Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nước mắt người bán đào muộn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Gò lưng trên chiếc xe đạp cũ mèm, chất xung quanh là mấy chục cành bích đào, đào phai đến khu vực Chợ Mơ đem bán, chị Thanh, một nông dân ở làng hoa đào La Cả (Hà Đông) bảo rằng, năm nay vườn đào nhà mình thất thu.

Gò lưng trên chiếc xe đạp cũ mèm, chất xung quanh là mấy chục cành bích đào. Ảnh: Trung Hiền (TTXVN)
Trò chuyện với vị khách đi đường hiếu kỳ, chị Thanh kể ở La Cả năm nay chẳng mấy ai còn đất để trồng đào. Bởi lẽ đó, chị cùng nhiều nông dân phải sang các xã khác trong vùng thuê ruộng.
Làm việc quần quật quanh năm trên cánh đồng quê người, những nông dân ở La Cả chỉ mong vườn đào của mình cho một mùa thu hoạch đầu tiên nơi “đất khách” được suôn sẻ. Thế mà, đợt rét đậm kéo dài cuối năm Canh Dần đã làm tiêu tan hy vọng của họ. Những cành đào mơn mởn đã bị “điếc,” nụ không thể nở thành hoa đúng dịp xuân về.
Còn nhớ dịp cuối năm Kỷ Sửu (2009), tiết trời nắng nóng nên những cây đào nở toe toét, khiến người dân phải tỉa từng cánh hoa rồi cắt cành đem bán. Bởi vậy, năm 2010 nhiều nông dân… rút kinh nghiệm, tuốt lá đào muộn hơn một chút thì thời tiết lại rét đậm kéo dài.
Vườn đào nhà chị Thanh có khoảng 500 gốc đào cành thì có đến 350 gốc không thể đem bán dịp Tết vì nụ không kịp nở. “Năm vừa qua, một vườn đào có khoảng 60%-70% cây không nở hoa là chuyện bình thường,” chị nói.
Hoa đào không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, thì việc tăng giá hồi cận Tết Tân Mão cũng là chuyện đương nhiên. Khi ấy, người trồng đào lại được một phen tiếc hùi hụi vì không có hoa đem bán.
“Nhìn người ta cắt đào đem bán với giá cao mà xót ruột chú ạ! Ăn Tết cũng không thấy ngon vì tiếc của,” chị Thanh buồn bã.
Còn bây giờ, trên chiếc xe nặng nề vì gió cản, những cành đào của chị Thanh đem bán may ra thì được 40.000 đồng – 50.000 đồng/cành. Số tiền này không đủ cho việc mua cây gốc, phân gio chứ nói gì đến công sá chăm bẵm của cả năm trời.
Bà Đỗ Thị Mai Lan, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Nhật Tân thì cho hay, diện tích hoa đào… đang nở của đất trồng đào nổi tiếng xứ Bắc này còn khoảng trên 10ha (trên tổng số 35ha). Đợt rét vừa qua, nhiều gia đình quây kín vườn đào bằng nilon, thắp bóng điện để sưởi nhưng hiệu quả không cao, trong khi chi phí lại lớn.
“Hiện, nhiều nông dân ở Nhật Tân vẫn đang đi bán đào để vớt vát vốn liếng đã đầu tư. Thôi thì được đến đâu, hay đến đó,” bà Lan tiếp lời.
Theo quan sát của phóng viên, tại một đoạn đường ngắn trên phố Lê Duẩn, chỉ độ vài chục mét đã có tới 5 người bán hoa đào di động. Chị Nguyễn Thị Sáu (38 tuổi, ở Tứ Liên, Tây Hồ) cho hay những cành bích đào trên xe của mình hiện tại được bán với giá 50.000 đồng/cành.
“Nếu những cành đào này nở đúng vào dịp Tết, thì giá của nó sẽ từ 500.000 đồng-700.000 đồng/cành,” chị Sáu nói.
Chị Sáu cho hay, nhiều vườn đào ở Tứ Liên chỉ nở được độ 40%, số còn lại đều nở sau Tết. Riêng nhà chị trồng được 800 cành thì cũng có đến 1 nửa phải bán “vét” sau Tết.
Công việc bán hoa đào vét của chị Thanh và chị Sáu được bắt đầu từ Mồng 4 Tết. Mỗi ngày, họ bán được trên 60 cành đào. Việc bán hoa đào này sẽ được kết thúc sau rằm tháng Giêng và số đào ế sẽ được… làm củi.
Theo chị Sáu, trong mấy ngày bán hoa đào vừa qua, ngày bán được nhiều nhất là ngày 8 – 2 (tức 6/1 Âm lịch). Đây cũng là ngày công sở bắt đầu đi làm trở lại, thấy nguồn cung rẻ, nên nhiều người mua về bày biện trong phòng làm việc cho… có sắc xuân. Đến ngày 9 – 2, việc mua hoa đào đã có phần chững lại.
Chị Nguyễn Thị Chinh, (45 tuổi, ở Phú Thượng, Tây Hồ) thì kể, khách hàng mua hoa đào sau Tết cũng khá đa dạng về tuổi tác, giới tính. “Đa phần họ thấy rẻ thì mua về bày chơi thôi,” chị nói. Cũng theo những người nông dân này, họ chỉ đem đào cành đi bán, còn những cây đào thế sẽ được cắt tỉa cành nhỏ, đem bán “mớ” cho khách để về cắm trong lọ.
Tuy nhiên, do giá quá rẻ nên một số chủ vườn có điều kiện kinh tế không cắt cành đem bán để cây đào năm sau có tán rộng hơn.
Theo Trung Hiền
Thông Tấn Xã Việt Nam

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)