Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng. Câu ca dao gợi lên một Cao Bằng xa xôi hẻo lánh.
Thác Bản Giốc |
Hỏi thông tin về Cao Bằng ở các văn phòng du lịch trong phố cổ Hà Nội, tôi chỉ được hướng dẫn sơ sài chứ không được nhận đăng ký tour như Hạ Long, Sa Pa, Hà Giang hay vòng cung Tây Bắc. Tôi vác balô ra bến xe Mỹ Đình, chọn tuyến Cao Bằng, ngồi tám tiếng trên xe. Và cảm giác của tôi là tiếc nuối, có một chút hối hận vì đã không đến Cao Bằng sớm hơn.
Pắc Bó là điểm đến đầu tiên, nơi đây có khu di tích Pắc Bó – nơi mà năm 1941 Bác Hồ đã từ Trung Quốc về đây đặt cơ sở bí mật gây dựng phong trào kháng chiến, là quê hương anh Kim Đồng. Pắc Bó thuộc huyện Hà Quảng, cách thị xã Cao Bằng 52km. Tôi chọn cách đi xe ôm để ngắm cảnh hai bên đường, với những bản làng dân tộc, những bánh xe nước xoay suốt ngày.
Mộ anh Kim Đồng nằm dưới chân núi Tèo Lài. Tượng đài anh, tay nâng cao con chim bồ câu đưa thư, xung quanh là những cánh đồng lúa xanh mượt của bà con dân tộc Nùng. Đi thêm đoạn đường ngắn là đến suối Lênin trong vắt một màu xanh rất lạ, tuôn chảy êm đềm dưới chân núi Các Mác sừng sững.
Men theo suối Lênin lên thượng nguồn là đến hang Cốc Pó bên sườn núi lởm chởm đá. Miệng hang nhỏ, hang cũng nhỏ, ẩm và lạnh, bên trong còn chiếc giường Bác đã sử dụng. Gần hang là lán Khuổi Nậm, nơi Bác Hồ chủ tọa Hội nghị trung ương lần 8. Cách đó vài bước chân là đường biên giới Việt – Trung, cột mốc 108.
Cô gái Tà Lùng trong mùa gặt |
Sáng hôm sau tôi háo hức đi Trùng Khánh để đến thác Bản Giốc và động Ngườm Ngào.
Từ thị xã, có tuyến xe đến thị trấn Trùng Khánh cách 60km, rồi có những chuyến xe đến Đàm Thủy thêm 25km nhưng tôi lại chọn đi xe ôm để nhìn thật gần lớp lớp những cánh đồng lúa chín vàng đang mùa gặt, những rẫy bắp xanh non trên đồi. Gặp những cô gái người Tà Lùng tay ôm bó lúa chín vàng cười thẹn thùng, những bà già cõng mạ cười móm mém thân thiện. Hết lên đèo rồi xuống đèo, vòng hết quả núi này đến ngọn đồi kia.
Cứ thế, núi tiếp núi, đèo tiếp đèo, đến khi vừa mỏi lưng thì tôi thấy tấm bảng "Thác Bản Giốc 3km, Ngườm Ngao 2km".
Động Ngườm Ngao được người Pháp phát hiện năm 1921, năm 2002 thì xây đường đi và thắp đèn để đón khách tham quan. Động dài 980m, có ba cửa là Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn.
Từ cửa động bước vào là thế giới những nhũ đá từ trên cao rũ xuống như những tấm rèm, lấp lánh nhiều màu sắc. Những khối đá nhiều hình thù như nàng tiên, búp sen khổng lồ… khiến du khách trầm trồ ngạc nhiên. Tiếng suối chảy róc rách, gió thổi mát rượi, những cảnh đẹp thiên thần trải dài khắp lòng động.
Chưa hết ngây ngất với vẻ đẹp của Ngườm Ngao, tôi đã nghe tiếng thác đổ ào ào của Bản Giốc, tung bụi trắng xóa cả một vùng. Thác cao 50m, trải dài 300m, chảy thành ba tầng xuống dòng sông Quây Sơn, biên giới tự nhiên giữa VN và Trung Quốc. Đây là thác nước cao thứ tư trên thế giới trong các thác nước nằm ở biên giới. Phía dưới chân thác là mặt sông rộng và phẳng, hai bên bờ là những thảm cỏ xanh um.
Du khách có thể đi bè ra giữa thác để tắm mình trong làn hơi nước mát rượi và chụp hình với ngọn thác hùng vĩ…
QUÂN NAM / Áo Trắng
Đặc sản Cao Bằng
* Phở chua Cao Bằng, một món ăn bình dân mà cầu kỳ, ngoài bánh phở là thịt vịt quay, gan heo, thịt ba chỉ, khoai tàu, dưa leo, rau thơm, đậu phộng… Hoặc bạn ăn phở vịt cũng rất lạ.
* Bánh cuốn trứng: bột được tráng chung với trứng kiểu ốpla, ăn với một hỗn hợp nước chấm gồm thịt băm, rau thơm, giấm đường, măng ớt chua… rất lạ miệng.
* Rượu Thông Nông – loại rượu được làm bằng ngô, thơm và trong vắt, không quá nặng đô.
* Hạt dẻ Trùng Khánh, bùi ngậy dù được luộc, rang hay sấy, ăn hạt dẻ thơm ngon trong tiết trời se lạnh bạn sẽ cảm nhận được hương của núi rừng cùng tấm lòng của người trồng và chăm sóc cây dẻ.
Bình luận (0)