Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nước mắt người mẹ!

Tạp Chí Giáo Dục

Suốt thời gian qua, bà Vũ Thị Thi (mẹ của tử tù Vũ Văn Tiến – đồng phạm gây ra vụ thảm sát ở Bình Phước) đã đi khắp nơi xin chữ ký của người dân để mong con mình được giảm án. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 18-7, gương mặt khắc khổ ấy lại càng đau đớn hơn khi án tử vẫn giữ nguyên cho Tiến.

Bà Vũ Thị Thi được người nhà dìu đi sau phiên tòa phúc thẩm ngày 18-7

Dấu lặng giữa một phiên tòa

Ngày 18-7, phiên tòa phúc thẩm xét kháng cáo của các bị cáo trong vụ thảm sát 6 người trong gia đình tại Bình Phước đã diễn ra tại TP.HCM. Hội đồng xét xử TAND cấp cao tại TP.HCM đã ra tuyên án, bác toàn bộ kháng cáo của hai bị cáo Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại, giữ nguyên bản án tử hình với Tiến và 16 năm tù với Thoại về hai tội giết người, cướp tài sản.

Trước giờ xử án, gia đình của Vũ Văn Tiến có mặt ở tòa từ rất sớm. Hình ảnh mẹ và chị gái của Tiến quỳ lạy người nhà bà Nguyễn Lê Thị Ánh Nga (một nạn nhân trong vụ thảm sát ở Bình Phước) tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến nhiều người cảm thông, thương xót. Vụ án thảm sát Bình Phước khép lại, cái ác là không thể biện minh hay lý giải, cảm thông. Bởi, nó thể hiện bản chất của người gây án quá rõ ràng, một bản chất phi nhân tính, chỉ thương cho người ở lại với nỗi đau còn mãi không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai. Có thể thấy, việc làm của các bị cáo không chỉ vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn là tội ác không thể tha thứ, gieo nỗi ám ảnh và đau khổ tột cùng không chỉ cho người bị hại mà còn cho chính gia đình mình. Ba bị cáo với gương mặt còn rất trẻ im lìm trước vành móng ngựa, cúi đầu chờ đợi bản án dành cho mình. Mọi câu “giá như” lúc này đều đã trở nên vô nghĩa. Vừa qua ngày giỗ đầu của sáu nạn nhân trong vụ thảm sát, khoảng thời gian chưa đủ và có lẽ cũng sẽ chẳng bao giờ đủ dài giúp người nhà các nạn nhân nguôi ngoai nỗi đau mất người thân nhưng cũng đủ để tóc bạc, nếp nhăn và nước mắt làm họ chới với.

Trong phiên tòa phúc thẩm, tòa nhận định: “Bản án sơ thẩm đúng pháp luật, đáp ứng được mong mỏi của dư luận. Tiến mặc dù có bị Dương khống chế nhưng đã đồng ý làm đồng phạm tích cực. Hành vi quá tàn ác, không còn khả năng cải tạo. Không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo”. Có lẽ, những lời phán xét cuối cùng tại tòa dành cho con trai mình như nhát dao đâm vào tim gan người mẹ. Bà Thi khóc nức nở, gục ngã khi con không thoát tội chết. Mọi nỗ lực kháng cáo cho con suốt mấy tháng qua của bà đã bất thành. Suốt phiên tòa, những ai có mặt cũng đều ái ngại nhìn gương mặt đẫm nước mắt, bờ vai run lên bần bật, có thể ngã quỵ bất cứ lúc nào của người phụ nữ ấy.

Nỗi đau còn mãi

Vụ thảm sát ở Bình Phước là hận tình báo thù như rất nhiều vụ án khác nhưng mức độ gây án làm rúng động dư luận.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, “Tiến có các tình tiết giảm nhẹ vì bị Dương lôi kéo khống chế, có 5 lần nói với Dương là đi về, không tiếp tục nữa. Tuy nhiên, Tiến chỉ dừng lại ở lời nói chứ không dừng lại ở hành động. Trong quá trình phạm tội, Tiến có nhiều cơ hội để về, bỏ chạy nhưng không làm, cho thấy bị cáo có cùng ý chí với Dương trong việc giết người. Không có căn cứ thể hiện Tiến bị Dương đe dọa khống chế. Cấp sơ thẩm đã xử đúng người đúng tội. Tuy nhiên vẫn có cơ hội cho Tiến là bị cáo đã gửi thư cho Chủ tịch nước xin tha tội chết”.

Sau khi tòa tuyên án, mẹ của tử tù Nguyễn Văn Tiến được người nhà dìu đi, tiếng khóc nức nở của bà ám ảnh nhiều người. Ra đến cổng tòa, bà gục xuống. “Con tôi còn ngu dại mà sao giờ chịu án tử hình?”, bà nức nở. Con dại cái mang, dù Vũ Văn Tiến có ăn năn hối cải thế nào đi nữa thì tất cả đã quá muộn màng. Bản án phúc thẩm đã tuyên. Điều chắc chắn là bi kịch sau vụ án nào cũng tương tự như nhau. Người mất, kẻ nhận án tử, kẻ đi tù, người thân đau đớn tận cùng với những xầm xì của dư luận, hàng xóm về những điều mà người trong cuộc đều cố lãng quên đi để có thể sống tiếp những ngày phía trước.

Những xao xác sinh tử ly biệt nào cũng đau thương. Giây phút Tiến bị dẫn giải ra xe tù để về lại trại giam Bình Phước, mẹ của Tiến không có mặt ở đó. Nếu như bà lại một lần chứng kiến cảnh tượng này, nước mắt người mẹ lại xối xả tuôn rơi. Giữa lúc đớn đau, tủi hổ, dù có bị cả xã hội chối từ, ngoảnh mặt lại Tiến chỉ có gia đình là nơi để bám víu. Dẫu giờ đây, Tiến không thể trú ẩn bên gia đình cho qua những ngày chờ đợi án tử nhưng sự trú ẩn về tinh thần khi còn có ba mẹ, anh chị chia sẻ đã là sự may mắn cuối cuộc đời Tiến. Là con út trong gia đình có 5 anh chị em, Tiến bỏ học từ lớp 4, ở nhà phụ giúp ba mẹ. Thời điểm gây án cùng Dương, Tiến là công nhân cho xưởng gỗ tại xã Nhị Bình, Hóc Môn. Tiến còn quá trẻ để có thể tạo dựng cho mình một tương lai tốt đẹp, là chỗ dựa cho ba mẹ lúc tuổi già. Tiếc rằng, phía trước là khoảng thời gian Tiến phải đối diện ở phòng tạm giam để chờ ngày thi hành án tử hình, một sự đối diện chắc có lẽ sẽ còn khủng khiếp hơn những ngày đã qua. Tội ác có biện hộ ra sao cũng vẫn là tội ác…

Bài, ảnh: Yên Hà

Bình luận (0)