Tưởng như đã quá quen thuộc, ấy vậy mà buổi lễ kỷ niệm 10 năm học bổng dành cho học sinh khiếm thị sáng chủ nhật 13-11 lại vẫn cứ có thật nhiều điều bất ngờ.
1.
Ấy là khi nhiều người chợt nhận ra: đã 10 năm, thế mà học bổng vẫn không có một cái tên nào cho mỹ miều để làm thương hiệu, vẫn cứ chỉ là “học bổng học sinh mù” mộc mạc. Nhưng 10 năm là cả một đoạn đường dài. Từ năm suất học bổng của năm đầu tiên, năm nay đã tăng lên đến 223 suất. Từ những buổi trao học bổng giản dị như một cuộc gặp gỡ ở bàn tiếp khách của thư viện sách nói nay đã là một buổi lễ trang trọng và ấm cúng ở hội trường rộng rãi, sang trọng. Từ một người khởi xướng lẻ loi, nay hàng ghế dành cho những người tham gia đóng góp được các em trân trọng gọi là ân nhân đã chật cứng. Nhưng những cái nắm tay thay lời chào, những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” của đội văn nghệ khiếm thị là không thay đổi, vẫn ngập đầy nụ cười và ánh sáng.
Ân nhân đầu tiên là bà Trần Thị Mỹ Thành đã rủ rê thêm em gái mình là Minh Tiến. Rồi bà Minh Tiến xót lòng, rủ thêm bạn mình là bà Đặng Thục Trinh. “Không phải ai cũng dư dả, như mình chỉ là thợ may thôi, còn chị Thành là người tằn tiện nổi tiếng. Chắt chiu, có năm đóng 10 suất, năm chỉ được 2-3 suất, nhưng năm nào mình cũng tham gia, đến ngắm xem các em lớn lên, vui tươi hơn, trưởng thành hơn…”, bà Minh Tiến thủ thỉ, mắt vẫn đăm đắm nhìn lên sân khấu.
Những ánh mắt đăm đắm ấy có ở trên khắp các hàng ghế ân nhân.
Cũng vì xót lòng mà ông Lê Quốc Ân ngoài việc giúp đỡ thư viện đã “nhào” vào quỹ học bổng, lôi kéo thêm vợ mình là bà Huỳnh Phi Nhạn, chị gái là bà Lê Thị Xuân Đài, rồi mời thêm cả mẹ là cụ bà Nguyễn Thị Uyên. Sau nhiều năm đóng góp bằng tiền tiết kiệm, trước lúc mất, cụ Uyên trăng trối dùng một nửa tiền phúng điếu đóng vào quỹ học bổng, nửa còn lại tặng thư viện sách nói. Tâm nguyện của cụ gây xúc động mạnh trong gia đình, nên trong buổi trao học bổng hôm nay, ngoài con gái, con trai, con dâu còn có cả cháu nội, cháu ngoại, cháu cố của cụ cùng đến, cùng tham gia.
2.
Nụ cười trên gương mặt của hơn 200 em học sinh khiếm thị làm sáng rỡ cả hội trường. Các em ríu rít nhẩm lại một bài hát, hớn hở khoe với nhau một người bạn mới, thủ thỉ truyền cho nhau kinh nghiệm đi học hòa nhập. Và những nụ cười ngưng đọng lại hướng về phía sân khấu khi Nguyễn Thị Kiều Oanh, học sinh đầu tiên được nhận học bổng từ 10 năm trước khi mới vào lớp 6, bước lên báo cáo kết quả học tập: đã tốt nghiệp khoa ngữ văn Anh Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM và đang làm giáo viên tiểu học. Còn Ngô Thời Đức thể hiện quá trình khổ luyện để tốt nghiệp khoa nhạc cụ dân tộc Trường cao đẳng Sân khấu điện ảnh bằng một tiết mục độc tấu đàn bầu, những giọt đàn thánh thót đã tìm được cho em một công việc ổn định để tự lập. Nguyễn Thị Loan, cô bé nhút nhát cứ nép vào một góc tường năm nào, nay đã mạnh dạn, tự tin cầm micrô lên sân khấu kể chuyện 10 năm nhận học bổng, nay đã là cô sinh viên năm 2 ĐH Sư phạm…
“Tụi em sẽ cố gắng để được như các anh chị” – Lê Thị Trang, lớp 11 Trường Nguyễn Đình Chiểu, nói như reo bằng đôi mắt long lanh, nụ cười bừng sáng. Cũng ánh mắt, nụ cười ấy Trang hát bài Ơn thầy bằng cả tấm lòng mình.
Phía dưới, một tràng pháo tay nhiệt liệt và hàng trăm gương mặt bừng sáng…
Theo PHẠM VŨ
(TT)
(TT)
Bình luận (0)