Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nước mắt ngày về!

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều tối 5-5, 34 ngư dân của xã nghèo Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã được tàu cứu hộ cứu nạn SAR 412 thuộc Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Trung tâm II), đưa về cập cảng an toàn sau 2 ngày bị tàu lạ đâm chìm cận kề cái chết trên biển. Giọt nước mắt ngày hội ngộ người thân trong mừng vui khó tả…

Những ngư dân bị chìm tàu được đưa vào đất liền

1. Tin con tàu mang số hiệu Qna 95959 TS bị đâm chìm trên vùng biển có tọa độ 19 độ vĩ Bắc – 114 độ kinh Đông, phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 370 hải lý với 34 ngư dân làm nghề câu mực của xã Bình Minh lênh đênh mặt biển đối mặt với cái chết cận kề khiến dư luận xót xa và căm phẫn. Nhiều người giật mình nhớ về một vùng biển bãi ngang nghèo khó đã từng mất đi hàng chục ngư phủ trong trận bão Chanchu 2006, tang thương phủ trắng đường quê. Sự mất mát kéo theo nỗi khó nghèo khi trong mỗi gia đình vắng đi người đàn ông trụ cột vẫn hiện diện đâu đó trong mỗi ngôi nhà góa phụ hôm nay.

Mặc dù được thông báo đến cuối giờ chiều tàu cứu nạn mới cập cảng đưa 34 ngư dân trở về đất liền nhưng nhiều người thân trong gia đình các ngư dân đã có mặt tại cầu cảng Đà Nẵng từ sáng sớm. Tiếng còi tàu cứu nạn xé vang bầu không khí nặng nề ở cầu cảng lúc hoàng hôn sắp sà xuống mặt sông. Bà Bùi Thị Luận, vợ của thuyền trưởng Phạm Phú Thành sau nhiều lần liên tục ngất xỉu kịp đứng lên ngóng về phía boong tàu được giây lát để tìm chồng, con trai rồi lại ngất trên tay những người dìu bên cạnh. Bà Luận nghẹn ngào: “Chiếc tàu là cả gia sản của gia đình và là kế mưu sinh của anh em bạn thuyền. Chừ công hai tháng ròng mất trắng, tàu chìm đáy biển. May mà chồng con còn về được dù chưa biết ngày mai sống ra sao…”. Ngồi cạnh bà Luận, bà Nguyễn Thị Tấm (70 tuổi), mẹ của ngư dân Nguyễn Văn Thành, tóc bạc trắng, nước mắt chảy dài trên gương mặt nhăn nheo, hằn in nỗi vất vả. “Nghe tin con bị nạn, tui xin bà con đi cùng ra đây. Hai đêm rồi thức trắng chờ tin con. Vợ nó ở nhà thì bụng mang dạ chửa, lại thêm con nhỏ. Nó đi hai tháng rồi, chừ về tay trắng, không biết sống ra sao”.

Giây phút người thân gặp lại người thân thật hạnh phúc khó tả. Nhưng ngày mai, trên đôi vai của họ, gánh nặng áo cơm là nỗi ám ảnh khi con tàu mang theo cả gia sản hai tháng trời bươn chải chìm sâu đáy biển…

2. Những ngư dân lần lượt được dìu lên bến cảng, trong nỗi hoảng loạn và kiệt sức. Giây phút hội ngộ trùng phùng trong nước mắt với những cái ôm thật chặt. Thuyền trưởng Phạm Phú Thành nắm chặt tay vợ vừa nói: “Mấy năm trước, vợ chồng tui chủ yếu đi làm thuê. Gần 5 năm nay, tui đánh liều vay tiền mua lại chiếc tàu này để tiện làm phương tiện mưu sinh. Thú thật, tiền mua tàu chỉ mới trả được một nửa. Chuyến đi này là chuyến đi đầu tiên của năm 2016, hơn hai tháng lênh đênh trên biển, anh em câu được 30 tấn mực khô. Thấy được mùa, anh em bàn nhau nán lại thêm thời gian nữa để kiếm chút ít chi phí sinh hoạt, ăn học cho con cái, ai ngờ…”, ông Thành nghèn nghẹn. Trong đôi mắt người thuyền trưởng nhiều năm lênh đênh trên biển, đối mặt với bao hiểm nguy thiên tai bão gió, dường như chưa có nỗi hoang hoải nào sâu giống ngày hôm nay. Ông Thành kể lại: “Lúc đó trên thuyền chỉ có 3 người, 31 anh em còn lại đã xuống thúng câu mực các khu vực xung quanh. Tui cùng con trai là Phạm Phú Nhân và anh Võ Thanh Trung đang ngủ thì nghe tiếng va đập mạnh, tàu chao đảo. Chưa đầy 10 phút thì tàu đã ngập đầy nước. Chỉ kịp gọi các thúng câu trở về và cầu cứu các tàu bạn gần đó. Tui bảo Nhân, Trung mặc áo phao, ôm ca nhựa rỗng làm vật nổi sẵn sàng bỏ tàu”. “Cả đời theo nghề biển, chưa có khi mô gặp nạn khốn khổ như ri. Thà bão lũ thì chịu đã đành, đằng ni biển lặng mà bị tàu khác đâm chìm thấy ức lắm. May có anh em đánh bắt gần đó cứu vớt trước khi tàu cứu nạn ở đất liền ra kịp”, ông Thành bần thần kể lại.

3. Ngay sau khi cập cảng Đà Nẵng, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, huyện Thăng Bình và xã Bình Minh đã có mặt để động viên và hỗ trợ ngư dân, đồng thời đưa xe đón ngư dân trở về quê. Giây phút người thân gặp lại người thân thật hạnh phúc khó tả. Nhưng ngày mai, trên đôi vai của họ, gánh nặng áo cơm là nỗi ám ảnh khi con tàu mang theo cả gia sản hai tháng trời bươn chải chìm sâu đáy biển…

Nỗi đau ấy không riêng của 34 ngư dân Bình Minh. Trước đó vào đầu tháng 1-2016, tàu cá của ông Võ Thanh Tánh mang số hiệu QT 90707 TS, cùng với 3 tàu khác trong đội tàu ở thị trấn Cửa Việt (Quảng Trị) đã bị tàu nước ngoài phá hoại trên biển Đông, tại vùng đánh cá chung cách đảo Cồn Cỏ 20 hải lý. Tiếp đó vào trung tuần tháng 3-2016, tàu cá của ông Nguyễn Công Thành (46 tuổi), trú tại khu phố 6, thị trấn Cửa Việt đang hành nghề lưới rê bùng nhùng cách đảo Cồn Cỏ 25 hải lý về phía Đông Nam thì bị 3 tàu vỏ gỗ mang ký hiệu nước ngoài rê neo phá rách 18 tấm lưới…

Bài, ảnh: Hàn Giang 

Bình luận (0)