Trượt đại học là một cú sốc đối với Dũng nhưng bố mẹ cậu… còn sốc mạnh hơn.Cả nhà quay sang trút hết bực dọc lên đầu con trai, cho rằng Dũng làm mất mặt cả nhà…
Dũng là học sinh khá tại một trường huyện của tỉnh Phú Thọ, cậu thi vào ĐH Kinh tế Quốc dân. Tin tưởng ở con trai, bố mẹ Dũng từ lâu đã thể hiện với mọi người về… tương lai “mở mày mở mặt” của gia đình khi cậu thi đại học, chỉ chờ đến ngày có “quyết định” chính thức.
Ngay sau kỳ thi, dù Dũng đã bày tỏ sự lo lắng với bố mẹ là mình làm bài không được tốt nhưng bố mẹ Dũng vẫn phớt lờ. Ngày có kết quả thi, Dũng không dám đi xem, bố Dũng phải đi xem điểm hộ cậu. Vừa về đến nhà, bố Dũng đã ném đẹt cặp sách giữa giường, nhìn con đầy uất ức: “Đề dễ thế mà mày không làm được, lâu nay mày học cái gì?”.
Biết điểm mình dưới 20, Dũng đã chán, lại nghe bố nói cậu không biết phải thế nào. Mẹ Dũng là một giáo viên cấp hai cũng quay sang “đay nghiến” con trai: “Mày ăn tốn bao nhiêu cơm gạo để rồi “đáp công” bố mẹ thế này à?”. Nỗi buồn thi trượt đối với Dũng không đáng sợ bằng ánh mắt, lời nói của bố mẹ dành cho mình lúc này.
Cả tuần nay, nhà chú Hiếu, cô Tình ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An chẳng khác gì có tang. Cô con gái của cô chú là niềm hy vọng… của cả dòng họ vậy mà vẫn không vượt qua được “cửa ải” của trường ĐH Vinh. Đúng hôm biết kết quả, chú Hiếu đã thẳng tay cho con gái một bạt tai, còn cô Tình không an ủi, động viên con lấy một lời lại nằm liệt giường, lẩm bẩm trách: “Kiểu ni cha mẹ không dám vác mặt ra đường nhìn hàng xóm”.
Đến bữa cơm, cô chú cũng nói lên nói xuống. Thấy con gái nước mắt giàn giụa thì cả hai vợ chồng quay sang mắng: “Khóc có đậu được nữa không?”. Gặp ai ông bố cũng than thở “kể tội” con: “Cái con óc bã đậu, thường ngày xí xớn cho lắm vào. Thi trượt ở nhà bốc cám mà ăn”. Vì thế, ông bà cô bác nhìn cô cháu gái cũng đâm ái ngại.
Tội nghiệp cho cô bé, từ hôm biết kết quả tới giờ cứ thẫn thờ như người mất hồn. Em chẳng dám ra khỏi nhà, suốt ngày không nói một câu, lúc nào cũng lầm là lầm lì.
Đừng đẩy con vào đường cùng!
Cứ mỗi lần trong xã biết thêm tin người nào đỗ ĐH thì y như rằng “bom lửa” lại trút lên đầu Dũng. Dũng bị lôi ra so sánh với người này đến người khác. Mẹ cậu còn tàn nhẫn hơn khi mắng Dũng chỉ đáng… xách dép cho bạn bè.
Dũng không còn tâm trí nào để nghĩ đến việc làm hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2, cũng không thể chịu đựng được sự “tra tấn” của bố mẹ, Dũng nói mình xuống Hà Nội đi học nghề sửa chữa ô tô, vốn là nghề cậu yêu thích từ lâu thì bị mắng té tát: “Mày đi học nghề để làm nhục thêm bố mẹ mày à? Ở nhà đó ôn thi lại khi nào đỗ bằng được trường Kinh tế thì thôi”.
Dũng thật sự bế tắc: “Em chán lắm rồi, chẳng biết phải thế nào để bố mẹ đừng chửi mắng nữa. Cũng biết bố mẹ muốn tốt cho mình, em đã phụ công bố mẹ nhưng trượt thì em cũng đã trượt. Em ước được nghe một lời động viên của bố mẹ… Cứ thế này em chỉ muốn chết quách cho xong”.
Rất nhiều ông bố bà mẹ, khi con thi trượt chỉ có mắng chửi cho “hả dạ” mà không biết lúc đó, đứa con mới chính là người đang đau buồn nhất, rất cần được an ủi, động viên. Còn không các em sẽ bức bí, cùng quẫn, có thể nghĩ đến cả cái chết.
Các năm trước, sau kỳ thi đại học đều có học sinh tự vẫn vì thi trượt mà áp lực đầu tiên phải nhắc đến chính là gia đình. Các em bị trầm cảm một thời gian mà ít phụ huynh để ý, ngược lại, khi có “dịp” vẫn có những lời lẽ trách cứ con. Cũng chính áp lực từ bố mẹ mà nhiều em trước kỳ thi đã mang suy nghĩ: “Mình mà trượt chỉ có con đường chết!”. Bởi thế, khi kết quả thi cử không như mong muốn, các em phải được cha mẹ an ủi kịp thời.
Năm ngoái, Nguyên Cương, quê ở Hà Tĩnh thi vào ĐH Ngoại thương nhưng không đủ điểm. Cương học tốt, được bố mẹ tạo điều kiện ăn học đến nơi đến chốn, chính Cương còn nghĩ mình sẽ không đủ sức đối mặt được với người thân. Vậy nhưng, chính bố mẹ và chị gái đã có mặt đúng lúc an ủi em nên Cương thấy nhẹ nhõm hơn phần nào. Cương biết bố mẹ rất buồn, nhưng họ đều giấu kín không thể hiện cho mình thấy. Cương và bố mẹ cùng tập trung tìm hiểu nguyện vọng 2. Giờ em đã bước sang năm thứ hai của trường ĐH Công nghệ Hà Nội.
Cương bày tỏ: “Em thật may mắn khi có bố mẹ thông cảm và chia sẻ. Nếu lúc đó bố mẹ mà còn tỏ ra hắt hủi, chửi bới chắc em không đủ sức vượt qua thật”.
Thay vì những lời trách móc, chửi mắng khi con thi trượt cha mẹ cần gần gũi, trò chuyện với con cái. Việc trượt, đỗ trong thi cử là hết sức bình thường, không có gì nghiêm trọng. Hơn ai hết, các ông bố bà mẹ cũng cần phải xác định, đại học không phải là con đường vào đời duy nhất của con mình. Hãy cùng con mở ra những con đường phía trước.
Hoài Nam (dantri.com.vn)
Bình luận (0)