Hội nhậpThế giới 24h

Nước thành viên cảnh báo về sự suy yếu của EU

Tạp Chí Giáo Dục

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho rằng xung đột Ukraina đang làm suy yếu EU.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto (thứ ba từ trái) phát biểu tại Diễn đàn Chiến lược Bled ở Slovenia, ngày 29.8.2023.
Ngày 29.8, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết Liên minh châu Âu (EU) ngày càng yếu đi do phản ứng của khối này đối với cuộc khủng hoảng Ukraina.
Trang tin tức N1 Newsnight của Hungary đưa tin, phát biểu tại Diễn đàn Chiến lược Bled ở Slovenia, Ngoại trưởng Szijjarto cho rằng EU đã suy yếu quá nhiều, đến mức giờ đây khối này cần các quốc gia Nam Tư cũ gia nhập hơn mức cần thiết.
Ông Szijjarto thừa nhận, EU “không may đang trong tình trạng suy yếu hơn bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ, về mặt an ninh, kinh tế và cung cấp năng lượng”.
Quan chức Hungary đổ lỗi điều này là do "một loạt biện pháp thất bại" của EU trong phản ứng với xung đột Nga – Ukraina. Ông Szijjarto lưu ý, EU chọn cách cung cấp vũ khí cho Kiev và do đó đã không thể tạo ra hòa bình trên lục địa này trong 18 tháng qua.
Hungary luôn chỉ trích cách tiếp cận của EU đối với cuộc xung đột Ukraina, từ chối tham gia chương trình huấn luyện quân đội Ukraina và cấm quá cảnh vật tư quân sự qua lãnh thổ của mình. Budapest cũng nhiều lần kêu gọi Kiev đàm phán hòa bình với Mátxcơva.
Theo ông Szijjarto, các lệnh trừng phạt Nga đã làm thui chột khả năng cạnh tranh của châu Âu, khiến tỉ trọng của EU trong GDP toàn cầu giảm xuống chỉ còn 17% – giảm 5% so với năm 2010 – trong khi tỉ trọng của Trung Quốc đã tăng gấp đôi từ 9% lên 18%. Ông Szijjarto lập luận, hợp tác mạnh mẽ hơn với Trung Quốc là điều sẽ giúp ích cho sự phát triển của nền kinh tế châu Âu.
Ngoại trưởng Hungary cũng chỉ trích cách xử lý an ninh năng lượng của Liên minh châu Âu, lưu ý rằng giá năng lượng ở EU đã tăng vọt do các lệnh trừng phạt Nga. Đặc biệt, Đức đã chứng kiến sản lượng công nghiệp sụt giảm mạnh sau khi đường ống Nord Stream bị phá hoại vào tháng 9.2022.
Do EU đang trong tình trạng suy yếu, nên khối này “cần các nước Tây Balkan nhiều hơn các nước Tây Balkan cần tư cách thành viên châu Âu” – ông Szijjarto nói.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Chiến lược Bled ngày 28.8, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel lưu ý, EU sẵn sàng kết nạp thành viên mới vào năm 2030, nếu những nước nộp đơn đáp ứng được danh sách dài các yêu cầu của Brussels liên quan đến dân chủ, pháp quyền và đa dạng.
Albania, Serbia và một số quốc gia khác – những nước đã chờ đợi hơn một thập kỷ – bày tỏ sự không hài lòng với mốc thời gian mới.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)