Ảnh: N.Hải |
Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, phần lớn các gia đình đều có xu hướng sinh ít con. Vì thế nhiều bậc cha mẹ không tiếc tiền đầu tư cho con từ khi mới lọt lòng. Trái ngược với những nỗ lực của cha mẹ, không ít trẻ vẫn còi cọc, biếng ăn, chậm đi, chậm nói… Thậm chí có trẻ còn mắc những căn bệnh trầm cảm rất sớm.
Chuyện kể của cô giáo mầm non
Cô M. – giáo viên Trường Mầm non chuẩn Quốc gia Vành Khuyên (Q.Thủ Đức) kể: “Lớp tôi có 18 cháu “đặc biệt”. Ở nhà, các cháu đều được nuôi dưỡng trong điều kiện vật chất đầy đủ nhưng hình như cháu nào cũng có “vấn đề”. Cháu thì quá hiếu động, cháu thì biếng ăn, còi cọc, cháu thì thừa cân, có cháu lại chậm phát triển ngôn ngữ hoặc có dấu hiệu tự kỷ, bất hợp tác với cô giáo và các bạn”.
Trao đổi với các bậc cha mẹ, cô M. nhận thấy, nguyên nhân là ở gia đình các cháu không được chăm sóc đúng cách. Ví dụ, có bé từ nhỏ đã ngồi xe đẩy hoặc được ông bà, người giúp việc bế trên tay, không cho xuống đất để tự do chạy nhảy, vì sợ bé bẩn hoặc ngã đau. Vì thế bé chậm biết đi và ngại vận động. Một số bé khác thì do bố mẹ bận rộn từ sáng đến tối, bé chỉ ở với cô giúp việc, cô lại cho cháu xem tivi suốt ngày khiến đứa bé chậm nói, chậm phát triển trí tuệ.
Nhiều người mẹ lại áp dụng triệt để phương pháp nuôi con theo sách, bữa ăn nào cũng phải đầy đủ lượng, chất theo hướng dẫn, phải nghiền nhỏ hoặc hâm nhừ để trẻ hấp thụ hết. Ăn nhiều nhưng thiếu vận động khiến trẻ béo phì hoặc có trẻ tiêu hóa kém thì sinh ra biếng ăn, sợ ăn, lâu dần thành suy dinh dưỡng.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng: Trẻ em phải được vận động nhiều để tiêu hao năng lượng thì mới có phản xạ đói và thèm ăn. Trẻ có nhu cầu ăn thì mới ăn ngon miệng. Vì vậy khi trẻ đã mọc đủ răng nên tập cho trẻ ăn cơm, không kéo dài thời gian ăn bột, ăn cháo. Cũng không nên nhồi nhét, bắt trẻ phải ăn thật nhiều trong khi trẻ không có nhu cầu. Trẻ biếng ăn, chán ăn nhiều khi chỉ vì những lý do đơn giản như vậy. Chăm sóc không đúng cách còn có thể khiến trẻ mắc các bệnh tâm lý như tự kỷ, trầm cảm.
Cô M. cho biết, có phụ huynh đưa con gái 4 tuổi đến xin học và nói rằng: “Cháu đã học qua 4 trường mầm non nhưng chỉ được vài tháng lại phải chuyển trường vì tôi thấy không hợp với cháu…”. Sau khi tiếp xúc và kiểm tra, các bác sĩ cho rằng bé gái này có dấu hiệu trầm cảm và tự kỷ.
Phụ huynh đi học làm cha mẹ
Ở nước ta, nhiều người vẫn có quan niệm rằng việc làm cha, làm mẹ là không cần học. Họ thường dạy con theo cảm tính, không biết thế là đúng hay sai. Ngày nay các bậc cha mẹ trẻ đã nhận thức được rằng, muốn làm cha mẹ tốt cũng cần phải “học”, cần có kiến thức để nuôi dạy con hiệu quả trong điều kiện thời gian eo hẹp.
Chị Thu Hà – công tác tại Tòa án Q.Thủ Đức, có đứa con gái 3 tuổi rưỡi thừa nhận: “Tôi đã rất lúng túng và gặp nhiều rắc rối khi lần đầu làm mẹ. Theo tôi, kiểu nuôi con “tự nhiên chủ nghĩa” của những người trước không còn hợp với điều kiện xã hội và đặc điểm của trẻ em thời nay. Hơn nữa kiểu “lớn lên như cỏ dại” cũng để lại những di chứng cho con cái mà sau này mới phát bệnh…”.
Do thiếu kinh nghiệm nuôi con nên chị Hà đã phải tìm hiểu kiến thức dạy con qua sách báo, rồi vào trang web trẻ thơ lamchame.com để chia sẻ với các bà mẹ khác. Cũng qua mạng mà chị biết có một nhóm chuyên gia tâm lý mở các khóa học hỗ trợ kỹ năng làm cha mẹ, chị liền ghi tên tham gia. Ở khóa học này, các “học viên” cũng tìm thấy được câu trả lời cho những vấn đề của mình từ các chuyên gia tâm lý mà không phải bao giờ cũng thấy trong sách vở…
Phương Dung
Bình luận (0)