Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nước nông nghiệp sao ồ ạt nhập nông sản?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Đường là một trong những mặt hàng thiết yếu, thế nhưng điều đáng lo là ngành mía đường chưa bao giờ chứng tỏ được sự đáp ứng bền vững cho nhu cầu trong nước mà phải luôn nhập khẩu.
Từ chuyện đốn – trồng
Thiếu mía nguyên liệu vẫn là điệp khúc quen thuộc tại các nhà máy đường trong khu vực ĐBSCL. Tính đến nay, trên 13 tỉnh thành khu vực này đã có 10 nhà máy đường công suất lớn nhưng suốt một thời gian dài, hầu hết các nhà máy đều không thể hoạt động hết công suất. Lý do là thiếu mía. Điển hình tại Cà Mau, năm 1999, Nhà máy đường Thới Bình được xây dựng với công suất 1.000 tấn mía/ngày. Song song đó, một vùng đất rộng 6.000 ha được tỉnh quy hoạch trồng mía nguyên liệu cho nhà máy. Tuy nhiên, sau nhiều năm nếm “vị đắng” của tình trạng cây mía rớt giá, nông dân tại các xã Trí Phải, Trí Lực, Thới Bình… đã rầm rộ đốn bỏ, đốt mía, rồi đào mương đưa nước mặn vào nuôi tôm. Ông Lê Văn Hiệu, Giám đốc Nhà máy đường Thới Bình cho biết, vùng mía nguyên liệu ở đây hiện chỉ còn 1.200 ha.
Giá mía bấp bênh trong thời gian dài dẫn đến diện tích mía ở vùng mía ĐBSCL bị thu hẹp – Ảnh: T.Trình
Diện tích này không đủ cung ứng nguyên liệu cho hoạt động của nhà máy. Tại Bến Tre, ông Lê Thanh Sơn – Giám đốc Nhà máy đường Bến Tre – nói: “Nhà máy này cũng rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu, dù trên lý thuyết, vùng nguyên liệu mía ở đây có thể đủ cung ứng cho nhà máy 2.000 tấn/ngày. Cách đây 10 năm, vùng nguyên liệu ở 5 huyện trong tỉnh có diện tích trồng mía tới 15.000 ha. Tuy nhiên, tới thời điểm này, diện tích đó đã giảm còn không quá 4.000 ha. Nguyên nhân là sau nhiều mùa cây mía rớt giá, nhiều nông dân đã chuyển sang trồng lại cây dừa”. Chẳng những diện tích nguyên liệu bị thu hẹp, Nhà máy đường Bến Tre còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc nhiều nhà máy đường lân cận vì thiếu mía nguyên liệu đã đổ về Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng… để mua với giá cao hơn, ưu đãi vận chuyển và ưu đãi hơn trong việc đánh giá chữ đường.
Đến thời điểm này, các địa phương trong khu vực ĐBSCL đã thu hoạch mía từ 60 – 70%. Khi nguồn nguyên liệu đang cạn dần thì giá mía cũng được đẩy lên cao. Cả nước hiện có 40 nhà máy đường với công suất ép mía 97.200 tấn/ngày, mỗi vụ sản xuất kéo 5 tháng, về lý thuyết cần 14 – 15 triệu tấn mía nguyên liệu. Thế nhưng diện tích mía trong nước nằm trong vùng nguyên liệu của các nhà máy hiện tại chỉ có 220.000 ha và có xu hướng giảm dần, và năng suất lại thuộc mức thấp nhất thế giới, chỉ 54 tấn/ha, bằng một nửa so với Thái Lan. Với năng suất như vậy thì sản lượng mía cây thực tế hằng năm chỉ khoảng 11 – 12 triệu tấn, năm nay lại càng thấp hơn nhiều do thời tiết, nên xảy ra cảnh thiếu mía, tranh mua tranh bán. Tình trạng này đã khiến một nước mạnh về nông nghiệp như Việt Nam không còn cách nào khác là phải nhập khẩu đường. Dù sản lượng đường thế giới sụt giảm, nhưng hiện giá đường nhập khẩu vẫn còn rẻ hơn đường trong nước đến vài ngàn đồng/kg. Năm 2009 cả nước đã nhập 110.000 tấn, năm 2010 dự kiến sẽ phải nhập 300.000 tấn nữa.
Đến sốt giá ảo
Việc Nhà nước hỗ trợ ngành đường bằng cách quản lý chặt việc phân bổ quota nhập khẩu đường kéo dài khiến cho các nhà máy đường hết sức dửng dưng trong việc đầu tư dài hạn vùng nguyên liệu và mặc kệ những tác động tăng giá đối với người tiêu dùng. Thị trường trong nước thời gian gần đây chứng kiến cơn sốt khủng khiếp của giá đường bán lẻ, lập mức kỷ lục trong nhiều năm qua và còn cao hơn cả giá thế giới.
Chỉ trong vòng 3 tháng qua, giá đường đã tăng gần gấp đôi, từ 11.000 -12.000 đồng/kg lên mức 20.000 – 21.000 đồng/kg. Mặc dù gần như toàn bộ 40 nhà máy đường trong nước đã bước vào vụ sản xuất, theo lẽ thường mọi năm, giá đường sẽ giảm xuống do nguồn cung dồi dào, thế nhưng năm nay, quy luật này đã bị phá vỡ. Sản lượng đường có đủ để cung cấp cho thị trường nhưng các nhà máy đã lợi dụng lúc nhu cầu tăng cao vào thời điểm cuối năm để nâng giá.
Từ đầu tháng 1.2010 đến nay, giá đường cát RE bán tại các nhà máy khoảng từ 16.500 – 17.700 đồng/kg, trong khi giá bán lẻ trên thị trường lập mức kỷ lục, trong khoảng từ 20.000 – 21.000 đồng/kg. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Diệp Kỉnh Tần nhận định: “Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do các nhà máy sản xuất đã đầu cơ đường”. Ông Tần phân tích: “Với công suất hoạt động của 40 nhà máy thì trong tháng 1.2010 đã sản xuất 200.000 tấn đường.
Trong khi đó mức tiêu thụ bình quân trong nước chỉ khoảng 100.000 tấn một tháng, dịp Tết nhu cầu có tăng nhưng cũng chỉ lên mức 130.000 tấn/tháng. Cung cầu đang cân bằng nên không lý do gì để doanh nghiệp tăng giá đường trong thời điểm này”. Tuy nhiên, niên vụ mía đường 2009 – 2010 thiếu khoảng 300.000 tấn đường, vì các nhà máy trong nước sản xuất được khoảng 1 triệu tấn, trong khi tiêu thụ cả nước là 1,3 triệu tấn một năm, để cân bằng cung cầu, Bộ NN-PTNT đã đề xuất sẽ nhập trước 150.000 tấn đường để bình ổn giá.
Nguyên nhân của việc nhập khẩu đường một phần do năng suất mía của chúng ta còn thấp. Theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, với tổng diện tích trên dưới 300.000 ha mía như hiện nay, nếu chăm sóc tốt, đẩy năng suất lên cao, cả nước hoàn toàn có thể cung cấp đủ mía nguyên liệu để ép được từ 1,2 – 1,5 triệu tấn đường. Tuy nhiên, trong khi năng suất mía của Trung Quốc, Thái Lan và các nước khác đạt trên 70 tấn/ha thì chúng ta chưa vượt qua ngưỡng 60 tấn/ha. Theo Hiệp hội Mía đường VN, ngoài thời tiết khắc nghiệt như hạn hán và lũ lụt, nông dân hiện chưa có nhiều giống mía tốt và đang trồng mía một cách manh mún, nhỏ lẻ nên không thể áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa một cách đồng bộ.
Ông Hà Hữu Phái – Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường VN – thừa nhận: “Phải nói rằng ngành mía đường của VN chưa phát triển bền vững, giá mía không hấp dẫn nên bị cây sắn, cao su, cà phê cạnh tranh, khó mở rộng diện tích. Nằm trong vùng có điều kiện trồng mía tốt nhất của thế giới, VN hoàn toàn có thể sản xuất đủ đường phục vụ tiêu dùng và sản xuất công nghiệp trong nước. Tuy nhiên, nhiều năm qua, chúng ta liên tục phải nhập khẩu đường vừa bù đắp lượng đường thiếu hụt, vừa bình ổn thị trường do giá đường bị đẩy lên quá cao. Với điệp khúc đốn – trồng lặp đi lặp lại, ngành mía đường Việt Nam còn lâu mới đứng vững được”. 
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần: “Các doanh nghiệp mua mía của dân với giá không đảm bảo. Giá đường cao thì nhà máy phải mua mía với giá cao nông dân mới phấn khởi nhưng trên thực tế, giá đường cao, doanh nghiệp nâng lên không tương xứng, giá đường thấp họ lại “đè” người trồng mía, không khuyến khích người dân đầu tư sản xuất. Nông dân nước ta vẫn trồng mía theo kiểu, giá mía cao thì tăng cường đầu tư, mở rộng diện tích nhưng giá xuống thấp thì lại chặt mía trồng cây khác, thu hẹp sản xuất. Tôi nghĩ nếu cứ làm ăn theo kiểu này, các doanh nghiệp sẽ không đủ nguyên liệu ép đường”.
 Theo TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)