Vừa qua, tôi có dịp ghé thăm bà Đặng Thị Tám 78 tuổi, hiện ở phường Cẩm Châu – thành phố Hội An, nguyên cán bộ lao động – thương binh & xã hội xã Hòa Phong (Krông Bông – Đắk Lắk). Trong ngôi nhà tình nghĩa, bà Tám trầm ngâm nhìn lên bàn thờ mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị An, bên cạnh đó là 2 tấm bằng Tổ quốc ghi công thay cho di ảnh của 2 người anh trai, trong khói hương nghi ngút bà hồi tưởng những chuyện buồn, vui trong cuộc đời của một nữ cựu tù chính trị Côn Đảo.
Bà Đặng Thị Tám cùng em trai Đặng Minh Tuấn – 2 cựu tù Côn Đảo, một trong những lần gặp lại sau Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước
Sinh ra trong một gia đình có 8 anh chị em, trong đó có 6 người tham gia cách mạng (2 người chị gái hy sinh trong chống Pháp chưa tìm được hài cốt và 2 người anh trai là liệt sĩ thời kỳ chống Mỹ).
Năm 1964, mặc dù lúc đó hai anh trai của bà đang thoát ly, thế nhưng trước sự leo thang chiến tranh của Mỹ, người thiếu nữ tuổi đời mới đôi mươi tạm gác chuyện tình riêng, cùng với người em trai là Đặng Minh Tuấn bí mật tham gia hoạt động cơ sở tại nội thành Hội An.
Năm 1967, cơ sở bị lộ, đồng chí Trương Minh Lượng Phó Bí thư Thị ủy Hội An người trực tiếp chỉ huy hy sinh, cả 2 chị em bà đều bị địch bắt giam ở nhà lao Hội An. Tại đây, địch dùng cực hình tra tấn dã man nhưng không moi được thông tin gì ở 2 chị em, buộc chúng phải trả tự do cho bà, riêng ông Đặng Minh Tuấn bị đày ra Côn Đảo…
Ra tù bà nhận được hung tin người yêu thuở đầu đời hy sinh, biến đau thương thành hành động cách mạng, bà Tám chuyên tâm công tác hoàn thành tốt nhiệm vụ và được kết nạp vào Đảng 20-11-1969; vừa kết nạp chưa được bao lâu thì bà bị địch bắt lần thứ hai và đày ra Côn Đảo ngày 25-12-1969.
Do biết bà là đảng viên, nên từ lúc đưa lên boong tàu cho đến lúc ra ngoài Côn Đảo bà không tránh khỏi những trận đòn roi, đến nơi địch giam bà ở khu biệt lập Trại 2, thường xuyên bị tra tấn dã man, khi thì bị đổ nước xà phòng vào bụng, khi thì bị dùng điện dí vào đầu vú, vào bộ phận sinh dục… những lúc bị ngất, chúng dội nước cho tỉnh lại, rồi tiếp tục tra khảo. Hơn 1.500 ngày trong ngục tù, không giường, không màn, không hố vệ sinh, mùa hè trời nóng bức như thiêu đốt, ban đêm gió thổi từ biển vào lạnh buốt thấu xương, nhưng mọi đòn thù tra tấn không thể khuất phục được lòng trung kiên của người đảng viên Cộng sản, biết không khai thác được gì ở bà, ngoài giờ đi lao động khổ sai, chiều về chúng đưa vào phòng biệt giam, cho mãi đến tháng 2-1974 bà mới được trao trả ở Lộc Ninh (Tây Ninh).
Một hạnh phúc lớn lao đối với nữ cựu tù chính trị Côn Đảo Đặng Thị Tám, người em trai của bà là ông Đặng Minh Tuấn sau gần 5 năm bị biệt giam ở chuồng cọp, cũng được trở về đất liền trong đợt này.
Bà Tám kể lại: Do bà bị bắt đưa ra Côn Đảo sau ông Tuấn 20 tháng, nên những ngày 2 chị em ở chung trong một nhà tù, thậm chí có thời gian cùng ở chung Trại số 2, nhưng cả 2 đều không hề hay biết tin nhau, mãi đến ngày trao trả hai chị em ngỡ ngàng nhìn nhau trong nước mắt…
Trong suốt thời gian tù đày, không một đòn thù tra tấn nào mà bà chưa nếm trải, nhưng bà vẫn giữ được khí tiết, nên sau khi trao trả bà được phục hồi Đảng tịch và chuyển công tác đến đơn vị mới, thế rồi chiến tranh bước vào giai đoạn quyết liệt bà lại tiếp tục chiến đấu, cho đến tháng 9-1975 bà mới có dịp trở về gặp mẹ, thăm chị, thăm em.
Nhưng sự thật đau lòng, do biến cố xảy ra liên tiếp đối với gia đình bà, tháng 9-1966 anh trai hy sinh; tháng 3-1968 và tháng 12-1969 hai chị em bà bị bắt đày đi biệt xứ; tháng 2-1970 người anh trai thứ tư hy sinh, người mẹ già vì quá đau buồn thương nhớ con nên bị rối loạn tâm thần, lúc tỉnh lúc mê, ngày sum họp ngồi trước mặt con trai còn lại duy nhất là ông Đặng Minh Tuấn nhưng người mẹ già ấy vẫn hỏi “Thằng Chín đâu rồi”, “Con Tám đi đâu mà không chịu về thăm má”, lẽ ra ngày đoàn tụ sẽ tràn ngập tiếng cười nhưng thay vào đó là những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt gầy guộc của bà…
Do những tháng năm tù đày bị tra tấn dã man nên bà Tám không còn khả năng làm mẹ, trước hoàn cảnh trớ trêu bà quyết định báo cáo với tổ chức xin thôi việc để gần gũi chăm sóc mẹ già.
Để có điều kiện mưu sinh và chăm sóc mẹ già, gia đình bà đăng ký đi xây dựng kinh tế mới ở xã Hòa Phong (Krông Bông), mặc dù đã chạy chữa nhiều nơi nhưng chứng bệnh tâm thần phân liệt của mẹ không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng hơn… Năm 1992, thể theo nguyện vọng của bà, Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An cấp cho bà một lô đất ở phường Cẩm Châu để bà đưa mẹ về chăm sóc, đến năm 1999 thì mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị An qua đời…
Với 78 tuổi đời, 51 năm tuổi Đảng, người nữ cựu tù Côn Đảo Đặng Thị Tám năm nào bây giờ vẫn đi về một bóng, mỗi khi có các cháu gọi bằng dì, bằng cô sang thăm là niềm an ủi duy nhất đối với bà.
Qua từng năm tháng, vết bụi thời gian có thể xóa mờ đi hồi ức đau thương, nhưng đối với bà Tám những ngày được sống cùng đồng đội, đồng chí, đấu tranh chống lại chế độ hà khắc trong “địa ngục trần gian” Côn Đảo vẫn mãi mãi không phai mờ. Chia tay ra về, bà Tám còn nhắc lại những ca từ “bởi chiến tranh đâu phải trò đùa” trong bài hát “Mùa xuân” của Phạm Minh Tuấn mà lòng tôi se thắt, cầu mong bà luôn được sống vui, sống khỏe lúc tuổi hoàng hôn.
Mai Viết Tăng
Bình luận (0)