Dù có nước sạch sinh hoạt từ lâu nhưng hơn một năm nay hàng trăm hộ dân xã Hòa An vẫn sử dụng nước sông vì nước máy chỉ có vào giữa khuya.
Mọi sinh hoạt của bà con khu vực này đều sử dụng nước sông vì nước máy không có vào ban ngày – Ảnh: BỬU ĐẤU |
Đó là tình trạng khốn khổ diễn ra đối với gần 300 hộ dân tại ấp Bình Thạnh 1, xã Hòa An, huyện Chợ Mới, An Giang. Bà con cho biết vùng này đã được kéo nước sạch sử dụng từ lâu nhưng vì nước sạch ban ngày không có hoặc nếu có chỉ chập chờn vào giữa khuya, nên bà con phải vất vả thức khuya để hứng nước máy dự trữ phục vụ sinh hoạt gia đình.
Anh Đỗ Hoàng Tú ở tổ 9, ấp Bình Thạnh 1 cho biết anh mới mua một máy hút nước và hai thùng chứa nước với số tiền trên 1,5 triệu đồng. “Đêm nào không canh hứng nước là xem như ngày hôm sau sử dụng nước sông sinh hoạt hết. Mà anh biết sử dụng nước sông mùa này ô nhiễm lắm. Bà con ở đây chỉ mong có nước sạch sử dụng thôi!” – anh Tú nói.
Còn bà Nguyễn Kim Phượng, 60 tuổi ở tổ 9, ấp Bình Thạnh nói: “Ban ngày không có nước sử dụng nên mọi người sinh hoạt đều sử dụng nước sông. Có người múc từng thùng nước sông lên lắng lọc lại để sử dụng.
Nhiều gia đình khá giả còn mua luôn cả máy hút nước về sử dụng khi có nước giữa khuya sẽ kéo nước về phần nhà mình tích trữ. Còn nhà tôi khó khăn nên đành sử dụng nước sông luôn chứ chờ nước biết bao giờ!”.
Anh Tú một tay mở van nước nhưng không có một giọt và tay kia chỉ vào hai thùng nước mới mua – Ảnh: BỬU ĐẤU |
Điều nghịch lý là trong khi tại ấp Bình Thạnh 1 cũng có trạm cấp nước sạch, vệ sinh và môi trường nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn An Giang đang cung cấp nước cho 890 hộ thì khu vực 300 hộ thiếu nước đó lại không được kéo nước trạm này mà họ được cấp nước từ Trạm cấp nước Hòa Bình cách hơn 7km.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hoàng Phong, giám đốc Xí nghiệp Điện nước huyện Chợ Mới, cho biết nguyên nhân khiến nước chập chờn và thậm chí không có nước là do đường ống kéo nước ban đầu nhỏ chỉ phục vụ 1.500 hộ, nhưng hiện nay toàn khu vực này lên tới 5.000 hộ mà đường truyền dẫn dài quá nên dẫn đến tình trạng trên.
“Bà con nói là đúng vì đoạn đó nằm ở cuối mà đường ống nước truyền dẫn lại nhỏ nên xảy ra thiếu nước, thậm chí là chập chờn không có nước. Tôi vừa trình kế hoạch triển khai phương án lắp đặt thêm ống truyền nước loại lớn và đã được chấp thuận. Chắc trong quý 4 sẽ triển khai thi công để đáp ứng đủ nước cho bà con” – ông Phong nói.
Nói về việc sao không chuyển giao cho trạm cấp nước của Sở Nông nghiệp thì ông Phong cho rằng: “Đơn vị này thành lập sau và hai đường ống dẫn nước khác nhau nên không thể chuyển giao được, làm vậy sẽ mất khách hàng. Thà chấp nhận đầu tư mới để giữ khách!”.
BỬU ĐẤU (TTO)
Bình luận (0)