Dưới sự xói mòn của nước biển đã "đục thủng" lỗ tạo ra tảng đá nguyên khối hình tê giác khổng lồ như đang uống nước trên biển.
Lái xe dọc theo bán đảo Vatnsnes ở phía tây bắc Iceland, du khách sẽ thấy tảng đá khổng lồ nguyên khối với phần vách đá cao chừng 15m nhô thẳng ra biển. Đó là tảng đá với tên gọi Hvítserkur mang hình dạng độc đáo.
Nhiều người cho rằng khối đá có hình khủng long, người lại nói giống con bò hoặc tê giác khổng lồ
Cấu trúc tự nhiên sừng sững giữa đại dương đã kích thích khả năng tưởng tượng của rất nhiều người. Một số người nói rằng trông giống hình khủng long khổng lồ, người lại thấy giống con bò hoặc tê giác đang uống nước trên biển.
Dưới sự xói mòn của nước biển đã "đục thủng" các lỗ trên tảng đá, tạo ra hình khối "độc nhất vô nhị". Vào buổi sáng sớm hay hoàng hôn, khi khối đá soi bóng xuống mặt nước, khoảnh khắc này rất ấn tượng thu hút du khách và giới nhiếp ảnh tới ghi hình.
Hvítserkur là khối đá tuyệt đẹp, được nhiều loài chim biển như mòng biển, chim hải âu làm tổ suốt nhiều thế kỷ. Một "kho phân" của nhiều loại chim đọng lại trên vách đá, "sơn trắng" khắp nơi, càng khiến khối đá thêm đặc biệt. Trong tiếng Iceland, "Hvítserkur" có nghĩa là "áo trắng".
Các chuyên gia cho biết, vách đá chủ yếu là đá bazan, hình thành do núi lửa phun trào. Do sự "tấn công" mạnh mẽ không bao giờ ngừng nghỉ của nước biển khiến khối đá ngày càng bị bào mòn. Cảnh quan xung quanh Hvítserkur cũng rất ấn tượng với nước biển trong xanh và bãi biển cát đen, cách đó không xa là những đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng.
Vẻ đẹp của khối đá dưới ánh hoàng hôn
Một lưu ý khi tới đây đó là, nếu du khách đến vào mùa sinh sản của chim nhạn biển khoảng tháng 6, tháng 7 hàng năm thì nên đội mũ màu đỏ. Loài chim này tuy không to lớn nhưng rất hung dữ khi bảo vệ chủ quyền của mình.
Chúng sẽ lao vào đầu du khách với tốc độ nhanh như chớp. Thậm chí không ít trường hợp bị để lại kỷ niệm khó quên là một vết sẹo trên đầu. Còn nếu đội mũ màu đỏ, thường chúng chỉ bay lởn vởn xung quanh.
Ngày nay, khối đá khổng lồ này đang có nguy cơ bị "xóa sổ". Để ngăn sự sụp đổ trong tương lai, người dân địa phương đã gia cố phần nền móng của nó bằng bê tông.
NN (theo dantri)
Bình luận (0)