Gia đình anh Toàn quây quần trong căn phòng trọ chật chội |
Sài Gòn có hai mùa mưa và nắng. Với những người “sống bám vào mặt đường”, thời tiết Sài Gòn thật khắc nghiệt. Mùa mưa, nước dội xối xả trên đầu; mùa nắng, nóng như lửa hắt vào mặt. Ấy vậy mà người ta vẫn cứ lũ lượt kéo nhau vào Sài Gòn chỉ với một ước mơ nho nhỏ: Nuôi chữ cho con…
Ngày dãi nắng, đêm dầm mưa
18 tuổi, chàng trai Huỳnh Toàn rời làng quê Quảng Ngãi vào Sài Gòn. Cũng như bao chàng trai làng khác, giấc mơ của anh không quá lớn lao – đơn giản chỉ là kiếm chút tiền bằng sức lao động của mình để nuôi bản thân, rồi nuôi gia đình. Chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, anh Toàn làm rất nhiều nghề để kiếm đủ ngày 3 bữa. Và cái nghề anh Toàn ưng ý nhất là bán báo dạo.
Mùa mưa cũng như mùa nắng, hễ 4 giờ sáng, khi mọi người còn đang say giấc nồng, anh Toàn đã rời phòng trọ để tới đại lý lấy báo rồi đem đi bán. “Ngày ấy, internet chưa rộng rãi như bây giờ, hầu như không có ai đọc báo bằng điện thoại, iPad. Trung bình mỗi ngày tôi bán được từ 150 đến 200 tờ, bán được nhiều nên thấy ham”, anh Toàn (trọ ở số 98/8/10 Cống Lở, P.15, Q.Tân Bình) nhớ lại.
Nói như vậy không có nghĩa là mọi việc cứ diễn ra êm đẹp, suôn sẻ. Mỗi ngày, anh Toàn không còn nhớ mình đã đi trên bao nhiêu con đường, vào bao nhiêu quán cà phê, gõ cửa bao nhiêu gia đình… để mời mua báo. Có những con đường đi mòn cả chân, có những quán cà phê mời rơi cả… răng mà chẳng ai mua. Nhưng khổ nhất vẫn là trời mưa, báo mà ướt thì xem như bỏ. Bởi vậy thà ướt người chứ nhất định phải bảo vệ báo được khô. Với mọi người, báo chỉ là báo, còn với anh Toàn, báo là miếng cơm, manh áo.
Bây giờ anh Toàn đã ở cái tuổi 42. Với 24 năm đeo bám nghề bán báo dạo nên anh cũng có vài chục mối quen, vì vậy ít phải lang thang ngoài đường hơn. Nhưng bớt dầm mưa, dãi nắng ở chỗ này thì lại phải dãi nắng, dầm mưa ở chỗ khác. “Các con đang tuổi ăn tuổi học, nếu chỉ trông chờ vào tiền hoa hồng bán báo thì làm sao đủ. Ngoài bán báo, tôi chạy xe ôm, thu mua ve chai, còn bà xã bán trái cây. Dẫu vậy nhưng nhiều lúc đến ngày các con đóng tiền học cũng xấc bấc xang bang…”, anh Toàn tâm sự.
Chị Hồ Thị Nghĩa cũng rời bỏ làng quê miền Trung khó khăn khi ở cái tuổi đẹp nhất – 18 tuổi. Chị theo một người bà con vào Sài Gòn làm thợ may. May được mấy tháng, chủ không trả lương nên chị bỏ ra ngoài đi bán báo dạo. Trên con đường mưu sinh, chị đã gặp một anh bạn tên Đặng Chiêu Linh, không chỉ là “đồng nghiệp” mà còn là đồng hương. Sau đó chị với anh Linh nên vợ nên chồng và sinh được hai cô con gái. Bốn người ở trong một căn phòng trọ rộng 3m, dài cũng 3m. Nhà vệ sinh, chỗ tắm giặt, chỗ nấu ăn, chỗ ngủ và chỗ học của các con tất tần tật đều gói gọn trong căn phòng 9m2 này. “Cũng muốn thuê một cái phòng to hơn để các con có chỗ học thoải mái nhưng kiếm được đồng tiền khó quá nên phải tiết kiệm. Bây giờ phải làm sao kiếm đủ tiền để đóng tiền học cho các con, lo cho các con ngày 3 bữa ăn. Vất vả đến đâu cũng phải làm, chúng tôi không muốn chuyện học của con cái bị dở dang”, chị Nghĩa (trọ số nhà 191 Thoại Ngọc Hầu, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú) tâm sự.
Chị Hồ Thị Nghĩa và con gái Đặng Thị Thúy Ngân |
Và để thực hiện cái nghĩa vụ đương nhiên của đấng sinh thành, vợ chồng chị Nghĩa – anh Linh, trời còn chưa sáng hẳn đã ra khỏi nhà để đi bán báo. Trưa về nhà ăn cơm, rồi chồng ra đường đứng chờ xem có ai đi xe ôm hay không, vợ ra chợ mua trứng cút và đậu phộng về luộc để 5 giờ chiều đi bán. Và họ chỉ trở về nhà lúc 10, 11 giờ đêm. “Có khi cả tuần cha mẹ không nói với con được một câu. Vì khi mình ra khỏi nhà thì các con chưa dậy, buổi trưa về nhà chúng đã đi học, tối về đến nhà thì các con đã ngủ”, chị Nghĩa nói.
Mồ hôi của mẹ cha là điểm 10 của con
Trong những tháng ngày dãi nắng, dầm mưa, anh Toàn đã gặp được “nửa kia” – chị Nguyễn Thị Tĩnh. Và rồi lần lượt ba đứa con ra đời. Hiện nay, đứa con gái lớn là Huỳnh Thị Tiên đang học lớp 9, đứa thứ hai là Huỳnh Thiên Nga đang học lớp 6 Trường THCS Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình). Niềm an ủi, niềm tự hào và cũng là động lực giúp vợ chồng anh chị vượt qua khó khăn để kiếm từng đồng bạc lẻ chính là những điểm 10, những tờ giấy khen mà các con đem về. “Nhìn ba mẹ vất vả sớm hôm, em rất thương. Càng thương ba mẹ, em càng quyết tâm học tập và phụ giúp việc nhà như nấu cơm, trông em, quét nhà”, Thiên Nga tâm sự.
“Hình như hai đứa con của tôi (Đặng Thị Minh Thư – Trường THCS Đồng Khởi, Q.Tân Phú và Đặng Thị Thúy Ngân – Trường TH Hiệp Tân, Q.Tân Phú) biết thân biết phận là con nhà nghèo nên chẳng bao giờ chúng đòi hỏi gì ở cha mẹ. Thấy cha mẹ đi làm từ sáng sớm tới tối mịt nên hai chị em tự bảo ban nhau học hành, đứa em không hiểu bài thì hỏi chị, đứa chị không hiểu thì vào trường hỏi bạn bè, thầy cô. Hai chị em cũng không đòi đi học thêm, học bán trú vì sợ tốn tiền của cha mẹ. Thậm chí nhà có ti vi, chúng cũng không dám xem vì sợ tốn tiền điện. Hai đứa tự làm mọi việc trong nhà như nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, giặt đồ… Nhìn hai đứa con ngoan ngoãn, học giỏi (năm nào các con của chị Nghĩa cũng đạt học sinh giỏi – PV), vợ chồng tôi thấy hạnh phúc lắm. Bao mệt nhọc, thậm chí là cả bực dọc trên đường mưu sinh đều tan biến khi chúng tôi trở về căn phòng trọ, dù đó là một căn phòng rất chật chội, nóng nực…”, chị Nghĩa chia sẻ.
… Năm học mới đã đến, các ông bố, bà mẹ lại vất vả bươn chải miễn sao kiếm được tiền để con cái được học hành đến nơi đến chốn. Còn những đứa con, nói nhiều chi bằng hành động – sẽ cố gắng học tập để đền đáp những khó nhọc của mẹ cha, công lao dạy bảo của thầy cô giáo…
Kim Anh
Bình luận (0)