Dù đôi tay bị cụt vì chiến tranh nhưng cụ ông Lê Thành Ứng (81 tuổi, quê Bến Tre) vẫn sinh sống và làm việc không khác gì người bình thường. Bằng chính sự cố gắng vươn lên của mình, ông đã nuôi 6 người con ăn học thành tài và có nhiều cống hiến cho địa phương.
Ông Ứng được địa phương hỗ trợ, chăm lo
Tham gia chiến đấu
Từ nhỏ, ông Ứng đã có truyền thống hiếu học. Dù gia đình khó khăn nhưng ông vẫn cố gắng học hết lớp 9 để có tri thức. Thời điểm đó, ai học tới lớp này được xem là người có trình độ cao và có thể đảm nhận làm thông tin văn hóa cho xã, huyện. Ông Ứng đủ điều kiện nên được địa phương tin tưởng, lựa chọn.
Làm được không bao lâu, phong trào Đồng Khởi tỉnh Bến Tre diễn ra, ông Ứng từ một người làm thông tin văn hóa cho xã Tân Thành Bình xông pha ra trận chiến để chiến đấu. Ông được chọn vào lực lượng lính đặc công Bến Tre và chiến đấu quyết liệt. Trong một trận chiến, địch thả bom làm khu vực tác chiến của ông bị cháy rụi. Bản thân ông bị thương nặng bất tỉnh suốt 4 ngày đêm. Đồng đội dùng võng khiêng ông đi 7 ngày mới đến trạm quân y để chữa trị. Sau hơn 3 tháng, sức khỏe ông Ứng dần hồi phục nhưng đôi tay không còn lành lặn. Tay trái bị cụt, tay phải còn chỉ một ngón. Ở cái tuổi 19, ông Ứng từ một chàng trai trẻ, khỏe bỗng bị thương tật. Dù vậy nhưng ông không hề suy sụp. Ông bảo: “Bao người đã hy sinh rồi, mình còn sống là may mắn. Đôi tay không lành lặn làm việc có khó khăn chút xíu nhưng không phải là không làm được”, ông chia sẻ lại suy nghĩ của mình thời điểm đó.
Ông Ứng khoe chữ do mình viết
Năm 1968, Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân diễn ra, Bến Tre là một trong những ngọn cờ đầu của phong trào này. Ông Ứng dù cụt đôi tay nhưng vẫn tiếp tục tham gia kháng chiến với vai trò vận chuyển kinh phí và những thứ cần thiết từ các xã, huyện về địa phương để hoạt động cách mạng. Đôi tay không còn nhưng ý chí và quyết tâm của ông Ứng cũng như bao đồng đội khác luôn rực cháy với một mong muốn duy nhất đó là sớm tiêu diệt kẻ thù để giành lại hòa bình cho dân tộc. Cứ thế, ông Ứng tham gia cách mạng đến ngày đất nước thống nhất. Ông đã cùng đồng đội của mình đóng góp nhiều công sức cho công cuộc đấu tranh giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
Nuôi con thành tài
Ngày đất nước hòa bình, ông Ứng lập gia đình. Vợ ông, người phụ nữ đẹp người, đẹp nết thương ông bằng cả tấm lòng dù ông bị thương tật. “Chiến tranh làm tôi mất đi 85% sức lao động. Vợ tôi đã không chê mà còn đến với tôi để cùng nhau tạo dựng gia đình. Vợ chính là người cho tôi thêm động lực để tôi có cuộc sống như bây giờ”, ông Ứng chia sẻ.
Đến với nhau, hai vợ chồng ông Ứng lần lượt sinh ra 6 người con. Bị thương tật nhưng mọi sinh hoạt của mình ông Ứng đều tự lo liệu, không nhờ vả nhiều đến vợ. Không chỉ vậy, ông còn phụ vợ chăm lo cho các con, làm việc từ trong nhà cho tới ngoài đồng ruộng. “Tôi có thể làm cỏ, quét nhà, nấu ăn, viết và tính toán… Mỗi mùa thu hoạch lúa, tôi cũng đích thân ra phụ. Nhờ vậy mà tôi có thể kiếm tiền lo cho vợ, con mình”, ông Ứng bật mí.
Bằng đôi tay bị thương tật và sự đồng hành của vợ, ông Ứng nuôi những đứa con của mình lớn khôn, học hành đến nơi đến chốn, có công việc, gia đình hạnh phúc. Hiện người con cả của ông làm chủ tịch xã, người con kế là một nông dân thành đạt, những người con còn lại đang làm công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị ở địa phương. “Các con của tôi hiếu học lắm. Hồi đó còn khó khăn, đi học phải đi đò nhưng đứa nào cũng theo đuổi con đường học hành. Tôi là thương binh, cộng thêm các con học giỏi nên được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều. Đứa nào cũng được cộng thêm điểm ưu tiên khi chuyển cấp, tiền học phí được giảm… Nhờ vậy tôi nuôi được 6 đứa con ăn học đàng hoàng, có công ăn việc làm ổn định”, ông Ứng cho biết.
Ông Ứng đang viết thông tin cá nhân của mình Nhìn lại cả cuộc đời mình, ông Ứng hãnh diện nhất là bản thân đã chiến đấu hết mình vì sự độc lập của dân tộc. Bên cạnh đó ông cũng nuôi được 6 người con thành đạt. Bây giờ ông tiếp tục dành những ngày tháng còn lại của mình để hỗ trợ địa phương. |
Ở tuổi 81, ông Ứng vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Ông nhiệt tình đóng góp cho địa phương với vai trò Thư ký tổ tự quản, Chi hội người cao tuổi. Ông thường xuyên phổ biến, tuyên truyền lịch sử dân tộc đến bà con trong xã, nhất là giới trẻ để họ hiểu hơn về đất nước. “Thấy tôi vậy chứ còn khỏe lắm. Tôi mà không đóng góp gì cho địa phương là không thể chịu được. Tôi mong các bạn trẻ bây giờ hãy sống và làm việc hết mình để đóng góp cho địa phương, đất nước. Bởi thời ông bà của mình đã hy sinh xương máu mới giành lại hòa bình, bây giờ lớp trẻ phải biết trân trọng, giữ gìn điều thiêng liêng đó”, ông Ứng bày tỏ.
Thuộc diện gia đình chính sách nên ông Ứng được chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Ông thường xuyên được tặng quà, tiền. Mới đây, ông là một số những người thuộc diện chính sách được Thành ủy TP.HCM tặng quà. Ông cảm thấy rất biết ơn vì nhận được nhiều quan tâm, hỗ trợ.
Khi được hỏi ông có mong muốn địa phương chăm lo gì thêm cho mình không? Ông cười và nói: “Được chăm lo như vậy là đủ rồi. Dẫu mình đã đóng góp nhiều cho đất nước nhưng mình cũng không thể đòi hỏi Nhà nước phải chăm lo, phục vụ cho mình quá nhiều. Mình đòi thì người khác cũng đòi, như vậy thì làm sao Nhà nước có thể đáp ứng đầy đủ”.
Hồ Trinh
Bình luận (0)