Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nước “vây” trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT chuyên năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định ra về  vào chiều 17-10-2012. Ảnh: Đức Tài

Tối 17-10, dù trời không mưa, hồ Dầu Tiếng thượng nguồn không xả tràn nhưng nhiều khu vực của TP.HCM, Bình Dương và các vùng phụ cận vẫn bị ngập sâu. Đặc biệt, nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM bị ngập nặng, phụ huynh, học sinh (PHHS) phải lội nước vào trường.
Ở đâu cũng ngập
Những ngày qua, do mực nước triều cường tăng cao đột biến so với cùng kỳ năm 2011, các khu vực: Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), cảng Phú Định (Q.8), xã Phước Lộc (H.Nhà Bè)… bị ngập nặng. Đặc biệt, tại các quận, huyện vùng ven như Q.12, Q.9, Thủ Đức, H.Hóc Môn mực nước triều cường đạt đỉnh lịch sử nên đã gây ngập nặng cục bộ. Nhiều nhà dân, trường học trên các tuyến đường An Dương Vương, Phạm Thế Hiển, Bình Quới, Kinh Dương Vương, Nguyễn Thị Thập, Phan Văn Hớn… nước ngập tràn vào nhà dân và trường học. Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn, trong ngày 18-10 triều cường tại khu vực TP.HCM vẫn còn ở mức cao (1,59m), đến ngày 19-10 sẽ xuống còn 1,55m.
Có mặt tại giao lộ đường Âu Cơ với đường Đồng Đen, chúng tôi nhận thấy phần kênh cũ đã bị lấp hơn một nửa, chỉ còn một rãnh nhỏ nên không đủ thoát nước lúc trời mưa. Đại lộ Võ Văn Kiệt dù mới được xây dựng nhưng nhiều điểm tại P.16, Q.8 cũng bị ngập. Nguyên nhân là do Công ty TNHH Hùng Thành – chủ đầu tư Dự án City Gate Tower đã san lấp một đoạn kênh khiến nước mưa không thoát được.
Sáng 18-10, tại Q.Bình Thạnh, một số trường học: THCS Bình Quới Tây (BQT), TH Tầm Vu, phân hiệu Trường TH Hòa Bình, TH Bình Hòa… nước triều cường vẫn còn bao vây tứ bề. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS BQT cho biết: “Năm nào vào mùa mưa trường cũng bị ngập, nước dâng cao quá đầu gối người lớn, PHHS phải công kênh con em vào lớp”. Chị Hoàng Như Ý, có con đang học lớp 7 tại trường lo ngại: “Ngày nào tôi cũng phải theo dõi tình hình triều cường trên địa bàn P.28, mấy ngày nay, nước “bao vây” xung quanh lối vào khiến ngôi trường gần như bị “cô lập”. Tình trạng này làm PH chúng tôi rất lo lắng, vì nếu cho con nghỉ học thì sợ các cháu không theo kịp chương trình, còn cho con đi học thì sợ con bị té ngã, ốm dau do nhiễm nước. Năm nào chúng tôi cũng kiến nghị với phường và quận giúp nâng cao nền đường vào trường nhưng vẫn chưa được đáp ứng”.
Tại huyện Nhà Bè, ông Nguyễn Trung Khánh, Trưởng phòng GD-ĐT cho biết: “Trên địa bàn huyện có nhiều điểm bị ngập nặng do triều cường và địa bàn xã Phước Lộc là bị nặng nhất, trong đó có Trường Mầm non Vành Khuyên thuộc ấp 3 của xã bị ngập sâu cục bộ nên việc đưa đón con em đi học, PH gặp rất nhiều khó khăn”.
Không riêng gì các quận ven, huyện ngoại thành mà ngay các trường học trong nội thành cũng gặp tình trạng tương tự, ông Lê Minh Quang, Hiệu trưởng Trường TH Hòa Bình, Q.1 trăn trở: “Đã nhiều năm nay khi có mưa, dù lớn hay nhỏ và nước triều cường dâng cao, con đường vào trường luôn ngập quá đầu gối người lớn. Nước bẩn bốc mùi cùng với rác tràn vào sân trường, điều này thực sự gây vất vả cho PHHS và giáo viên khi đến dạy và đưa đón HS đi học”.
Nhiều giải pháp vẫn ngập
Khắc phục chuyện ngập nước cho Trường THCS BQT, UBND Q.Bình Thạnh đã cấp kinh phí để nhà trường tôn cao sân trường, nhưng oái oăm khi sân trường được tôn cao, còn đường đi vào trường thì không được tu sửa, nâng cao nên ngập vẫn hoàn ngập. Để giúp PHHS và thầy cô giáo bớt cực khổ khi vào trường, Ban giám hiệu phải mở thông một lối sang sân Trường TH BQT cho PHHS và giáo viên đi nhờ mỗi khi đường bị ngập nước. Nói về tình trạng thường xuyên ngập nước, ông Lê Minh Quang cho biết: “Hiện tại, trường có ba phòng học ở tầng trệt thì chỉ mới nâng nền được hai phòng, đây là kinh phí do trường và PHHS xoay xở để nâng lên. Sắp tới trường sẽ nâng tiếp phòng học còn lại để HS được yên tâm học hành. Riêng phòng Ban giám hiệu và các phòng chức năng sẽ chờ khi nào có kinh phí mới nâng cao”. Ông Quang phân tích thêm: “Theo tôi được biết, do kênh Tân Hóa – Lò Gốm đang thi công, chặn dòng thoát nước khiến tình trạng ngập nước ở trường nặng hơn mỗi khi mưa xuống”.
Ông Trần Minh Triết, Trưởng phòng GD-ĐT H.Hóc Môn chia sẻ: “Trong thời gian qua, được sự quan tâm của TP và H.Hóc Môn, nhiều trường học và các tuyến đường thường xuyên bị ngập nước đã được đầu tư kinh phí để sửa chữa đường ống thoát nước, tôn cao sân trường… Tuy nhiên, trong đợt triều cường lần này, Hóc Môn vẫn còn một số trường bị ngập nước như TH Ấp Đình, THCS Phan Văn Hớn”.
Mỗi khi mưa xuống hay triều cường dâng cao, một số trường học trên địa bàn Q.11 cũng bị ngập nước do hệ thống thoát nước của các trường này không tiêu thoát kịp. “Nguyên nhân có nhiều nhưng cơ bản nhất là do hệ thống thoát nước của các trường này theo hệ thống xả ra kênh Tân Hóa – Lò Gốm đơn vị thi công rất ì ạch”, ông Lê Nguyên Vịnh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.11 bức xúc. 
Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ – quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM) thì: Cốt nền nhiều nơi của TP thấp hơn mực thủy triều nên cống không thể thoát nước, nước triều luôn ngập tràn trong cống! Còn nữa, giải pháp tôn cao mặt đường, đặt trạm bơm tại các điểm ngập nước lại càng gây ngập nặng các chỗ khác, giảm nơi này thì tăng nơi kia. Lắp đặt hệ thống cống thoát nước thì chỉ đơn giản là nối thêm ống mà không suy tính gì hơn cả. Tiết diện cống không “nở” ra mà chiều dài càng tăng trong lúc lượng nước dồn vào cũng tăng vọt thì nước “nằm chờ”, ùn ứ nhiều là tất nhiên”.
Lê Quang Huy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)