Tòa soạnThư đi – tin lại

Nuôi heo đất đi học

Tạp Chí Giáo Dục

Heo đất của các em HS Trường TH Hàn Hải Nguyên. Ảnh: P.N.Q

Việc nuôi heo đất hàng ngày của mỗi học sinh (HS) sẽ có thể tạo ra một khoản tiền nho nhỏ đủ để cha mẹ mua tập vở, đóng tiền trường cho con cái vào dịp bước vào năm học mới.
Ngày hội khui heo đất
Sau ngày khai giảng, HS Trường Tiểu học Hàn Hải Nguyên, Q.11, TP.HCM vô cùng phấn khởi khi được các bác các dì trong Chi hội khuyến học của trường tặng mỗi em một con heo đất. Khi những chiếc xe chở heo đất vào sân trường, các em đã rủ nhau chạy lại đứng ngắm nhìn thích thú. Trên đường về lớp học, mỗi HS đã ôm một chú heo đất trên tay với vẻ mặt rạng rỡ. Thế là bắt đầu từ hôm đó, các em đã có nơi để bỏ tiền tiết kiệm trong suốt một năm học. Chờ đến tháng 4 năm sau, Ban giám hiệu nhà trường sẽ tổ chức “Ngày hội khui heo đất”. Đến ngày “mổ” heo, mỗi em HS sẽ ôm “người bạn thân” tới trường để khoe công sức chăn nuôi của mình. Nhìn bề ngoài con heo nào cũng giống nhau nhưng nếu người nào mát tay thì nuôi heo sẽ chóng mập, tiền tiết kiệm vì thế cũng nhiều hơn. Nghe hiệu lệnh “Bắt đầu”, HS toàn trường đồng loạt khui heo. Tiếng hò reo vang dội khắp cả sân trường, thầy trò đều vui vẻ và thích thú. Ông Phạm Văn Hòe, Phó chủ tịch Chi hội khuyến học Trường Tiểu học Hàn Hải Nguyên – người chủ trì “Ngày hội khui heo đất” chia sẻ: “Số tiền có được là do các cháu HS tiết kiệm hàng ngày từ tiền ăn sáng, tiền ba mẹ, người thân cho đi chơi hoặc mua quà. Không giống như một vài nơi khác, số tiền nuôi heo này không sung vào quỹ chung mà thuộc về mỗi HS và phụ huynh. Để vào năm mới, các em sẽ dùng tiền đó mua sắm sách vở, dụng cụ học tập, đóng học phí hoặc cũng có thể trao tặng cho Quỹ khuyến học nhà trường nhằm hỗ trợ cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn”. Chị Mai, phụ huynh có con học tại trường không giấu được niềm vui: “Hôm cháu đi khui heo ở trường về tôi nghĩ cũng chỉ được vài trăm ngàn, ai ngờ số tiền lên đến gần 1,5 triệu đồng. Số tiền đó so với người khác thì không nhiều nhưng với gia đình tôi thì vô cùng đáng quý. Tôi dành số tiền đó để mua tập vở và đóng tiền trường cho con gái vào năm học sau”.
Trên tinh thần “Mỗi hội viên làm một việc tốt khuyến học” sau 3 năm, Trường Tiểu học Hàn Hải Nguyên đã tiết kiệm được 62 triệu đồng từ quỹ nuôi heo đất. Không chỉ dừng ở con số hàng chục triệu đồng như: Trường THCS Mạch Kiếm Hùng (Q.5), Trường Mầm non 23/11 (huyện Hóc Môn), Trường Tiểu học Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi), Trường Tiểu học Bình Hưng Hòa 1 (Q. Bình Tân), Trường Tiểu học Tân Thạnh Đông 2 (huyện Củ Chi)… mà số tiền tiết kiệm nhiều đơn vị có được từ phong trào nuôi heo đất có khi lên đến hàng trăm triệu đồng như: Trường Tiểu học Chu Văn An (Q. Bình Thạnh), Trường THCS Linh Trung (Q. Thủ Đức), Trường THCS Minh Đức (Q.1)…
Học tập và làm theo gương Bác Hồ kính yêu
Theo đánh giá của các quận huyện, chương trình nuôi heo đất trong 3 năm qua vừa tạo ra phương thức xây quỹ bền vững vừa kêu gọi được tinh thần tiết kiệm trong nhân dân. Đặc biệt chương trình có ý nghĩa thiết thực trong quá trình thực hiện phong trào “Học tập và làm theo gương Bác Hồ kính yêu” của các em HS. Số tiền tiết kiệm không ngoài mục đích chăm lo cho việc học nên càng có giá trị thực tế vì tạo ra được nguồn quỹ tại chỗ cho từng gia đình, mỗi tổ dân phố và từng trường học. Qua phong trào, ngoài vai trò dạy chữ nhà trường còn trách nhiệm dạy làm người, kêu gọi tình nhân ái, biết sẻ chia ở mỗi em HS. Những đồng tiền các em dành dụm được để giúp các bạn nghèo trong lớp lại càng làm cho thầy cô, bè bạn thêm ấm lòng.
Tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện phong trào “Tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học” (2007-2010), bà Trần Thị Kim Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định: “Phong trào tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học là một sáng tạo của Hội khuyến học TP.HCM. Phong trào không chỉ góp phần xây dựng quỹ khuyến học một cách tự giác để chăm lo cho việc học tập của các em HS mà còn thực hiện tốt lời dạy của Hồ Chủ tịch”.
Tuy nhiên, điều trăn trở chung của Thành hội là sau 3 năm vẫn có một số địa phương chưa thực sự hưởng ứng và gắn kết với phong trào. Các đơn vị trường học đã bỏ qua những cơ hội quý giá trong việc tạo điều kiện để các em HS khó khăn được tiếp tục đến trường và khuyến khích mọi người cùng tham gia học tập. Mặc dù có những câu chuyện rất cảm động về phong trào nuôi heo đất ở một số đơn vị ngoài trường học như Ban quản lý bảo vệ rừng Cần Giờ, Ban chỉ huy quân sự quận 10, các công ty xí nghiệp nhà nước và tư nhân… để giúp HS nghèo nhưng công tác xã hội hóa phong trào tiết kiệm này vẫn chưa được “phủ sóng” rộng khắp.
Bài, ảnh: Hương Thủy

Bà Lê Minh Ngọc, Phó chủ tịch Hội khuyến học TP.HCM, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Năm 2007, với tinh thần “Học tập và làm theo lời Bác”, Hội khuyến học TP. HCM đã phát động phong trào “Mỗi hội viên khuyến học phải làm một việc tốt khuyến học” bằng việc thực hiện chương trình “Tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học”. Đây là một hình thức tiết kiệm bỏ ống của dân gian theo ông cha trước đây, nhưng dành riêng cho mục đích khuyến học”.

 

Bình luận (0)