Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nước mắt… người ở lại

Tạp Chí Giáo Dục

Chị Mai (bế con) đang ăn nốt bữa cơm cùng những người nhà ở lại Sài Gòn để lên xe về quê

Sài Gòn là một thành phố có nền kinh kế phát triển nên lao động nhập cư đổ về đây làm ăn, sinh sống ngày càng tăng. Mỗi dịp xuân về, ai nấy đều ao ước được đón tết cùng gia đình nhưng ở một số người, đó là điều không thể… Dù là ai, người về, kẻ ở lại cũng mang trong lòng bao nỗi niềm tâm sự…
Mỗi người một cảnh
20 giờ, ngày 16-12-2008 (âm lịch), tại quán nước trong Bến xe Miền Đông, một cặp vợ chồng còn khá trẻ bồng một bé trai khoảng chừng năm tuổi, ngồi uống nước với tâm trạng thấp thỏm. Chốc chốc người vợ lại nhổm người nhìn vào dãy xe khách đang đậu trong bến. Tôi đến bắt chuyện, người chồng tên Thăng Bình, 35 tuổi, cho biết: “Vợ chồng tôi đang chờ lên xe về quê đón tết. Chúng tôi đã mua vé từ hồi trưa, ba tiếng nữa xe mới chạy, nhưng tôi nghĩ cứ ra đây sớm, chứ lỡ xe lại không có tiền về”. Không giống như vợ chồng anh Bình, vợ chồng chị Mai quê ở huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa vào Sài Gòn làm ăn (anh làm công nhân, còn chị đi bán cá dạo) thì nói đi nói lại với tôi: “Tuy mới vào Sài Gòn làm ăn lại không có tay nghề nên thu nhập chẳng có là bao, nhưng nhớ quê quá, vợ chồng tôi phải cố thu xếp về quê đón tết cùng bố mẹ ngoài đó”. Ở bàn bên cạnh, hai người phụ nữ tên là Thảo và Trang (quê Hà Tĩnh), tay xách nách mang đủ thứ. Cả hai hiện đang làm thuê ở một quán cơm trên Quốc lộ 13 (Q.Thủ Đức). Hai chị đang tranh thủ ăn bánh bao lót dạ, mắt cứ dõi chiếc xe đang nằm kế bên. Khi chúng tôi hỏi chuyện, chị Trang xởi lởi. “Em vào đây đã gần 6 năm nhưng chưa một lần biết “mùi” tết của Sài Gòn. Vì năm nào cũng về quê sum họp và đón tết cùng gia đình. Quê hương là chùm khế ngọt mà anh”.
2 giờ sáng, người trong bến xe thưa dần. Anh Đặng Nguyên Khoa, quê Bắc Ninh vai đeo ba lô, tay cầm túi xách khệ nệ bước vào bến xe rồi đi tìm chiếc xe mình sẽ đi, cho biết: “Từ ngày tốt nghiệp cao đẳng rồi ở luôn Sài Gòn tìm việc làm đến nay, đã 2 cái tết tôi chưa về nhà. Sau 2 năm dành dụm, nay công việc đã ổn định, tôi quyết định về quê ăn tết. Xa gia đình lâu ngày nên tôi rất mong ngày có mặt ở quê!”. Còn Thanh Hùng, sinh năm 1987, quê ở Hà Tĩnh, vào Sài Gòn làm nghề sơn đã 4 năm nay thì năm nào cũng về quê ăn tết. Sở dĩ năm nào cũng về được là do nghề của Hùng làm ăn được, thu nhập mỗi tháng bình quân khoảng hơn 2 triệu đồng. Hùng tâm sự: “Dù thế nào cũng cố gắng về quê trong mấy ngày tết. Làm lụng cả năm rồi, mấy ngày này phải về nhà sum họp cùng gia đình!”.
Khác với khí trời se lạnh của đêm cuối năm, nửa đêm về sáng không khí tại Bến xe Miền Đông lại nhộn nhịp và tấp nập hơn. Tiếng động cơ xe, tiếng nói cười, dặn dò, chúc tết, tiếng loa phóng thanh nhắc nhở hành khách lên xe liên tục vang lên…
Nỗi niềm người ở lại
“Mấy ngày nay nó cứ khóc hoài vì không được về quê. Nhà có ba mẹ con, thằng út học ở quê, còn đứa lớn theo tôi vào đây làm công nhân ở Công ty Hiệp Trí (Q.9). Nhưng năm nay do công ty ít việc, tiền lương tiền thưởng hạn hẹp nên chỉ đủ mình tôi về quê lo cho đứa nhỏ cũng để thắp nén nhang cho bố nó; vả lại cũng mấy cái tết rồi tôi chưa về quê”, chị Bích Thủy (quê Thái Bình) sụt sùi.
3 giờ 10 phút, ngày 17-12 (âm lịch), khi chiếc xe khách mang biển số 29N196… chuyến xe xuất bến từ lúc nửa đêm đi các tỉnh phía Bắc đang từ từ lăn bánh. Một người phụ nữ chừng 30 tuổi vừa chạy theo xe vừa nói với một người đàn ông đang ngồi trong xe: “Cho em gửi lời hỏi thăm sức khỏe cha mẹ và chúc tết anh em ngoài đó nhé. Tết năm sau, em sẽ về…”. Bần thần nhìn theo chiếc xe khách cho đến khi nó khuất hẳn, người phụ nữ này mới chịu ra về. Hỏi thăm tôi mới biết, chị tên là Hồng, quê ở Hải Dương hiện đang làm công nhân may ở khu công nghiệp Sóng Thần. “Tết năm nay do kinh tế eo hẹp nên không về quê được. Buồn và nhớ quê lắm nhưng đành chịu. Người đàn ông ngồi trên xe lúc nãy là anh trai tôi, hiện đang làm công nhân ở Công ty dệt Phong Phú (Q.9)”, chị Hồng cho biết.
Văn Thành, sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM, cũng có mặt ở bến xe để tiễn người bạn cùng lớp về quê. Nhìn vẻ mặt mọi người, ai cũng náo nức mong được về quê sum họp với gia đình trong những ngày tết, Thành xúc động nói: “Thấy bạn được về quê ăn tết, em cũng mừng cho bạn, nhưng nghĩ lại thấy tủi cho mình”. Có lẽ, tâm sự của Thành cũng là nỗi niềm của rất nhiều người vào Sài Gòn lập nghiệp mà đến tết không có đủ điều kiện để về quê. Cũng như Thành cô gái tên Nhung, sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp II (Q.9), tiễn người bạn cùng phòng về quê mà cứ sụt sùi: “Tiễn bạn về quê ăn tết càng thấy nhớ nhà hơn, nhưng vì điều kiện không cho phép nên em phải ở lại”. Một người trong đám bạn của Nhung an ủi: “Năm nay mình không về được thì năm sau về. Hai năm nữa ra trường, làm được nhiều tiền hơn sẽ đi máy bay cho nó “hoành tráng”…”.
Đêm ngày 16, rạng sáng ngày 17-12 (âm lịch), tại Bến xe Miền Đông, cùng với hàng ngàn người được về quê đón tết thì cũng chừng ấy người ở lại. Họ ra bến xe để tiễn người thân, bạn bè, đồng thời cũng là để gửi gắm tình cảm, tấm lòng của người con xa xứ về quê đón xuân.
Văn Mạnh

Bình luận (0)