Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nước mắm và truyền thông

Tạp Chí Giáo Dục

Cách nay vài tháng, Đài truyền hình Việt Nam đã tốn khá nhiều công sức để làm rõ câu chuyện “nước mắm và nước chấm” – điều mà không phải ai cũng rành rẽ. Rất tiếc, giữa nhiều đợt sóng tin tức thời sự nóng bỏng, phóng sự đó chẳng được để ý tới và rồi bị rơi vào quên lãng. Mới đây, một tờ báo lại khui chuyện này ra và người ta cũng xem lướt qua. Chuyện sẽ không trở nên đình đám nếu như không có cuộc họp báo hôm 17-10 của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) công bố kết quả kiểm nghiệm 150 mẫu nước mắm “được chọn ngẫu nhiên” tại các chợ, siêu thị cho thấy trong đó có 125 mẫu không đạt ít nhất 1 trong 5 chỉ tiêu về hóa học và có 67% (104 mẫu) không đạt chỉ tiêu về arsen – một loại á kim cực độc.

Một cơ sở sản xuất nước mắm. Ảnh minh họa. Nguồn: T. L

Khi nghe thông tin này, nhiều người đã giật mình: hóa ra mấy chục năm nay, hàng triệu người Việt Nam đã tự đưa vào miệng mình món nước mắm không thể thiếu trong mọi căn bếp gia đình, trong nhiều bữa ăn, thậm chí là “quốc hồn quốc túy” một chất… độc như vậy (?!). Bởi lẽ, ai cũng hiểu arsen (thạch tín) là nguồn cơn cho nhiều loại bệnh tật, kể cả ung thư. Vậy tại sao thông tin quan trọng như vậy không sớm công bố cho người dân biết cách đây… vài chục năm? Trên cộng đồng mạng, có người đã không tiếc lời gọi báo chí đưa tin như vậy là “truyền thông bẩn” nhằm đánh vào sản phẩm nào đó.

Sáng 19-10, mọi chuyện lại ầm ĩ hơn khi các báo đã công bố nhiều thông tin giật mình khác: Phó Tổng thư ký Vinastas thừa nhận đây là đợt khảo sát “theo chủ đề”. Nhưng điều quan trọng hơn: Có một nhà tài trợ cho đợt khảo sát này nhưng doanh nghiệp này không có sản phẩm liên quan đến đợt khảo sát và “xin không nêu tên”. Tạm gác qua một bên chuyện tài trợ của một doanh nghiệp hào phóng nào đó, chỉ chuyện Vinastas công bố lấp lửng có arsen – mà không nói rõ arsen hữu cơ, không độc như arsen vô cơ – đã khiến người tiêu dùng lo lắng, hoang mang và chuẩn bị tâm thế… tẩy chay món “quốc hồn quốc túy”.

Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 19-10, đại diện Vinastas buộc phải thừa nhận các mẫu nước mắm đã kiểm nghiệm “tuy chỉ số không đạt nhưng vẫn an toàn”! Và người ta không quên trước đó, một nhà sản xuất nước mắm công nghiệp đã nhanh tay lẹ chân có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị “thanh tra toàn diện giới hạn ô nhiễm arsen trong nước mắm”. Chừng ấy thông tin người đọc có lẽ đã đoán định được thông tin thực là như thế nào, dẫu rằng chưa “bắt tận tay day tận mặt”.

Được biết, sau “nghi án” nước mắm, một quan chức của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) đã khẳng định công bố của Vinastas là “sơ sài, vội vàng, các thông tin cơ bản chưa minh bạch”. Thậm chí, quan chức này cho biết, trước đó vào ngày 10-10 tại một hội thảo về nước mắm, Vinastas đã từng có đề nghị được công bố thông tin về nước mắm nhưng bị bác bỏ. Về phía cơ quan nhà nước, người ta không khỏi thất vọng về cách trả lời rất chung chung theo kiểu “đúng quy trình”, “luật đã quy định cụ thể” của một quan chức ngành y tế và kêu gọi người dân “bình tĩnh, khách quan” trước thông tin nước mắm có chứa arsen. Thử hỏi, người dân làm sao có đủ trình độ chuyên môn, am hiểu tận tường về chỉ số hóa lý để có đủ bình tĩnh, mà lẽ ra cơ quan chuyên môn phải là người “tuýt còi” đầu tiên, cung cấp đủ thông tin để người dân được biết. Cũng theo vị quan chức này, kết quả khảo sát của Vinastas chỉ là tham khảo, số liệu để tin cậy chính là kết quả thanh tra của cơ quan nhà nước.

Như vậy, “nghi án” về nước mắm đã phần nào sáng tỏ. Nếu căn cứ theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, tiêu chuẩn về nước mắm đã có, thậm chí được bổ sung, sửa đổi đến lần thứ 3.  Một công bố chính xác, mang đầy đủ tính pháp lý là điều mà dư luận đang chờ đợi. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, buộc các nhà sản xuất phải công khai chỉ tiêu chất lượng sản phẩm theo đúng quy định. Đồng thời, cần quy định rõ ràng thế nào là nước mắm và nước chấm, không lập lờ, để người tiêu dùng dễ dàng chọn lựa.

Qua chuyện nước mắm bẩn hay sạch mới lộ ra chuyện: Ai “bảo vệ” nước mắm và ai thực sự “bảo vệ” người tiêu dùng?

THƯ LÊ (SGGP)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)