“Mẹ bỏ sang Trung Quốc khi em mới 4 tuổi, bố đi tiếp bước nữa. Tưởng rằng mẹ kế sẽ bù đắp tình cảm cho hai anh em. Nhưng ai ngờ…”, kể đến đó nước mắt Tùng, học viên Trung tâm giáo dục lao động xã hội số 6 (Hà Nội) tuôn rơi.
Ngồi khép mình ở góc xưởng làm mỹ nghệ rộng chừng 200 m2, Tùng, cậu bé 15 tuổi người Hoà Bình nhìn ra cửa sổ. Tiếng nấc của cậu bé mới lớn khiến nhiều học viên trong xưởng ngưng tay làm việc. Các học viên cho biết, từ khi vào trung tâm, đây là lần đầu cậu bé được người ngoài vào thăm hỏi nên khó tránh khỏi xúc động.
Như đoán trước được cậu bé nghĩ gì, một người đàn ông xăm trổ đầy mình tự xưng là Hùng chạy lại vỗ về: “Không có bố, mẹ và người thân lên thăm đã có các chú, các anh ở ở đây chăm sóc…”. Vị học viên lớn tuổi này phấn khởi kể, cách đây 2 tháng, người cu cậu gầy nhẳng, giờ đã có da có thịt. Ít tuổi nhất đội nên ai cũng quý và thương.
Gần 40 sinh viên hai trường ĐH Hà Nội và Giao thông vận tải vừa tham gia hoạt động “3 cùng” tại đây. Một cán bộ trung tâm cho biết, hiện trung tâm có nhiều ngành nghề dạy cho các học viên: may, nấu ăn, vi tính văn phòng, sửa chữa ô tô xe máy và hàn. |
“Lên 9 tuổi em đã bỏ quê lên Hà Nội. Không có người thân thích, em gia nhập nhóm bụi đời dưới chân cầu Long Biên. Ngày đi lang thang hết phố này đến phố khác để hành nghề trộm cắp, tối vạ vật dưới chân cầu. Cuộc sống kéo dài đến năm 13 tuổi thì em bị bắt vào một trường giáo dưỡng ở Ninh Bình”, Tùng tâm sự.
Ra khỏi trường, cậu bé đang tuổi ăn tuổi lớn lại lao vào con cũ và bập vào “nàng tiên nâu”. Để có tiền tìm đến khói thuốc trắng, Tùng đã nhận lời tham gia bán lẻ ma tuý cùng một người đàn bà sống dưới chân cầu. Mỗi lần mua 300.000 đồng thuốc, Tùng mang giao bán với giá 600.000 đồng.
Tự nhận mình là lì lợm nhưng khi nhắc đến bố mẹ và những người thân, nước mắt Tùng tuôn rơi. Tùng kể, mẹ bỏ sang Trung Quốc khi em mới 4 tuổi. Chẳng bao lâu bố đi tiếp bước nữa. Tưởng rằng người mẹ kế sẽ bù đắp tình cảm cho hai anh em. Nhưng ai ngờ, bà ta quá hà khắc và cay nghiệt khiến hai anh em phải bỏ nhà đi.
“Trước khi vào trại, em có nghe được thông tin, ông ấy tiếp tục đi thêm bước nữa (lấy vợ thứ 3). Bán mảnh đất có khá nhiều tiền nhưng ông không lên thăm hỏi và động viên em. Nhưng dù sao ông ấy vẫn là người sinh ra đẻ em”, Tùng kể.
Ở trung tâm giáo dục lao động xã hội số 6, nhắc đến Hà đen (Gia Lâm) ai cũng biết. Thuộc thế hệ 9X nhưng chàng thanh niên mới lớn này cũng dính đến “nàng tiên nâu” khi mới bước sang tuổi 15.
Nay, Hà đã 18 tuổi. Nước da bánh mật, bộ ria mép lộ rõ trên mặt cùng những tháng ngày “gặm nhấm” phút nông nổi của mình ở ngoài xã hội, trông Hà già hơn so với tuổi.
Gần hết thời gian cải tạo, mong muốn lớn nhất của chàng thanh niên người Hà Nội hiện nay là cố gắng cải tạo thật tốt để quay về phụng dưỡng người bà đã bước sang tuổi 90. “Giờ chỉ có bà nội là nguồn động lực lớn nhất để em phấn đấu. Chỉ sợ khi bà mất mà em không về kịp”, giọng học viên Hà trùng xuống, đôi mắt đỏ hoe.
Kể về con đường đến với “nàng tiên nâu”, Hà cho biết, hoàn cảnh gia đình nghèo khó, mẹ bỏ gia đình khi Hà mới 4 tuổi trong khi bố bệnh tật ốm đau. Phần do thương bố, phần vì bạn bè chế nhạo, lên lớp 7 Hà đã quyết định bỏ học đi làm lấy tiền mua thuốc chữa trị bệnh cho bố.
“15 tuổi bố mất. Kể từ đó, em không còn hứng thú với công việc, lao vào con đường ma túy mỗi khi buồn. Hay tin em mắc nghiện, bà nội em nhiều đêm đã khóc dòng” Hà kể.
Nếu những ngày đầu mới lên trung tâm, Hà hận các chú công an bao nhiêu thì nay lại thầm cảm ơn họ bấy nhiêu. “Đến nay em đã lấy lại được hi vọng. Em dự tính, nhà có sẵn cửa hàng mặt phố sau này sẽ đi học nghề sửa xe máy”, mắt Hà lấp lánh.
Một cán bộ ở trung tâm 6 chia sẻ, những người mắc nghiện rất đáng trách nhưng cũng rất đáng thương. Có những học viên, 2 năm lên đây cải tạo chẳng có người thân lên thăm hỏi. “Họ lầm lũi vào rồi ra. Có người tháng trước vừa ra, tháng sau lại có mặt làm thủ tục nhập phòng. Trong số này, có nhiều công dân thuộc thế hệ 9X…”.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Phí Anh Hoàng, trưởng phòng quản lý giáo dục trung tâm giáo dục xã hội số 6 cho biết, trung tâm có hơn 1.200 học viên, mỗi người đều có những hoàn cảnh: vợ chồng bỏ nhau, đua đòi bạn bè, bế tắc gia đình… Nhiều người là cán bộ công sở, sinh viên các trường Đại học, cao đẳng. Thậm chí có những người có 2 bằng đại học như Hường ở đội 4, Vũ ở đội 4, Tâm ở đội 2…
Ông Hoàng cho rằng, giáo dục những con người dính vào ma túy khá vất vả. Hơn 100 cán bộ trong trung tâm phải dùng tình cảm quản lý, đặc biệt với những học viên trẻ.
Tuấn Anh (theo VnExpress)
Bình luận (0)