Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nước mắt mồ côi trong “ngôi nhà ma”

Tạp Chí Giáo Dục

Trên con đường đất mịn màng trải dài thẳng tắp giữa bản Na Ngum (Thanh Yên, Điện Biên) có một ngôi nhà hai tầng cũ kỹ, bị đồn thổi là “ngôi nhà ma”. Ở đó có ba đứa trẻ mồ côi tội nghiệp tự nuôi nhau đã gần 10 năm nay.
Ngôi nhà vốn được xây nên từ những đồng tiền vận chuyển ma tuý của nguời cha. Ông ta bị bắt, toà xử tử hình. Hơn 3 năm sau, người mẹ túng quẫn, “đánh liều” một lần đi theo “vết xe đổ” của chồng. Bà bị bắt đi tù, cải tạo ở tận Trại giam Thanh Xuân (Hà Nội). Từ đó đến nay, ba đứa trẻ trở thành mồ côi. Chúng tự nuôi nhau đã gần 10 năm nay và đã có lúc bị lãng quên trong “ngôi nhà ma”, giữa “bản không chồng”…
“Bản không chồng” giữa đại ngàn 

Cánh đồng lúa đang mùa gặt trước bản Na Ngum.
 
Chập choạng tối, cả “bản không chồng” bắt đầu le lói ánh đèn. Cánh đồng trước bản, lúa đang ngả màu vàng ruộm. Tìm mỏi mắt không kiếm ra một người đàn ông nào trên cánh đồng ấy. Chỉ có những người phụ nữ nhỏ bé, lúi húi cắt, bó, gánh những đụn lúa, chất đầy lên chiếc xe công nông đỗ ở đầu bờ ruộng. Khi xe lúa đầy rồi, lại đích thân những người đàn bà ấy trở thành “tổ lái”, vận chuyển lúa về. 
Ở Na Ngum, cả bản có chưa đầy 100 nóc nhà, nhưng đã có gần 100 người (chủ yếu là đàn ông) bị bắt vì dính đến ma tuý. Gần chục năm nay, người ngoài bản cũng “vin” vào đó mà “gán” cho Na Ngum cái biệt danh là “bản không chồng”.
 Trưởng bản Lò Văn Dịch là một trong những người đàn ông “trong sạch” hiếm hoi của bản. Mới “lên chức” chưa được hai năm nhưng ông đã tận mắt chứng kiến nhiều “cái chết trắng”. Ma tuý cướp đi sự thanh bình vốn có của Na Ngum, lấy đi niềm hạnh phúc rạng ngời trong ánh mắt của trẻ thơ Na Ngum, thiêu đốt bao nhiêu xuân thì của người phụ nữ Na Ngum. Ông đếm nhẩm những gia đình tan nát vì ma tuý ở Na Ngum, cha mẹ bị tử hình, hoặc bị chết vì ma tuý… chỉ còn lại những đứa trẻ bơ vơ giữa bản. Chúng được những người họ hàng nuôi lớn, đứa tử tế, thành người cũng có; đứa chết vì ma tuý, HIV cũng nhiều… 
Lò Thị Duyên, 22 tuổi, làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Na Ngum hơn nửa năm nay. Có điều rất lạ là khi hỏi đến bất cứ chuyện gì liên quan đến công tác phong trào, cô đều bỡ ngỡ… Duyên giải thích: “Em mới nhận nhiệm vụ hồi tháng 10/2008, đang loay hoay chưa  biết nên triển khai công tác hội như thế nào. Chị em phụ nữ ở đây có hoàn cảnh đặc biệt hơn các địa phương khác, nên cũng khó lắm. Bản thân bà Chi hội trưởng cũ vừa bị bắt đi thi hành án ma túy nên càng khó khăn hơn trong việc tuyên truyền, vận động “nói không với ma túy””. 
Tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu một số hoàn cảnh đặc biệt, hoặc những đứa trẻ mồ côi cha mẹ vì ma túy… nhưng không hiểu sao, Duyên lại lắc đầu, xua tay từ chối một cách thẳng thừng: “Chị nên đi một mình, chứ đừng kéo em vào cuộc, sau này khó cho em lắm”. Bản Na Ngum có hàng chục, thậm chí hàng trăm người đàn ông bị bắt, tử hình hoặc đang thụ án, liên quan đến ma túy. Duyên tính nhẩm trong giây lát, cũng có đến hơn 10 chị em phụ nữ của bản Na Ngum bị “dính chàm” do chồng, con họ đã mang mầm họa về nhà. 
Sự tích “ngôi nhà ma”
 Ở Na Ngum, không mấy người biết trong ngôi nhà hai tầng có vẻ ngoài hoang tàn lại là nơi sinh sống của ba chị em mồ côi cha, mẹ đang thụ án tù vì ma túy. Chủ nhân của ngôi nhà ấy là cô gái có tên Vì Thị Tinh vừa tròn 20 tuổi, cáng đáng nuôi hai người em trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Hồi Tinh còn là một cô bé mới bước vào năm cuối tiểu học thì bố bị bắt vì ma túy. Cô bé không hiểu nhiều về ma túy, càng không hiểu vì sao cha mình lại biến mất vĩnh viễn trên đời. 
Tinh kể: “Hôm đó em đi học về, thấy mẹ đang khóc thảm thiết. Vài ngày sau mẹ bảo: “Cha con bị bắt vì vận chuyển ma túy cho người chủ khác”. Lúc đó em nghĩ, rồi cha cũng sẽ về. Vài tháng sau, mẹ khuân hết đồ đạc trong nhà đem đi bán tháo. Em thắc mắc, mẹ chỉ giải thích: “Cha bị ốm trong tù, bán đi để chữa bệnh cho cha”. Nhà có vài sào ruộng, mẹ cũng phải cắn răng bán hết. 
Một thời gian sau, mẹ nói: “Cha của các con đã chết”. Lúc đó đứa em gái út của em mới được 3 – 4 tuổi, em trai kế đang học tiểu học. Mẹ một mình nuôi ba đứa con, cuộc sống rất khó khăn nhưng nhất định mẹ không cho các con bỏ học. Em lên lớp 8 thì đứa em út cũng bắt đầu đi học. Nhà quá nghèo, không còn gạo ăn, mùa đông cũng không có đủ chăn ấm đắp cho các con… đêm đêm em thấy mẹ ngồi như tượng ở đầu giường, giàn giụa nước mắt. 
Cô chị cả Vì Thị Tinh trong ngôi nhà thiếu vắng hơi cha mẹ gần 10 năm nay. 
Một sáng mẹ gọi em ra góc vườn dặn dò: “Chăm sóc các em thật cẩn thận, dù có chuyện gì xảy ra đi nữa thì con phải thay mẹ chăm sóc các em. Mẹ đi chợ đây…”. Rồi mẹ đi theo một người đàn ông lạ. Chưa đầy 3 ngày sau, em nghe tin mẹ bị công an bắt vì vận chuyển ma túy thuê cho một người bạn của cha”. 
Tinh vừa kể vừa khóc. Cô chẳng khóc được thành tiếng, mà nước mắt cứ tràn ra không cách nào ngăn được. Mẹ bị bắt lúc Tinh đang học lớp 9, các em cô cũng đang đi học. Cuộc sống của ba đứa trẻ khó khăn có lẽ ngoài sức tưởng tượng của người cha, người mẹ. Tinh kể: “Bị bạn bè xa lánh vì cả cha lẫn mẹ đều gây tội lớn, có lúc em đã nghĩ đến chuyện bỏ học hẳn ở nhà kiếm tiền nuôi hai đứa em. 
Nhưng nghĩ đến những đêm trắng của mẹ, nghĩ đến những bữa cơm đạm bạc mà mẹ cố gắng dành dụm nuôi các con mình. Bữa ăn mẹ luôn âu yếm ngồi nhìn các con, còn mình thì nhịn đói… em hiểu mẹ đã làm liều vì quẫn bách. Mẹ định đi một lần để “kiếm cơm” cho các con thôi. Nghĩ đến lời dặn dò của mẹ khi ra đi, em đã cố gắng đi học tiếp và dặn các em tuyệt đối không được nghỉ học. Những đứa em khóc đòi mẹ, em nói dối chúng nó là mẹ đi làm xa kiếm tiền nuôi chị em mình”. 
“Mẹ bị xử hơn 10 năm tù giam, cải tạo ở tận Trại giam Thanh Xuân – Hà Nội. Ở nhà còn lại ba chị em côi cút, họ hàng đều nghèo khổ cả. Ông nội em nghèo, nên sự giúp đỡ cũng hạn hẹp. Chúng em sống khép mình, toàn đi cửa sau, nên ngôi nhà trở nên vắng vẻ như không có người ở. Năm em tốt nghiệp cấp 3, được ông nội cho xuống Hà Nội thăm mẹ một lần. Lần đó em không nhận ra mẹ, vẻ ngoài của mẹ thay đổi quá nhiều, gầy đi quá nhiều. Mẹ cũng không nhận ra em ngay mà phải một lát sau mới dám nhận. Trông thấy nhau, hai mẹ con đứng ngây ra một lúc rồi nước mắt tuôn như suối…
 Em và mẹ không nói chuyện được mà chỉ khóc cho hết một giờ thăm. Thời gian xa cách dài bao nhiêu năm, đến khi gặp nhau trong non một giờ đồng hồ thì làm sao kể được chuyện gì? Em mới được gặp mẹ một lần, tính ra cũng đã gần 7 năm rồi chị ạ. Chúng em muốn được gặp mẹ lắm nhưng tiền ăn còn không đủ thì làm gì có tiền để xuống tận Hà Nội thăm mẹ”. 
Mầm xanh giữa tro tàn 
Tôi quặn lòng khi động đến nỗi đau của Tinh. Cô gái Thái 20 tuổi còn trẻ măng vừa phải làm mẹ, vừa làm cha, làm chị của hai đứa em thơ dại… Ba chị em cô sống trong ngôi nhà vắng lạnh, không có bất cứ thứ tài sản nào đáng giá. Tinh ước có tiền mua vài con gà về làm giống… gây thành đàn gà để thỉnh thoảng thịt cho các em cải thiện. Nhưng đó mới chỉ là giấc mơ của Tinh. Hiện tại cô vẫn phải động viên các em học xong phổ thông, sau đó kiếm thêm một thứ nghề để kiếm sống. 
Em gái Vì Thị Nga 11 tuổi tự chăm sóc bản thân mình. 
Nhà ông nội Tinh có một ao cá, theo quy định một tuần em trai cô sẽ sang đó câu cá để cải thiện bữa ăn. Đó là thứ chất đạm duy nhất để duy trì sức khỏe cho ba chị em. Lắm lúc nhà hết gạo,  nghe ngóng thấy tình hình nhà ông nội cũng khó khăn, ba chị em Tinh lại cầm hơi bằng cách uống nước canh nấu với rau dại hái ở rìa đường. 
Mùa lúa chiêm năm ngoái, cả họ xúm vào góp tiền chuộc lại đám ruộng mẹ Tinh đã bán trước khi bị bắt. Có ruộng, Tinh đổi công cho hàng xóm rồi sớm chiều làm lụng, hy vọng sớm vượt qua những cơn đói triền miên. Tinh học lực rất khá nhưng không dám nghĩ đến chuyện thi đại học. 
Em trai Tinh năm nay thi tốt nghiệp THPT, còn em gái út học lớp 6. Tinh sụt sùi kể: “Em hứa với em trai rằng, nếu thi đỗ với số điểm cao, chị sẽ thưởng cho một chuyến đi Hà Nội thăm mẹ. Nhưng đó mới chỉ là lời hứa mà em biết chắc chắn rằng mình sẽ không thể thực hiện được. Tiền đâu để mua vé xe xuống Hà Nội bây giờ hả chị?”. Nói đến đây, Tinh lại khóc òa lên. 
Tôi trở về Thủ đô, ám ảnh mãi về “ngôi nhà ma”, cái tổ ấm của ba chị em mồ côi chẳng chút tội tình. Tôi day dứt khi nhớ lại những lời của Tinh: “Chúng em không có tội, chúng em chỉ muốn được như bạn bè cùng trang lứa, có cơm bỏ vào bụng, có cha mẹ đỡ đần, dạy bảo… Nhưng giờ đã mất tất cả những thứ đó, lẽ nào chúng em không được sống bình đẳng trong xã hội? Tại sao chúng em lại bị bỏ quên ngay ở quê hương bản quán của mình?”. 
Hỏi ra mới biết, Tinh chưa bao giờ nhận được bất cứ món quà nào từ các đoàn thể địa phương, ngoại trừ Tết Nguyên đán năm 2009, chị em cô được hưởng 200.000 đồng tiền Chính phủ cho người nghèo ăn Tết. 
Nhớ lại buổi trò chuyện lúc sẩm tối với ba đứa trẻ mồ côi trong ngôi nhà vắng vẻ ấy, tôi thầm ngưỡng mộ bản lĩnh của chúng. Bằng nghị lực phi thường nào mà chúng có thể vượt qua gần 10 năm dài lay lắt đói ăn, thiếu mặc, chịu sự ghẻ lạnh của người đời, để tiếp tục đến trường, quyết tâm không bỏ cái chữ? 
Theo Thu Hoài
 Gia đình và Xã hội

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)