Ngoài chứng táo bón, bạn có thể dùng mía để cải thiện chứng viêm họng, nôn do nghén, viêm dạ dày…
Mía là loại cây giàu vitamin B1, B2, B6, sắt, canxi, phôt pho… cùng nhiều chất hữu cơ khác. Theo Đông y, mía có vị ngọt, tính mát, không độc, có tác dụng nhuận táo, thanh nhiệt, giáng khí, sinh tân dịch. Ngoài ra, mía còn có nhiều loại đường có tác dụng ức chế khối u ác tính.
Viêm amindan, viêm họng cấp và mãn tính: Mía, củ cải trắng lượng đủ dùng, rửa sạch ép lấy nước (mía khoảng 10 ml, củ cải trắng 20 ml) cho thêm nước, uống ngày ba lần. Dùng liên tục 3 – 5 ngày. Hoặc mía, rễ cỏ tranh, củ năng lượng đủ dùng, nấu kỹ lấy nước uống thay trà.
Sốt cao mất nước, miệng khô: Nước ép của mía ngày uống ba lần, mỗi lần một cốc.
Miệng khô, nôn mửa, viêm họng, ho, người già sau sốt khô nóng: Nấu cháo gạo nếp, khi chín thì cho nước mía vào ăn cùng.
Viêm dạ dày mạn tính: Nước mía, rượu vang mỗi thứ một cốc, trộn đều, ngày uống hai lần vào buổi sáng và tối.
Viêm niệu đạo, tiểu buốt: Lấy nước mía, ngó sen tươi mỗi thứ 60 gr, ngày uống hai lần.
Đại tiện táo bón: Mía ép lấy nước, mật ong mỗi thứ một cốc trộn đều. Uống ngày hai lần vào sáng và tối khi đói bụng.
Viêm da: Vỏ mía tím đốt thành tro, nghiền mịn trộn với dầu mè (dầu vừng) bôi lên chỗ tổn thương.
Nôn mửa do thai nghén: Lấy một cốc nước mía trộn với một ít nước gừng tươi. Ngày uống một lần.
Phù nhẹ do thai nghén: Lấy 500 gr mía nấu nước uống nhiều lần trong ngày thay trà.
Theo BS Nguyễn Thu Hiền
Báo Đất Việt
Bình luận (0)