Sau thời gian khá dài “cơm lành, canh ngọt”, giúp nghề nuôi bò sữa phục hồi và phát triển, đời sống nông dân được cải thiện, nhưng gần đây, mối quan hệ giữa người nuôi bò với nhà máy chế biến lại “nóng” lên vì chuyện sữa tươi…
Vì thay đổi cách mua
FrieslandCampina Việt Nam (FCV) và Vinamilk là 2 công ty mua sữa tươi nguyên liệu nhiều nhất hiện nay, góp phần quan trọng vào việc phát triển đàn bò sữa nông hộ trong nước. Vì vậy, những thay đổi từ cách mua sữa tươi theo như quy định mới: nghiêm ngặt hơn về chất lượng, giảm thưởng và siết chặt việc mua sữa tươi, đã tạo ra những tác động đáng kể đến phần lớn người chăn nuôi, cụ thể là mức thu nhập, do khi mức phạt tăng lên nhưng mức thưởng lại giảm xuống.
Theo ông Nguyễn Văn Cảm, Phó phòng Kinh tế huyện Củ Chi, sự thay đổi này từ đầu năm 2015 khiến nhiều người nuôi bò sữa khốn đốn, không xoay xở kịp, phải gửi bán hay dắt bò đi gửi hộ có hợp đồng, thậm chí rao bán bò sữa, nhưng thương lái chỉ mua theo giá bò thịt. Có 322 hộ ở 8/21 xã của huyện nuôi bò nhưng không bán được sữa, trong đó 200 hộ bị ngưng mua và 122 hộ phát sinh nuôi mới. Quy định mới của nhà máy gây khó người nuôi như chất béo từ 3,5% lên 3,6%, vật chất khô, tổng tạp trùng hay tế bào soma khó đạt được trong thời gian ngắn nên việc bán sữa bị giảm giá. Việc xét nghiệm chất lượng sữa để định giá mua, người nuôi chỉ nhận kết quả mà không thể có ý kiến nên tạo tâm lý không tin tưởng…
Nuôi bò sữa tại hộ Nguyễn Hùng Dũng, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi.
Thời gian qua, với chủ trương hỗ trợ lãi suất, khuyến khích chuyển đổi sản xuất của thành phố, nhiều hộ vay vốn nuôi bò sữa, nên đàn bò sữa Củ Chi lên đến 70.000 con, trở thành huyện nuôi bò sữa nhiều nhất nước, chiếm gần 2/3 tổng đàn bò sữa ở TPHCM. Do không nắm được thông tin, những hộ nuôi mới bị ảnh hưởng do chưa đăng ký với công ty nên bị từ chối mua, trong khi nhiều hộ nuôi từ lâu nhưng lại không ký hợp đồng mà giao hẳn việc bán này cho người vắt sữa thuê. Theo ông Cảm, huyện đồng tình không để tình trạng vắt sữa thuê và bán sữa hộ người nuôi để hưởng phần chênh lệch, nhưng nên làm từng bước; việc ngưng mua đột ngột gây ra sự phản ứng và ảnh hưởng đến thu nhập người nuôi. Đề nghị 2 công ty trên giải quyết sớm việc ký hợp đồng với những trường hợp này, cũng như có cách giải quyết cho hộ nuôi nhỏ lẻ.
Đồng tình với huyện Củ Chi, ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP cho rằng, nâng cao chất lượng sữa là xu thế bắt buộc phải hướng đến, nhưng việc áp dụng cách mua mới cần có lộ trình và giải pháp cụ thể, tạo điều kiện người nuôi có thể tiếp cận cách làm để đạt các quy định mới và giảm bớt thiệt hại cho bà con nông dân.
Tìm tiếng nói chung
Ông Vương Ngọc Long, Trưởng ban Phát triển nguyên liệu của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, cuối năm 2014, Vinamilk thông báo hộ nuôi bò sữa bán phải ký hợp đồng trực tiếp với công ty, không chấp nhận mua qua người vắt sữa thuê. Nhưng khá nhiều hộ không biết thông tin này. Không ít trường hợp người nuôi, dù Vinamilk đã hỗ trợ tín dụng trả chậm để trang bị thiết bị vắt sữa, nhưng vẫn thờ ơ và giao hết cho người vắt. Vinamilk có khoản thưởng cuối năm cho hộ nuôi khi bán sữa cho nhà máy, nhiều hộ được thưởng vài chục đến cả trăm triệu đồng, khoản này người vắt sữa hưởng hết. Những hộ nuôi mới, Vinamilk chưa bao giờ từ chối mua sữa, nhưng khi bắt đầu nuôi bò sữa phải đăng ký với điểm mua sữa để được hướng dẫn về kỹ thuật, chuồng trại và nông dân bán sữa cho Vinamilk phải có giấy khám sức khỏe. Vinamilk cũng không từ chối hộ nuôi dưới 10 con.
Qua tình hình vừa rồi, Vinamilk tính đến động thái, nhờ các đài phát thanh huyện-xã thông báo để bà con biết các thông tin của Vinamilk về việc ký hợp đồng, hộ nuôi mới bò sữa phải được tiêm phòng đầy đủ, phải bấm tai bò để quản lý nguồn gốc, người nuôi không bị bệnh truyền nhiễm… để tránh ảnh hưởng chất lượng sữa. Bà con đến trạm thu mua gần nhất để tìm hiểu về cách làm thủ tục. Công ty sẵn sàng phối hợp với các đoàn thể tập huấn cho người nuôi. Hai tháng qua có 68 hộ nuôi bò chất lượng kém, rơi vào nhóm giá mua thấp nhất 8.500 đồng/kg nên phải ngưng hợp đồng và có mở lớp tập huấn kỹ thuật và vệ sinh chuồng trại cho các hộ này. Theo ông Long, không công ty nào muốn mua sữa chất lượng kém. Vinamilk kiểm soát chất lượng và năng suất sữa, bên cạnh việc loại bỏ tình trạng vắt sữa thuê, còn giúp bà con nâng chất đàn bò để tăng thêm thu nhập. Bà con nên mạnh dạn loại thải những con bò dưới 15kg sữa/con/ngày và Vinamilk sẵn sàng cung cấp tín dụng giúp mua con giống mới.
Ông Trần Trường Sơn đề nghị, Hội Nông dân sẽ giúp lập các chi hội nghề nghiệp để tập hợp các hộ nuôi nhỏ lẻ, giúp bà con phát triển ổn định, làm đầu mối giải quyết các vấn đề phát sinh. Việc kiểm tra chất lượng sữa nên có bên thứ 3 làm trọng tài để người dân an tâm. Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Phước Trung, mục tiêu của thành phố là tăng chất đàn bò sữa, vì vậy, bên cạnh việc hỗ trợ người mua máy vắt sữa, thành phố khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất thức ăn hỗn hợp TMR cung cấp cho các hộ nuôi bò, giúp tăng năng suất và chất lượng bò. Nhằm hạn chế những tác động xấu đến người nuôi bò sữa, các công ty cân nhắc việc sửa đổi sao cho các tiêu chuẩn, các mức thưởng phạt hợp lý hơn.
CÔNG PHIÊN
(SGGP)
Bình luận (0)