng tốt nhất với biến đổi khí hậu.
Hoặc nỗi lo khi dông lốc lớn đến ĐBSCL. Đây cũng là thảm cảnh hết sức nguy hiểm vì vùng này được mệnh danh là vùng hiền hòa, không có mưa bão, không có dông lốc lớn.
Nếu có các cơn bão, dông lốc cấp 10-11 tôi nghĩ hầu như các nhà cửa ở ĐBSCL sẽ hư hỏng hoàn toàn. Đây là thảm cảnh nguy hiểm, do đó chúng tôi cần các cơ quan, các bộ cảnh báo, đưa ra mô hình thích ứng.
Và ngay từ bây giờ, những khu xây dựng mới cần có mô hình nhà ở thích nghi được với biến đổi khí hậu, nếu làm tiếp nhà theo mô hình cũ, khi có những cơn bão lớn, dông lốc lớn, chắc chắn ở đây sẽ xảy ra thảm họa rất nghiêm trọng.
Vấn đề nữa là khi nước biển dâng, nước ngọt sẽ rất hạn chế và nước biển sẽ xâm nhập sâu vào trong đồng bằng, khi đó sinh kế của người dân bị đảo lộn nghiêm trọng. Người dân bao đời nay sống bằng nghề trồng lúa, nuôi cá nước ngọt, giờ chuyển qua mô hình nước lợ, nước mặn là rất khó.
Nước lợ trồng được cây gì, nuôi được con gì cũng là việc khó.
Như vậy, người dân ở đây phải luôn luôn điều chỉnh canh tác, điều chỉnh hạ tầng, vì thế rất cần phải có các chính sách ưu đãi hỗ trợ để người dân thích ứng để chuyển đổi vì họ là những người nghèo.
Nguy cơ chìm sâu trong nước biển
ĐBSCL hiện nay đang có nguy cơ chìm sâu trong nước biển. Nguyên nhân đầu tiên là do biến đổi khí hậu, tan băng làm nước biển dâng cao lên. Tiếp nữa là do khai thác nước ngầm quá mức nên một số vùng như Sóc Trăng trong 25 năm qua đã lún xuống 25cm.
Khi nước biển dâng mà mặt đất lại lún xuống, khu vực này đứng trước nguy cơ chìm dần trong nước biển. Hà Lan là quốc gia phát triển và giàu, họ có thể thích ứng được, nhưng VN không có tiềm năng kinh tế như Hà Lan, nếu không có giải pháp phù hợp thì không thể giải quyết được.
Tôi đề nghị Chính phủ cần giải quyết hai vấn đề.
Đầu tiên, để hạn chế nước biển dâng, đặc biệt lúc triều cường cao, cần có giải pháp hình thành các khu rừng ngoài biển, cản dòng nước triều, đây là giải pháp rất cần cho các tỉnh ven biển.
Nhưng vì các tỉnh ven biển đa số là tỉnh nghèo, muốn làm được thì Chính phủ cần có những chính sách và chỉ đạo để các bộ ngành hỗ trợ.
Thứ đến, để hạn chế được lún sụt đất trong khi ĐBSCL có nước mặt dồi dào cần có giải pháp hình thành các nhà máy nước mặt cung cấp nước sạch cho người dân và khuyến cáo người dân không sử dụng nước ngầm nữa, vì nếu không ngăn được ĐBSCL chìm sâu thì người dân càng khổ.
Số liệu sụt lún toàn vùng ĐBSCL và một số tỉnh trong khu vực giai đoạn 1991 – 2016 – Ảnh: Chí Quốc – Đồ họa: TẤN ĐẠT
Nguy cơ sạt lở nghiêm trọng
Vấn đề sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng. ĐBSCL là vùng đất mới, vùng đất bồi nhưng đang bị tác động dẫn tới sạt lở nghiêm trọng. Một số nhà khoa học đã dự báo 100 năm nữa có thể không còn ĐBSCL.
Nước biển dâng kết hợp với biến đổi khí hậu thì bão sẽ mạnh hơn, dông lốc mạnh hơn, sóng biển sẽ tác động đến tất cả hệ thống đê ở ĐBSCL, những chỗ đó đều xảy ra sạt lở.
Hiện nay cứ sạt lở là dẫn tới mất đất, nếu không kịp thời ngăn chặn, sạt lở có thể phá tan ĐBSCL, có thể 100-200 năm nữa không còn ĐBSCL.
Nếu không còn ĐBSCL nữa, hàng triệu người dân ở xứ này sống ở đâu, đi về đâu, làm gì để sống?
Vì thế tôi nghĩ Chính phủ dưới sự hỗ trợ của quốc tế cần đưa ra giải pháp về công trình như đê bêtông và trồng rừng.
Rồi sạt lở ở các dòng sông lớn, nước thượng nguồn cũng cạn dần, trong khi nước biển dâng lên dẫn tới mất cân bằng.
Hiện nay sạt lở các dòng sông lớn ở Đồng Tháp, An Giang đang diễn ra hết sức nghiêm trọng.
Tôi nghĩ đây là thiên tai, cần có giải pháp cứng – mềm, có thể học hỏi các giải pháp từ quốc tế để giữ được dòng sông không lở.
Dòng sông lở chúng ta cũng mất hết, biển lấn bờ chúng ta cũng mất hết, vì đều dẫn tới nguy cơ ĐBSCL không còn nữa.
Vì vậy, rất cần các bộ ngành, Chính phủ, người dân ý thức được việc này để cùng phối kết hợp.
Ô nhiễm nghiêm trọng do con người
Vấn đề ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, trong đó có nguyên nhân từ con người.
Chúng ta cho xây dựng nhà máy, khu công nghiệp nhưng cơ chế quản lý chất thải, nước thải ra sao để rác thải, nước thải không chảy ra đồng bằng.
Tôi nghĩ phải siết chặt quản lý tất cả các nhà máy, khu công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm. Phải tăng cường giám sát, giám sát chặt chẽ, giám sát tự động bằng những thiết bị tiên tiến nhất của thế giới.
Mắc cỡ nào cũng phải mua để giám sát được không khí, nguồn nước và môi trường khu vực dân cư, đảm bảo môi trường sống cho người dân.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp cần loại trừ thói quen xấu là sử dụng nhiều sản xuất vô cơ, sử dụng nhiều thuốc trừ sâu trong nuôi trồng.
Đồng thời, tham mưu cho Chính phủ từng bước giảm dần không nhập thuốc trừ sâu, chuyển sang sản xuất hữu cơ.
Lũ ngày một nhỏ
Lũ nhỏ có nhiều nguyên nhân nhưng cũng do nước từ thượng nguồn về hạn chế. Hiện nay chúng ta lệ thuộc vào nguồn nước ở thượng nguồn và hơn 10 năm nay đa số lũ thấp. Điều này đồng nghĩa mùa khô nước mặn ngập sâu vào trong đồng bằng.
Như vậy cả đồng bằng bị nhiễm mặn, sinh kế ra sao? Chúng ta chuyển đổi ven biển có thể được nhưng làm sao chuyển đổi được cả vùng đồng bằng.
Tôi đề nghị Chính phủ cần có đề tài nghiên cứu cấp quốc gia, nghiên cứu theo ven biển phía Đông, phía Tây của ĐBSCL để hình thành nên các quốc lộ rộng tới 20-30m, có chân đê rộng và trồng các thảm cây bảo vệ. Rồi ở các dòng sông lớn cần kết hợp làm các công trình thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt.
Bình luận (0)