Các mẫu NUĐB nhiễm vi sinh được lưu tại Sở Y tế TP |
Cách đây không lâu, hàng chục học sinh của một trường tiểu học trên địa bàn Q.12 đã phải nhập viện do ngộ độc nước uống đóng bình (NUĐB). Tiếp theo là từ 16-2-2009 đến nay, Sở Y tế TP.HCM đã “khui” ra vài chục mẫu NUĐB không đạt tiêu chuẩn vi sinh, thậm chí có nhiều mẫu còn có vi khuẩn gây bệnh mủ xanh…
Nhà trường thấp thỏm lo
Sáng 2-4, sau khi uống sữa Ovaltine pha với NUĐB hiệu M-kitech, 97 học sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.2 đã lần lượt phải nhập viện do bị đau bụng và nôn ói. Sở Y tế TP đã lấy mẫu đưa đi xét nghiệm để tìm “thủ phạm” gây ra vụ ngộ độc này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả. Song, điều đáng nói là chỉ vài ngày sau đó một mẫu NUĐB của M-kitech đã được Sở Y tế công bố là không đạt tiêu chuẩn vi sinh.
“Khi hay tin NUĐB hiệu M-kitech bị nhiễm vi sinh tôi vô cùng hoang mang. Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ thì phát hiện hiệu nước này được sản xuất tại chi nhánh 14 của Công ty Minh Kiếm, P.4, Q.8. Trong khi NUĐB chúng tôi đang sử dụng sản xuất tại 42/30 Bùi Thị Xuân, P.2, Q.Tân Bình, được cung cấp qua một chi nhánh trên đường Nguyễn Duy Trinh, Q.2 (gần trường). Hiện tại, thầy và trò Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi vẫn uống NUĐB hiệu M-kitech…”, thầy Võ Văn Thắng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn Q.12 cũng cho biết: “Do kinh phí có giới hạn nên nhà trường không thể đặt mua những nhãn hiệu nước có tên tuổi. Tuy vậy, cũng không dám lấy những loại nước không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Vài năm nay, thầy và trò chúng tôi vẫn sử dụng NUĐB hiệu Havina của Công ty Hải Cường – đường Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp. Đầu tháng 3 vừa qua, đọc báo thấy nước này bị nhiễm vi sinh nên nhà trường đã chuyển qua công ty khác. Song, vẫn rất lo lắng không biết nước này có an toàn không. Bởi vậy, ngày nào báo chí có thông tin về NUĐB bị nhiễm bẩn là chúng tôi phải đọc để coi có nước mà trường đang sử dụng hay không. Nếu có là phải chuyển ngay sang nhãn hiệu khác”…
Trường THPT Lê Quí Đôn sử dụng NUĐB hiệu Thế Kỷ. Mặc dù đến giờ phút này nhãn hiệu NUĐB hiệu Thế Kỷ vẫn chưa có trong danh sách đen của Sở Y tế, tuy nhiên chỉ với trên 10 ngàn đồng 1 bình/ 20 lít thì làm sao nước đảm bảo được?
Theo ghi nhận của chúng tôi thì phần lớn các trường chỉ mua NUĐB với giá rất bình dân, từ 10 – 20 ngàn đồng 1 bình/ 19,5 – 21lít. Thậm chí có một số trường ở ngoại thành còn cho học sinh uống NUĐB giá 6 – 7 ngàn đồng/bình. Trong khi đó, theo các nhà chuyên môn, một bình NUĐB nếu tính đúng tính đủ và đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh phải có giá trên 20 ngàn đồng/bình.
Sở dĩ nhiều trường không thể cho học sinh và giáo viên uống NUĐB cao cấp là do không trường nào dám thu tiền nước, hoặc không thu được. Đặc biệt là những trường ở vùng ven và ngoại thành. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.8 thừa nhận: “Để đảm bảo nước sạch cho học sinh uống, nhà trường đã mua nước LaVie. Theo đó, mỗi tháng học sinh đóng 5 ngàn đồng tiền nước. Nhiều phụ huynh không những không đóng mà còn làm đơn gửi lên các báo để kiện nhà trường. Bởi vậy, chúng tôi đành phải cho học sinh uống nước có giá thành vừa phải, đương nhiên là không thu tiền nước”…
Học sinh: Đem nước ở nhà
Học sinh Trường Mầm non Bé Ngoan, Q.1 uống nước đóng bình cao cấp |
Hơn một tháng nay, trào lưu học sinh đem nước từ nhà tới trường để uống xuất hiện khá nhiều. Chị Cẩm Thúy, phụ huynh một học sinh lớp 7 Trường chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết: “Đọc báo thấy nhiều hiệu NUĐB bị nhiễm khuẩn, thấy ghê quá nên gần hai tháng nay, tôi bắt bé Thúy Hằng phải mang nước từ nhà, chứ không được uống nước ở trường”.
Mặc dù biết nhà trường cho học sinh uống NUĐB hiệu Mỹ Hảo nhưng sáng nào chị Thanh Tân – phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Trần Khánh Dư, Q.1 cũng chuẩn bị một bình nước để con đem vào trường uống. “Nước ở nhà được lọc rồi nấu sôi như vậy mới đảm bảo, còn NUĐB vàng thau lẫn lộn không biết lối nào mà lần. Đem theo bình nước kể ra cũng phiền phức cho con nhưng cha mẹ an tâm”, chị Thanh Tân nói.
Tuy nhiên đem nước từ nhà tới trường không phải là giải pháp hay. Nhiều học sinh học bán trú ở trong trường từ 8 – 9 tiếng nhưng chỉ đem một bình nước nhỏ chưa tới 1 lít thì làm sao đủ.
Là một trong số rất ít trường chơi sang mua nước LaVie cho học sinh uống, cô Lâm Kim Hoàng – Hiệu trưởng Trường Mầm non Bé Ngoan, Q.1 cho biết: “Tiền nước được trích từ tiền ăn, tiền vệ sinh phí của cháu. Dù sao, so với các quận, huyện khác, Q.1 cũng có nhiều thuận lợi bởi dù là tiền ăn hay tiền vệ sinh phí đều cao hơn. Tiền vệ sinh phí, nhiều nơi thu 5 – 10 ngàn đồng/tháng/cháu nhưng ở Q.1 được thu tới 20 ngàn đồng. Rồi tiền ăn, Q.1 thu từ 15 – 18 ngàn đồng/ngày/cháu, trong khi các quận, huyện khác chỉ thu 13 – 16 ngàn đồng. Nước LaVie dù mắc hơn nhiều so với NUĐB khác nhưng bù lại nhà trường an tâm về chất lượng vệ sinh…”.
Trong khi đó tại Trường Mầm non 19-5 lại cho học sinh uống nước lọc qua hệ thống tia cực tím. Cô Nguyễn Thị Kim Dung – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mấy năm trước, nhà trường đã đầu tư trên 200 triệu đồng để xây dựng hệ thống nước lọc này. Trung bình mỗi năm 2 lần đưa đi bảo trì, lấy mẫu đi xét nghiệm… Trường đông học sinh nên phải cho uống nước này chứ mua NUĐB thì bất tiện lắm. Vả lại, dạo này thấy nhiều loại NUĐB bị nhiễm khuẩn thấy cũng sợ”…
Hiện nay không ít trường đã đầu tư một lần để xây dựng hệ thống nước lọc qua tia cực tím cho học sinh, giáo viên uống. Đây được xem là giải pháp tối ưu và chắc chắn là đảm bảo an toàn vệ sinh hơn nhiều so với NUĐB…
Bài & ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)